Ngân hàng sẽ ‘bội thu’ nhờ bắt tay bảo hiểm ?

Đó là một trong những lý do để xu hướng hợp tác bảo hiểm - ngân hàng không ngừng tăng trưởng và giờ đây đã trở thành kênh phân phối quan trọng của các công ty bảo hiểm nhân thọ.

Mới đây nhất, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam và Sacombank đã ký kết hợp đồng độc quyền với thời hạn lên đến 20 năm. Với thời gian hợp tác độc quyền 20 năm được xem là dài nhất thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay, Dai-ichi life Việt Nam và Sacombank đã đánh dấu cột mốc liên kết kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) mang tính lịch sử tại Việt Nam.

Theo hợp đồng này, Dai-ichi life Việt Nam là đối tác duy nhất độc quyền phân phối tất cả các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thông qua  mạng lưới Sacombank trên toàn quốc.

Cách đây không lâu, Aviva Việt Nam công bố chiến lược phát triển dài hạn tại Việt Nam sau thương vụ mua lại 50% cổ phần của Vietinbank trong liên doanh bảo hiểm nhân thọ VietinBank Aviva.

Trong chiến lược dài hạn Aviva Việt Nam, Vietinbank vẫn tiếp tục trở thành đối tác phân phối độc quyền dài hạn sản phẩm của hãng bảo hiểm Anh Quốc này tại Việt Nam.

Hay như ngân hàng SCB và Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo hiểm Bảo Việt) cũng đã ký kết hợp tác nhằm ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của hai bên; tăng cường bán chéo dịch vụ.

Việc ký kết hợp tác được SCB và Bảo hiểm Bảo Việt kỳ vọng cũng được kỳ vọng là sẽ tạo ra kênh phân phối dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm toàn diện, mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng hai bên.

Bancassuracne sẽ tạo ra kênh phân phối dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm toàn diện, mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng của ngân hàng cũng như của công ty bảo hiểm.

Lợi ích “nhiều trong 1” từ bancassurance

Ông Nguyễn Miên Tuấn, thành viên Hội đồng quản trị Sacombank cho biết: Thị trường dịch vụ bảo hiểm kết hợp với ngân hàng ở Việt Nam (Bancassurance) thì hiện nay rất tiềm năng. Hiện nay chỉ có khoảng 0,7% dân số có sử dụng bảo hiểm nhân thọ, doanh thu của bảo hiểm nhân thọ thông qua hệ thống ngân hàng chỉ chiếm 6% trên tổng doanh thu của bảo hiểm nhân thọ, trong khi trên thế giới tỷ lệ này chiếm gần 70%.

Đồng thời hiện nay điều kiện sống, trình độ của người dân cũng đã được nâng lên. Chính vì thế nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm cá nhân được dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Đối với hệ thống ngân hàng, mặc dù thu nhập chính vẫn chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng nhưng trong tương lai xu hướng thu nhập từ hoạt động dịch sẽ gia tăng. Do vậy việc bán chéo sản phẩm đặc biệt là trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ trên cơ sở dự báo nhu cầu gia tăng sẽ góp phần tăng tỷ trọng hoạt động dịch vụ cho các ngân hàng trên tổng thu nhập.

“Việc ký kết hợp đồng độc quyền với Dai-ichi Life Việt Nam chắc chắn sẽ đóng góp tỷ trọng không nhỏ trong dịch vụ ngân hàng. Dự kiến Sacombank sẽ thu về khoảng hơn 3.000 tỷ đồng trong 5 năm đầu tiên. Sau thời gian này, thu nhập từ mảng bảo hiểm nhân thọ dự kiến sẽ đóng góp vào khoảng 25-30% tổng thu nhập dịch vụ của ngân hàng”, ông Tuấn cho biết.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cho rằng Bancassurance giúp cho ngân hàng có thêm sản phẩm mới nhưng lại không bị đòi hỏi phải tăng vốn trên cơ sở rủi ro như đối với các sản phẩm đơn thuần của ngân hàng. Bên cạnh đó, hoạt động Bancassurance còn tạo thêm nguồn thu nhập mới từ hoa hồng bảo hiểm cho tổ chức ngân hàng và các nhân viên ngân hàng.

Ngoài ra, việc bán các sản phẩm bảo hiểm đồng thời với dịch vụ cho vay tín dụng còn giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro không thu hồi được các khoản nợ khi không may có rủi ro xảy đến với người vay tiền tại ngân hàng.

"Bancassurance còn giúp cho ngân hàng có thêm nguồn vốn huy động thông qua việc thu phí bảo hiểm từ khách hàng và thông qua thỏa thuận hợp tác trong đầu tư giữa ngân hàng và bảo hiểm", vị chuyên gia nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm