Nên xem xét mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sản xuất đình trệ, đơn hàng bị mất; “ba tại chỗ” gặp nhiều khó khăn về chi phí sản xuất, ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe người lao động; chi phí xét nghiệm cao… đã bào mòn nguồn lực nên nhà đầu tư nước ngoài tha thiết được mở cửa trở lại để sản xuất, kinh doanh.

Tiếng nói từ nhà đầu tư nước ngoài

Mới đây, bốn hiệp hội doanh nghiệp (DN) nước ngoài tại Việt Nam gồm: Thương mại Mỹ (AmCham), DN châu Âu (EuroCham), DN Hàn Quốc (Korcham) và Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN kiến nghị Chính phủ về chiến lược khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn trong tình hình mới.

Mở cửa lại nền kinh tế an toàn để cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài có thể tái khởi động sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Công nhân tại một công ty điện tử đang làm việc. Ảnh: QH

“Điều quan trọng là Việt Nam phải hành động ngay bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế” - kiến nghị nêu và cho rằng cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ.

Theo các hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài, đến thời điểm này có ít nhất 20% thành viên sản xuất đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác.

“Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại. Mặt khác, đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi khi các kế hoạch đầu tư đang bị trì hoãn do những bất ổn hiện tại” - các hiệp hội nêu kiến nghị.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện một số công ty đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng khẩn thiết đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương đưa ra lộ trình mở cửa vì sức chống chịu của họ đã đến giới hạn. Cụ thể, lãnh đạo một công ty của Đài Loan cho hay từ ngày 17-7 đến nay, họ phải ngừng hoạt động. Dù không có doanh thu nhưng mỗi tháng vẫn phải chi 17 triệu USD cho các khoản, trong đó trả lương tối thiểu cho người lao động 12,7 triệu USD và 4,3 triệu USD đóng các khoản khác. Đáng chú ý, khoảng 25% đơn hàng của công ty đã bị chuyển khỏi Việt Nam.

Một nhà đầu tư nước ngoài ở Bà Rịa-Vũng Tàu cũng kiến nghị cần phải đơn giản hóa thủ tục cho chuyên gia, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Bởi hiện nay, thủ tục nhập cảnh còn khó khăn. Quy trình nhập cảnh phải được bốn cơ quan chấp thuận nên mất thời gian chờ đợi.

“Cần có quy trình một cửa, một đầu mối về giải quyết vấn đề nhập cảnh. Đồng thời, nếu tiếp tục phương án “ba tại chỗ” và “một cung đường - hai điểm đến” thì rất khó khăn cho nhà đầu tư vì các chi phí đội lên và người lao động đã không được về nhà bốn tháng nay.

Do vậy, chúng tôi đề nghị cho phép công nhân tại khu vực nguy cơ cao ở lại nhà máy, công nhân ở khu vực khác được xe buýt của công ty đưa đón đi làm. Đặc biệt, cho phép người lao động đã tiêm vaccine đầy đủ được đi lại giữa TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu…” - đại diện công ty nói trên nêu.

Thiết lập bình thường mới, ban hành cẩm nang kinh doanh an toàn

Hàng loạt DN, hiệp hội, chuyên gia thống nhất cho rằng đã đến lúc thiết lập bình thường mới. Bởi lẽ đến nay, mục tiêu “zero COVID” đã chuyển sang “sống chung với COVID-19” nên cần có các tiêu chí, điều kiện phòng chống dịch và phục hồi kinh tế phù hợp, thống nhất trên toàn quốc.

TS Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá gần đây, các cấp chính quyền nhận thức rõ không thể đóng cửa mãi nền kinh tế mà cần có giải pháp tiếp cận tổng thể cân bằng hơn dưới yêu cầu ưu tiên chống dịch nhưng vẫn phải coi trọng bảo vệ nền kinh tế. Vì bảo vệ nền kinh tế là bảo vệ khả năng chống chịu của toàn hệ thống xã hội, người dân và nền tài chính quốc gia.

Từng bước nới lỏng giãn cách, mở cửa thị trường phải được coi là quốc sách vì dịch bệnh được dự báo còn kéo dài. Nói cách khác, cuộc chiến với COVID-19 là cuộc chiến trường kỳ nên chống dịch nhưng vẫn đảm bảo duy trì được sản xuất, kinh doanh.

“Mở cửa tái khởi động nền kinh tế để kinh doanh an toàn, để sống chung với COVID-19 là giải pháp không thể khác được và đây cũng là xu thế chung của thế giới trong bối cảnh hiện nay. Để thực hiện chủ trương này, chúng ta phải chấp nhận rủi ro có kiểm soát, thực hiện quản lý rủi ro để mở cửa sản xuất, kinh doanh, cho cuộc sống dân sinh. Rất nhiều nước đều làm như vậy” - ông Lộc nhấn mạnh.

Về các giải pháp cụ thể để phục hồi sản xuất, TS Lộc cho rằng có rất nhiều cách, nhiều giải pháp khác nhau. Đơn cử như áp dụng hộ chiếu vaccine, giấy thông hành xanh cho người dân sau khi đã tiêm đủ hai mũi vaccine để họ có thể được tự do di chuyển. Cho phép nhà đầu tư mở cửa kinh doanh lại theo cẩm nang hướng dẫn kinh doanh an toàn do Bộ Y tế phê duyệt. Cho phép con người, hàng hóa, nguyên liệu, vật tư lưu thông khi không thuộc danh mục hàng hóa cấm lưu thông… Điều quan trọng là các quy định này phải thống nhất từ trung ương đến địa phương, tránh mỗi nơi làm một kiểu gây khó cho DN.

“Chính phủ cần giao cho các địa phương, bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ kép ưu tiên mục tiêu phòng chống dịch bệnh nhưng không được lơ là chăm lo các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tôi nghĩ trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết, việc khen, chê hay động viên cán bộ các cấp phải căn cứ vào chỉ tiêu kép chứ không phải căn cứ vào thành quả chống dịch, dù mục tiêu này cũng rất quan trọng.

Cần nghiêm cấm đẻ ra các biện pháp cách ly, phong tỏa, cấm đoán cực đoan duy ý chí như một số địa phương làm, gây cản trở vô lý cho hoạt động dân sinh và sản xuất, kinh doanh” - TS Lộc nhấn mạnh.•

Chúng tôi kiến nghị chính quyền các cấp đơn giản hóa thủ tục để khôi phục sản xuất trở lại. Cho phép công nhân được đi lại bằng xe cá nhân... Khi chúng tôi được hoạt động trở lại thì Nhà nước không cần phải hỗ trợ, vì chúng tôi sẽ tạo ra việc làm, có thu nhập, có nộp thuế.

Lãnh đạo một công ty của Đài Loan 

 

 BÙI KIM THÙY, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN:

Cần trao quyền cho doanh nghiệp

Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc tinh thần tin tưởng và trao quyền chủ động phòng chống dịch cho DN như thể hiện tại Nghị quyết 105/2021 mới đây của Chính phủ phải được triển khai rộng rãi, được chính quyền địa phương tôn trọng. Chỉ khi đó thì DN mới có thể chung tay cùng chính quyền chống dịch hiệu quả như kỳ vọng, mong muốn.

Chính phủ cứ mạnh dạn trao quyền chủ động cho DN trong phòng chống dịch đi kèm với các quy định và chế tài phù hợp. Vì sẽ chỉ có thuận lợi nếu Chính phủ, chính quyền địa phương đặt niềm tin vào DN, trao cho họ quyền chủ động và hỗ trợ trong việc cấp vốn, tái cơ cấu nợ, đảm bảo sự thông suốt của chuỗi cung ứng. Một khi đã trao thì phải tin.

Chúng tôi cũng mong Chính phủ và các bộ, ngành sớm ban hành các tiêu chí và hướng dẫn cụ thể về “di chuyển an toàn” để nền kinh tế sớm mở cửa trở lại.

Nên xem xét mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài ảnh 2
Nhân viên tại một siêu thị của nhà đầu tư nước ngoài đang chuẩn bị hàng cung ứng cho người dân. Ảnh: TU

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC:

Khẩn trương xây dựng kế hoạch phục hồi

Các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam tiếp tục bị trì hoãn. Điều này ảnh hưởng đến cơ hội thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao… Bên cạnh đó, các DN, kể cả các DN FDI bị ảnh hưởng tiêu cực do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, gây thiếu nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra…

Vì vậy, các địa phương, DN cần khẩn trương xây dựng phương án phục hồi, trở lại sản xuất, kinh doanh an toàn sớm nhất. Từ đó thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của DN.

Về phía các cơ quan hữu quan, cần hoàn thiện, thống nhất khung quy định đảm bảo sản xuất an toàn cho các DN. Qua đó có thể áp dụng thống nhất trên cả nước trên cơ sở mở rộng và bảo vệ chặt chẽ vùng an toàn dịch bệnh nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, sớm ổn định sản xuất; kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.