Ngân hàng tìm doanh nghiệp để cho vay tiền

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho hay trước đây DN phải tìm đến hiệp hội để thông qua đó tiếp cận với ngân hàng. Nhưng nay đến lượt ngân hàng chủ động tìm đến hiệp hội, qua đó tìm kiếm DN để cho vay vốn.

“Phải thừa nhận chương trình này đã giúp nhiều DN vay được vốn. Tuy nhiên hy vọng rằng trong năm 2016 các chương trình kết nối sẽ đẩy mạnh việc cho vay tín chấp không cần tài sản đảm bảo cho DN nhỏ và vừa. Vì đây cũng là những đối tượng còn gặp nhiều khó khăn. Song cho vay tín chấp thì lãi suất cũng đừng cao vì chi phí đồng vốn hiện nay cao, DN làm ăn không có lời” - ông Hưng nói.

Ông Phạm Xuân Hồng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may nói phần lớn DN ngành dệt may là nhỏ và vừa nên năng lực tài chính có giới hạn, cần sự hỗ trợ của ngân hàng để đầu tư máy móc, nhà xưởng, trả lương... Chương trình kết nối đã tạo ra mối chuyển biến đáng kể giữa ngân hàng với DN. Thông quan mối quan hệ đó ngân hàng đã hướng dẫn trao đổi cụ thể với DN và DN mạnh dạn hơn khi tiếp cận với ngân hàng. Các DN dệt may có quan hệ tốt với Vietcombank, Vietinbank, Dongabank, Sacombank,… Qua đó cải thiện phương tiện sản xuất.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, cho biết sau gần bốn năm triển khai thực hiện chương trình đã có 88 đợt ký kết được tổ chức, 9.235 khách hàng vay vốn, với tổng số tiền đạt 240.697 tỉ đồng.

Thông qua chương trình này, tất cả DN tham gia trên mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các thành phần kinh tế đều được hưởng lãi suất ưu đãi bằng hoặc thấp hơn lãi suất cho vay ngắn hạn đối với năm lĩnh vực ưu tiên. “Chương trình kết nối này đã góp phần vào việc ổn định mặt bằng lãi suất. Quan hệ giữa ngân hàng và DN là mối quan hệ tương tác, cùng có lợi, cùng trách nhiệm và cùng một hướng chung” - ông Minh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm