Nhà máy trị giá 1.000 tỉ, bán sắt vụn dân có chịu không?

Sáng nay, 16-10, Hội nghị đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Sau khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc, định hướng thảo luận cho hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày báo cáo. Bước sang phần thảo luận, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phát biểu ý kiến.

Sau khi đề cập đến mô hình hoạt động của ủy ban cho đến thời điểm này, những vướng mắc về nhân sự, cơ chế, ông Hoàng Anh đề cập đến các dự án và sự phối hợp giữa ủy ban và các bộ, ngành.

“Thực sự không có sự vướng mắc giữa ủy ban và các bộ, ngành. Có dư luận từ Bộ GTVT nói ủy ban làm khó. Nhưng vấn đề ở đây là sự chưa thống nhất cao trong áp dụng luật” - ông Hoàng Anh nói.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu cho rằng: Không phải ủy ban làm khó các bộ, ngành mà là có những trường hợp xin cơ chế đặc thù chưa có tiền lệ.

Theo ông Hoàng Anh, không ít trường hợp các doanh nghiệp trình xin cơ chế đặc thù, chưa có tiền lệ nên làm khó cho các ủy ban và khó cho các bộ, ngành. Các bộ, ngành muốn đẩy nhanh tiến độ nhưng việc quản lý vốn nhà nước phải thận trọng, không thể vài năm nữa chúng ta lại bị xử lý như hiện tại đang xử lý nhiều dự án có sai phạm.

Về chậm trễ trong cổ phần hóa, trên cơ sở phối hợp với Bộ Tài chính đã làm được 20% trong số hơn 2.000 địa điểm đất đai cần xác định trong cổ phần hóa. Ông Hoàng Anh lo ngại riêng vấn đề này không làm kịp trong hai năm tới.

Về xử lý 12 dự án chậm tiến độ và kém hiệu quả, kế thừa phần việc của Bộ Công Thương sau khi tiếp nhận vào tháng 7-2019, ông Hoàng Anh cho hay đã đi xem xét 9/11 dự án. Tháng 11-2019 sẽ đánh giá nốt hai dự án ở khu vực miền Trung.

Ông Hoàng Anh nói các dự án này là “dự án yếu kém, thua lỗ là rõ rồi, giờ Nhà nước cố gắng thu hồi tốt nhất, chứ không thể thu hồi 100% vốn. Quan điểm của ông Hoàng Anh cho rằng: Đã là doanh nghiệp thì phải xử lý các vấn đề theo nguyên tắc thị trường, không thể áp đặt hành chính, phi kinh tế.

Ông Hoàng Anh còn đề nghị ngay cả những tổ chức tín dụng thẩm định cho doanh nghiệp nhà nước vay cũng phải có trách nhiệm khi có thua lỗ, chứ không thể bắt doanh nghiệp nhà nước chịu cả. Lấy ví dụ, ông Hoàng Anh nói: “Nhà máy đạm Ninh Bình đang có công suất hoạt động trên 90% nhưng không xử lý được vì đang gánh toàn bộ các việc trước”.

Ông Hoàng Anh cũng cảnh báo rằng nhiều dự án đã qua thời gian xử lý 5-10 năm nay, mất tới 50% vốn nhà nước rồi. “Dự án đã thua lỗ, mất 50% vốn. Nếu không làm nhanh, vài năm nữa là mất sạch vốn. Tôi đề xuất nếu dự án hoạt động tốt như đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc cần phải làm rõ tiêu chí như thế nào thì cần tiếp tục, nếu không thì cho dừng. Nếu giữ vốn nhà nước thì phải xác định giá trị thực vào thời điểm hiện nay. Không thì phải cho thoái vốn, bán đi hoặc phá sản” - ông Hoàng Anh nói.

Sau khi ông Hoàng Anh dứt lời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói: “Nói thế thôi nhưng phải tuân thủ pháp luật. Nhà máy Phương Nam là một đống sắt vụn rồi. Thuê tư vấn thì họ định giá 1.800 tỉ nhưng chào giá ba lần không ai mua. Cái này cho bán sắt vụn được không? Mai mốt thanh tra, kiểm toán... vào xử lý thế nào?”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề: Nếu "đống sắn vụn" trị giá 1.000 tỉ đồng mà bán giá "năm, bảy đồng" thì Quốc hội và dân có chịu không?

Mặt khác, nếu một “đống sắt vụn” trị giá 1.000 tỉ đồng mà bán đi chỉ với “năm, bảy đồng” thì Quốc hội và dân có chịu hay không. Nói về đạm Ninh Bình mà ông Hoàng Anh đề cập, Phó Thủ tướng cho hay: “Nhà máy nằm “chết dí” hai năm rưỡi. Giờ hoạt động cũng chỉ đáp ứng nhu cầu bán hàng ngày thôi, phần dành cho khấu hao không được bao nhiêu”.

Hay với Nhà máy Tisco, Phó Thủ tướng nói Tổng Công ty Thép Việt Nam đã bảo lãnh mấy ngàn tỉ, nếu bán đi thì ai là người chịu trách nhiệm cho số vốn mà Tổng Công ty Thép đã bảo lãnh nếu mất mát? Có những dự án, thanh tra nói EPC phải trả lại mấy ngàn tỉ nhưng người ta không trả thì phải làm sao?

Về vấn đề thẩm định dự án của các tổ chức tín dụng, Phó Thủ tướng nói đây là câu chuyện “con gà quả trứng”. Các cơ quan tín dụng có trách nhiệm phải thẩm định, thế vì sao khi dự án thua lỗ thì các tổ chức tín dụng lại ngồi “xem xét” dự án? Hướng về Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng nói: “Báo cáo Thủ tướng, nếu tôi cho vay mười đồng mà tôi thu lại chín đồng thì DN sao hoạt động? Tới đây vấn đề này sẽ chắt lọc để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư…”.

Phó Thủ tướng nói có nhiều dự án sơ suất ngay trong khâu ký hợp đồng EPC nên nếu giải quyết vấn đề khiếu nại là rất khó khăn.

“Đường sắt Cát Linh - Hà Đông “trơ gan cùng tuế nguyệt”, phô bày ngay thanh thiên bạch nhật tại Hà Nội đây có xử lý được không” - Phó Thủ tướng lưu ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm