Ngồi ở nhà mở tài khoản ngân hàng: Tiện lợi nhưng cẩn thận

Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng (NH) như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Sacombank, MB Bank, Techcombank, VPBank… đã chính thức cho phép khách hàng mở tài khoản từ xa theo phương thức định danh điện tử (e-KYC) mà không cần phải đến quầy giao dịch. Tuy phương thức mở tài khoản từ xa tiện ích nhưng các chuyên gia cũng khuyến nghị cần quan tâm hơn đến tính bảo mật, an toàn.

Tiết kiệm, tiện lợi

Chị Tuyết Ngân, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM, kể: Trước đây người dì của chị cần mở tài khoản NH nhưng do già yếu, bệnh tật, đi lại gặp rất nhiều khó khăn nên nhờ chị cầm CMND và một số giấy tờ liên quan ra NH mở tài khoản giùm. Tuy nhiên, chị đến NH nào cũng bị từ chối. Các NH yêu cầu phải gặp chính chủ thì mới hoàn tất được các thủ tục xác thực tài khoản.

“Vì sự bất tiện này mà mãi đến gần đây, khi các NH cho phép khách hàng mở tài khoản từ xa, tôi mới thực hiện được cho dì. Phương thức mở tài khoản này rất thuận tiện và đơn giản. Theo đó, chỉ sau vài bước như chụp ảnh giấy tờ tùy thân, ảnh khuôn mặt, chờ hệ thống kiểm tra các thông tin hợp lệ… là dì của tôi đã mở được tài khoản thanh toán cá nhân và sử dụng dịch vụ NH ngay lập tức” - chị Ngân cho hay.

Nhiều khách hàng khác cũng cho biết dịch vụ mới này giúp đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ và tạo thuận lợi cho khách hàng. Anh Minh Tuấn, nhà ở quận 2, TP.HCM, cho hay: Khi dịch COVID-19 bùng phát, việc buôn bán gặp nhiều khó khăn nên anh chuyển từ bán hàng trực tiếp sang kênh online và cần có nhiều tài khoản để tiện giao dịch cho khách hàng.

“Nếu như trước đây, khi muốn mở thêm một tài khoản tôi phải ra tận phòng giao dịch của NH để lấy số thứ tự, ngồi chờ có khi hơn 30 phút mới tới lượt. Thế nhưng giờ đây, với phương thức mở tài khoản từ xa thuận tiện giúp tôi tiết kiệm rất nhiều chi phí, thời gian, nhất là với những người bận rộn” - anh Tuấn nói.

Chính vì thuận lợi nên số lượng khách hàng mở tài khoản NH từ xa đang tăng mạnh, nhất là trong mùa dịch COVID-19. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối bán lẻ thuộc NH BIDV, cho biết: Chỉ trong hai tháng kể từ khi triển khai dịch vụ mở tài khoản từ xa, BIDV đã ghi nhận có gần 200.000 lượt đăng ký thành công thông qua phương thức điện tử trên SmartBanking.

“Đây chính là bước tiến mới trong chiến lược số hóa toàn diện của chúng tôi khi đầu tư vào các kênh số, quy trình số cũng như các sản phẩm số” - bà Giao nhấn mạnh.

Đại diện một số NH khác cũng khẳng định quy trình giao dịch trực tuyến không thể hoàn hảo nếu khách hàng vẫn phải đến trụ sở hoặc phòng giao dịch của các NH để thực hiện thủ tục mở tài khoản. Chính vì vậy, e-KYC được xem là mảnh ghép phải có trong bức tranh NH số. Đặc biệt, dịch vụ mở tài khoản từ xa mở ra hệ sinh thái mới cho các NH, giúp hệ thống giao dịch tài chính đa dạng hơn và tiết kiệm nguồn lực, nhân lực.

Việc mở tài khoản thanh toán từ xa giúp khách hàng có thêm những trải nghiệm dễ dàng hơn trong việc thanh toán không tiền mặt. Trong ảnh: Khách hàng đang xác thực tài khoản từ xa. Ảnh: TL

Theo số liệu từ NH Nhà nước, trong quý 1-2021, giao dịch qua kênh Internet tại nước ta lên đến 8,1 triệu tỉ đồng, tăng 28,4% so với quý I-2020. Giao dịch qua kênh điện thoại di động là hơn 4,6 triệu tỉ đồng, tăng đến 103% so với quý I-2020.

Cẩn thận để tránh rủi ro

Tuy dịch vụ mở tài khoản thanh toán NH từ xa có nhiều tiện ích nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về tài khoản ảo, giả mạo và nguy cơ lộ thông tin khách hàng. Phó tổng giám đốc một NH thừa nhận hiện đơn vị này vẫn chưa áp dụng phương thức mở tài khoản từ xa qua định danh điện tử. Tất cả quy trình mới chỉ thực hiện trong phạm vi nội bộ NH mà thôi.

“Lý do là thời gian vừa qua đã có một số NH gặp phải trường hợp người dùng gian lận bằng cách thay đổi hình ảnh CMND, giả thông tin cá nhân. Điều này dẫn đến việc phát sinh một lượng tài khoản thanh toán ảo khó kiểm soát” - vị lãnh đạo NH trên lý giải.

Tuy nhiên, các NH đã triển khai dịch vụ này lại khẳng định việc xác thực danh tính khách hàng bằng máy móc an toàn hơn là xác thực trực tiếp tại quầy, vì máy móc hoàn toàn có thể nhận diện được khuôn mặt. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, cũng cho rằng hiện phương thức định danh điện tử đang trong quá trình triển khai thí điểm (chưa phát triển đại trà trên nhiều loại sản phẩm) nên có thể có những sai sót. Đồng thời việc áp dụng phương thức này tùy thuộc vào đánh giá rủi ro của mỗi NH.

Cụ thể, có NH chấp nhận tỉ lệ rủi ro nhất định, song song với đó là tiến hành xây dựng cho mình tuyến phòng thủ để phòng chống các gian lận tài chính. Trong khi đó có NH yêu cầu khách hàng phải cung cấp dữ liệu đầu vào phải vô cùng chặt chẽ, đảm bảo chính xác tuyệt đối. Tuy nhiên, việc đòi hỏi mức độ chính xác tuyệt đối 100% sẽ vô tình gây ra nhiều điều bất tiện khiến khách hàng không cảm thấy hài lòng.

“Do đó, NH phải tìm ra phương án tối ưu: Vừa đảm bảo giảm thiểu rủi ro, vừa đảm bảo trải nghiệm tốt cho khách hàng. Đó mới là mục tiêu quan trọng nhất của chuyển đổi số. Còn nếu cứ ngồi chờ đến khi nào NH tìm ra được các biện pháp triệt tiêu hết sạch rủi ro an ninh mạng mới tiến hành thì sẽ chẳng bao giờ có thể bước vào công cuộc chuyển đổi số ngành NH” - TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia NH lưu ý hiện chưa có hệ thống dữ liệu quốc gia có thể chia sẻ cho các bên, do vậy các NH phải tự thu thập thông tin dữ liệu của khách hàng bằng nhiều cách. Do vậy, để triển khai định danh điện tử hiệu quả nhất và giảm thiểu rủi ro, cơ quan chức năng cần sớm triển khai các dịch vụ cho phép kiểm tra tính chính xác về thông tin công dân như CMND hay thông tin sinh trắc học.

Hạn mức tối đa 100 triệu đồng/tháng

NH Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2020 cho phép các NH chính thức được áp dụng phương thức định danh trực tuyến (e-KYC) để mở tài khoản từ xa cho khách hàng từ ngày 5-3-2021.

Thông tư nêu rõ: Các NH được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử và chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh.

Tuy nhiên, phải đảm bảo tổng hạn mức giá trị giao dịch (ghi nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đó không vượt quá 100 triệu đồng/tháng. Trong một số trường hợp như đã qua xác minh thông tin khách hàng thông qua gặp mặt trực tiếp chủ tài khoản, hay đối chiếu đặc điểm sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học công dân… thì được phép áp dụng hạn mức cao hơn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm