Ngăn cổ đông lớn thao túng ngân hàng

Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, cá nhân được sở hữu không quá 5% cổ phiếu một NH, cá nhân và người có liên quan nắm giữ không quá 20%. Trường hợp sở hữu vượt tỉ lệ cho phép, dự thảo thông tư yêu cầu xử lý trong thời hạn 30 ngày nếu việc sở hữu vượt tỉ lệ phát sinh sau ngày 1-1-2011. Với trường hợp phát sinh trước ngày 1-1-2011, thời hạn xử lý là cuối quý 1-2015.

Trên thực tế, hàng loạt trường hợp cá nhân và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt mức quy định này. Theo số liệu thanh tra của NH Nhà nước, có năm NH có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ 5% vốn điều lệ. Năm NH có tổ chức sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ 15% vốn điều lệ và tám NH có nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ 20% vốn điều lệ.

 

Phải nêu rõ lộ trình thoái vốn

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, cho rằng NH Nhà nước đã lưu ý các NH tình trạng này và yêu cầu trong đề án tái cơ cấu các NH phải nêu rõ lộ trình thực hiện việc thoái vốn với các trường hợp sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ cho phép. Do vậy khi NH Nhà nước đưa ra thông tư thì các NH sẽ không gặp trở ngại lớn về mặt thời gian. Về lo ngại nhiều cá nhân sẽ lách luật khi thực hiện, ông Minh nói NH Nhà nước đã tính đến việc này nên đã giám sát chặt từ lúc thực hiện đề án và quản lý chặt hoạt động chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế cổ phần.

Một số trường hợp sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ quy định đã được nói tới thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây mới là bề nổi của tảng băng chìm. Còn rất nhiều trường hợp cá nhân và người có liên quan sở hữu lượng cổ phần lớn tại NH nhưng rất ít được biết tới do NH hạn chế công bố thông tin. NH Nhà nước cho rằng tình trạng cá nhân hoặc nhóm cổ đông nắm cổ phần chi phối tại một NH dẫn đến tình trạng thao túng, chi phối NH nhằm phục vụ lợi ích của cổ đông lớn.

Theo dự thảo thông tư, các NH phải có kế hoạch xử lý dứt điểm trường hợp cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ quy định. Trong kế hoạch NH phải nêu rõ danh sách, tỉ lệ sở hữu cụ thể, quan hệ giữa các bên, kể cả đứng tên hộ, ủy thác, đồng thời có lộ trình và cam kết xử lý từng trường hợp. Quá thời hạn trên, NH Nhà nước sẽ áp dụng biện pháp mạnh như yêu cầu cổ đông sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ cho phép phải chuyển nhượng số cổ phần vượt giới hạn cho NH Nhà nước hoặc tổ chức do NH Nhà nước chỉ định, mất quyền biểu quyết với số cổ phần vượt, không được tham gia HĐQT, ban kiểm soát...

Cho tới nay, một số NH cũng đang xoay xở tìm cách giảm tỉ lệ sở hữu tại NH như bán bớt cổ phần hoặc NH chủ động tăng vốn điều lệ, sáp nhập với NH khác có cùng chủ sở hữu. Tại NH TMCP Quốc tế VN (VIB), một số cá nhân thoái vốn bằng cách bán bớt cổ phần như ông Đặng Khắc Vỹ, chủ tịch HĐQT, từng sở hữu 9,19% vốn của VIB và bà Trần Thị Thảo Hiền (vợ ông Vỹ) nắm 9,39%. Theo công bố mới đây của VIB, vợ chồng ông Vỹ đã bán bớt tổng số 37 triệu cổ phiếu VIB để giảm tỉ lệ sở hữu cá nhân về dưới 5%. Tính đến ngày 13-2, ông Vỹ chỉ còn nắm giữ hơn 21 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 4,99%, còn bà Hiền sở hữu hơn 20,8 triệu cổ phiếu, tương đương 4,9%.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp cá nhân nắm cổ phần vượt tỉ lệ sở hữu tại nhiều NH khác đến nay chưa có động thái thoái vốn.

Giới chuyên gia dự đoán các ông chủ NH sẽ có nhiều biện pháp để đối phó với quy định này. Một trong những cách đối phó đó là chuyển nhượng loanh quanh, nhờ người khác đứng tên hoặc kín đáo hơn là chuyển nhượng cổ phần từ cá nhân sang công ty mà người chuyển nhượng cũng là cổ đông lớn tại công ty đó. “Ai cũng biết phải nắm lượng cổ phần lớn mới có thể chi phối hoạt động của NH, đó cũng là mong muốn của họ khi đầu tư vào NH, do vậy khó có chuyện họ chịu thoái vốn” - một chuyên gia NH dự đoán.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng việc xử lý cổ phần vượt tỉ lệ sở hữu mất thời gian khá dài vì thoái vốn không dễ, vì nếu không khéo sẽ dẫn đến tình trạng từ sở hữu chéo này sang sở hữu chéo khác. Tuy nhiên ông Ánh cho rằng đây là điều cần thiết. “Hiện nay đang cơ cấu lại hệ thống NH, mà một trong những bước đi để cơ cấu lại, làm lành mạnh hệ thống tài chính là phải xử lý việc sở hữu vượt quy định. Trước đây, hệ thống gặp vấn đề này vấn đề khác cũng một phần do việc không quản lý nổi sở hữu trong NH, kể cả sở hữu cá nhân, nhóm... Lần này NH Nhà nước nắm khá rõ rồi, vấn đề là phải làm một cách cương quyết” - ông Ánh nói.

Theo ÁNH HỒNG/TTO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm