Nhà mạng nói gì về cuộc gọi rác tra tấn khách hàng?

Để “dẹp loạn” tin nhắn rác, cuộc gọi rác, Bộ TT&TT đã công bố dự thảo nghị định mới nhất về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo qua gửi tin nhắn, thư điện tử và gọi điện thoại.

Nội dung dự thảo đề xuất một số nội dung mới như tổ chức, cá nhân đều có quyền đăng ký không chấp nhận tất cả tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đối với số điện thoại thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình. Dự thảo cũng đề xuất chỉ được gửi tin nhắn, gọi điện thoại quảng cáo trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.

Đáng chú ý là dự thảo còn nêu rõ mức phạt áp dụng với hành vi vi phạm các quy định đối với cuộc gọi quảng cáo. Ví dụ, phạt 20-40 triệu đồng đối với các hành vi: Thực hiện cuộc gọi quảng cáo ngoài khoảng thời gian quy định từ 9 đến 22 giờ hằng ngày mà không có thỏa thuận khác với người nhận; thực hiện quá một cuộc gọi quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người nhận…

Mơ hồ về tin nhắn rác, cuộc gọi rác

Xung quanh dự thảo nghị định này, một số nhà mạng cho rằng hiện tại hành lang pháp lý chưa đủ, thiếu các định nghĩa cần thiết, điều này gây khó cho doanh nghiệp.

Trả lời PLO, đại diện nhà mạng VinaPhone bày tỏ hiện nay chưa có một văn bản, quy định cụ thể nào về định nghĩa cuộc gọi quảng cáo rác, cuộc gọi từ tổng đài tự động và các chế tài xử lý đi kèm.

Đồng tình, nhà mạng MobiFone cho rằng theo định nghĩa trước đây, cuộc gọi rác và tin nhắn rác là các cuộc gọi và tin nhắn mà khách hàng không mong muốn nhận. Với định nghĩa như vậy, nhà mạng rất khó có cơ sở thực hiện chặn tin nhắn rác và cuộc gọi rác.

Chưa kể, với tổng đài tự động, hiện nay Nhà nước cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa cuộc gọi rác, quy định về cuộc gọi tự động cho khách hàng để nhà mạng thực hiện.

Đối với mạng MobiFone đã quy định khách hàng nào đã từ chối nhận tin nhắn quảng cáo thì khách hàng sẽ không nhận được điện thoại giới thiệu dịch vụ của nhà mạng. Nhà mạng này bày tỏ mong muốn trong nghị định sửa đổi sẽ đưa ra định nghĩa tường minh và lượng hóa các khái niệm về tin nhắn, cuộc gọi rác. Bởi định nghĩa càng rõ ràng thì các nhà mạng càng có căn cứ pháp lý xác đáng cho việc chặn tin nhắn, cuộc gọi rác và việc chặn càng hiệu quả hơn.

Cần có định nghĩa rõ ràng về tin nhắn, cuộc gọi rác... từ đó có cơ sở để giải quyết và xử phạt. Ảnh: PLO

Trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về nhà mạng

Mặc dù đã nỗ lực trong việc chống lại tin nhắn, cuộc gọi rác nhưng đa phần nhà mạng cho rằng các hành vi quấy rối khách hàng trên không nên bắt nhà mạng một mình hứng mũi chịu sào.

Trong văn bản gửi đến PLO, MobiFone cho rằng nghị định mới cần có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng là cá nhân, doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác tới khách hàng, thay vì quy toàn bộ trách nhiệm cho nhà mạng.

“Đối với tin nhắn lừa đảo, vi phạm pháp luật, nhà mạng không có căn cứ để xác định đâu là tin nhắn lừa đảo, vi phạm pháp luật. Vì vậy, nghị định mới cần xem xét đưa nội dung này ra khỏi trách nhiệm của nhà mạng” - MobiFone kiến nghị.

Một nhà mạng khác cho rằng một số quy định trong dự thảo có phần gây khó khăn và giới hạn nhà mạng trong việc gửi tin nhắn quảng cáo tới khách hàng. Như dự thảo đưa ra quy định nhà mạng chỉ được phép gửi nội dung quảng cáo tới các đối tượng đồng ý nhận quảng cáo. Việc này hạn chế thuê bao mà nhà mạng gửi thông tin quảng cáo, tần suất gửi tin cũng bị hạn chế. Không được phép gửi quá một tin nhắn quảng cáo, một thư điện tử quảng cáo, một cuộc gọi quảng cáo tới một địa chỉ điện tử trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.

Tuy nhiên, ông Đỗ Hữu Huyên (một người dân ngụ quận 3, TP.HCM) cho rằng việc khách hàng bị tấn công bởi tin nhắn rác, cuộc gọi rác, trách nhiệm của nhà mạng là nhiều hơn cả. “Nếu quyết tâm và hiểu cho khách hàng thì không gì là không thể”.

Theo ông Huyên, nhà mạng cần siết chặt, nói thật làm thật. Đồng thời, việc yêu cầu SIM chính chủ cũng là cách giảm bớt lượng SIM rác dẫn tới tin nhắn, cuộc gọi rác.

Luôn tự xây dựng cơ chế chống tin nhắn, cuộc gọi rác

Trước vấn đề này, nhà mạng VinaPhone cho hay hiện nay đang áp dụng quy trình hỗ trợ khách hàng theo các bước tiếp nhận phản ảnh, xác minh hiện tượng, nhắc nhở các công ty quảng cáo/nhà đất... khi có các cuộc gọi quảng cáo làm phiền khách hàng và được khách hàng phản ảnh về tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng.

Nhà mạng cam kết xây dựng cơ chế quản lý tin nhắn, cuộc gọi rác. Ảnh: Thu Hà

Trong khi đó, MobiFone cho biết đã áp dụng hệ thống chặn tin nhắn rác thông minh đầu tiên và hiệu quả nhất tại Việt Nam, đồng thời thực hiện đầy đủ Bản cam kết phòng chống tin nhắn rác giữa các nhà mạng đã ký vào ngày 11-5-2017. Ngoài ra, MobiFone thông tin đã cùng các nhà mạng  phối hợp chia sẻ và dùng chung dữ liệu mẫu tin nhắn rác với mục đích nâng cao hiệu quả ngăn chặn tin nhắn rác. Đến nay, tỉ lệ tin nhắn rác giảm 90% so với cùng kỳ năm 2017.

Được biết trong thời gian tới, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VnCert) sẽ tiếp tục điều hành để các nhà mạng kết nối, sử dụng và chia sẻ cơ sở dữ liệu mẫu tin nhắc rác tập trung để tối ưu hóa công tác chặn tin nhắc rác trên các hệ thống kỹ thuật liên quan.

Đối với cuộc gọi rác, hiện nay chưa có quy định pháp lý, vì vậy các nhà mạng tại Việt Nam chưa có nhà mạng nào đưa vào khai thác hệ thống chặn cuộc gọi rác. Tuy vậy, theo thông tin gửi từ VinaPhone, trước đó VnCert cũng đã có ý kiến về biện pháp chặn chiều ra của các dịch vụ tổng đài ảo. Theo đó, các nhà mạng sẽ cam kết thực hiện nghiêm túc quy định của VnCert sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của VnCert về việc này.

Hiện nay, SIM rác cũng là vấn đề được người dùng quan tâm. MobiFone đã cam kết cùng với hai nhà mạng là VinaPhone và Viettel đưa ra các tiêu chí ngăn chặn SIM kích hoạt trước và kế hoạch xử lý SIM nghi ngờ kích hoạt sẵn từ tháng 6-2019.

Về bộ tiêu chí chặn tin nhắn rác: Chặn không cho đăng ký thông tin ngoài giờ (từ 22 giờ đến 6 giờ). Chặn không cho đại lý đăng ký thông tin quá ba thuê bao/CMND (nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng bốn thuê bao thì phải đăng ký tại hệ thống cửa hàng của MobiFone). Chặn không cho đại lý đăng ký quá 100 thuê bao/user và chặn giới hạn không quá một giao dịch/phút/user.

Về kế hoạch xử lý SIM nghi ngờ là SIM kích hoạt sẵn: Ba nhà mạng thống nhất bộ tiêu chí nghi ngờ là SIM kích hoạt sẵn, có thông báo gửi kênh phân phối và lên lịch nhắn tin, khóa một chiều, hai chiều.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.