Nghịch lý giá gạo thế giới cao nhưng lại không được phép bán

Tại cuộc họp thanh tra liên ngành gạo diễn ra ở TP.HCM ngày 22-4, rất nhiều ý kiến bức xúc vì hàng ngàn đến hàng chục ngàn tấn gạo của họ đang nằm ở cảng.

Thậm chí có những lô hàng nằm trước thời điểm có thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo (ngày 24-3) nhưng đến nay vẫn chưa được xuất khiến thiệt hại rất lớn có thể lên đến hàng chục tỉ đồng. Trong khi đó, giá gạo khá tốt, lên mức 550 USD/tấn mà không được phép xuất bán.

Để tránh thiệt hại lớn không đáng có cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến nông dân, các địa phương và doanh nghiệp đề xuất khẩn mở lại xuất khẩu gạo như bình thường, không hạn ngạch. Bởi so với cách đây một tháng, tình hình an ninh lương thực, dịch bệnh, hạn mặn và sâu bệnh đã khác nhiều nên cần sớm cho xuất khẩu gạo trở lại bình thường để giảm khó cho doanh nghiệp cũng như nông dân. Hơn nữa, cuối tháng 5 thì vụ hè thu đã bắt đầu thu hoạch.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung Anh, kiến nghị đoàn kiểm tra nguồn cung gạo do Bộ Công Thương chủ trì cần báo cáo Thủ tướng trước mắt cần giải phóng ngay hàng của các doanh nghiệp nằm chờ tại cảng trước ngày 24-3 tới nay. Thiệt hại của các doanh nghiệp có thể lên tới chục tỉ đồng mỗi ngày.

“Sau khi giải phóng gạo nằm ở cảng thì tiếp tục cho xuất khẩu bình thường trở lại và không hạn ngạch, vì hạn ngạch là cửa tiêu cực” - ông Bình nói.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, đề xuất giải quyết hàng tồn tại cảng, hàng tại kho các doanh nghiệp và bỏ hạn ngạch vì nguồn gạo nước ta không thiếu, cần đẩy mạnh xuất khẩu để nông dân có thể hưởng lợi, họ an tâm sản xuất vụ hè thu tới.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex, đề xuất bỏ hạn ngạch, xuất khẩu bình thường, trong sáu tháng đầu năm có thể cho mức xuất khẩu 3 triệu tấn gạo, sang tháng 7 thì mở tiếp.

Doanh nghiệp có thể được tự do đăng ký tờ khai xuất khẩu. Như vậy thì doanh nghiệp mới có thể chủ động được xuất khẩu, ký hợp đồng với khách hàng. Hơn nữa, đến tháng 6, lúa hè thu thu hoạch, chất lượng gạo xấu, giá sẽ xuống thấp, nông dân chịu thiệt nếu không xuất khẩu được.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho hay vụ hè thu năm nay các tỉnh ĐBSCL xuống giống 700.000 ha trong số hơn 1,5 triệu ha. Cuối tháng 5 sẽ thu hoạch 100.000 ha và tháng 6 sẽ thu hoạch rộ.

Như vậy, riêng vụ hè thu cả nước thu hoạch ước đạt 11 triệu tấn thóc, sau khi trừ lượng gạo để dự trữ, làm thức ăn chăn nuôi, giống…  vẫn còn dư 2,3-2,4 triệu tấn gạo hàng hóa.

  Các địa phương sản xuất lúa tại ĐBSCL đều cho biết nguồn cung gạo dồi dào, đủ để đảm bảo an ninh lương thực, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vì vụ đông xuân được mùa, sản lượng không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm