Nhật bơm thêm 33 tỷ đôla kích thích kinh tế

BOJ sẽ lên kế hoạch cấp lượng vốn trên cho các ngân hàng thương mại nhằm khuyến khích họ tạo thêm các cơ hội cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân. Kế hoạch này hướng sự hỗ trợ tới các công ty thuộc các lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao, bao gồm năng lượng, môi trường và du lịch. Đồng thời, BOJ cũng tái khẳng định sẽ giữ nguyên mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử 0%. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang trong quá trình đấu tranh chống giảm phát và hồi phục chậm chạp sau khủng hoảng.

Theo nhận định của giới phân tích, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn từ vị tân thủ tướng Naoto Kan, người đã đánh giá các mức nợ khổng lồ của nước này là một mối quan ngại chính yếu.

Giá vàng quay đầu giảm nhẹ trước áp lực bán chốt lời của các nhà đầu tư ngắn hạn. Trên bảng điện tử Comex, giá kim loại giao kỳ hạn tháng 8 hạ 3,9 đôla, xuống 1.230,5 đôla mỗi ounce. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới bởi những lo lắng về khủng hoảng nợ châu Âu vẫn chưa chấm dứt và triển vọng kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn. Thông tin Ngân hàng Trung ương Nga muốn đa dạng dự trữ tiền tệ sẽ có thể mang yếu tố hỗ trợ quan trọng cho giá vàng. Sự quan tâm của nhà đầu tư đến vàng vật chất hiện đang ở mức cao. Quỹ đầu tư tín thác vàng lớn nhất thế giới (SPDR GoldTrust) đã nâng tỷ lệ sở hữu nắm giữ vàng tính đến hết ngày hôm qua lên mức kỷ lục mới 1.306,137 tấn.

Trong khi đó, trên sàn giao dịch hàng hóa NYMEX, giá dầu thô bất ngờ đảo chiều tăng 1% lên 77,67 đôla một thùng – cao nhất kể từ hôm 10/5, nhờ sự lạc quan về triển vọng phục hồi của kinh tế Mỹ. Hôm qua, Cơ quan năng lượng Mỹ cho biết, lượng dầu lưu kho của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng vọt 1,69 triệu thùng – vượt xa mọi kỳ vọng ban đầu. Trước đó, hầu hết giới phân tích thị trường nhận định sẽ giảm trong khoảng 1 triệu thùng. Đà tăng của vàng đen được hậu thuẫn bởi những phỏng đoán về nhu cầu tiêu dùng năng lượng trong kỳ nghỉ hè sắp tới tăng mạnh sau khi tình hình tài chính của nhiều hộ gia đình đã trở lại bình ổn trước giai đoạn khủng hoảng nổ ra. Tại Londo, giá dầu Brent biển Bắc cũng tăng 1,4%, lên 78,14 đôla một thùng.

Lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế lớn nhất thế giới giúp đồng đôla lên lên giá sau khi đã chạm xuống ngưỡng thấp nhất trong 2 tuần so với euro. Giới đầu cơ tiền tệ đẩy mạnh bán ra đồng euro sau khi Ủy ban châu Âu (EU) trì hoãn thời hạn công bố bản báo cáo kế hoạch giải ngân một phần gói cứu trợ khổng lồ gần 1.000 tỷ đôla dành cho Tây Ban Nha. Lợi tức trái phiếu Tây Ban Nha trên thị trường vốn quốc tế ngay lập tức nhảy vọt lên mức cao nhất trong 11 năm. Tỷ lệ hoán đổi giữa euro và đôla co hẹp xuống 1,2274 đôla so với lúc mở cửa là 1,2354 đôla.

Bộ Thương mại Mỹ công bố số lượng nhà xây mới tháng 5 sụt giảm 10% so với tháng 4, xuống mức thấp nhất trong 6 tháng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2009, số lượng nhà xây mới vẫn tăng 7,8%. Tháng 4 là tháng cuối cùng người mua nhà lần đầu tại Mỹ có thể nộp đơn để nhận được khoản hỗ trợ tín dụng thuế từ chính phủ lên tới 8.000 đôla. Các chuyên gia dự báo số lượng nhà xây mới trong tháng 6 sẽ tiếp tục giảm trước khi dần hồi phục vào cuối mùa thu.

Thông tin khác cho thấy sản xuất công nghiệp Mỹ tháng 5 tăng trưởng mạnh hơn dự báo của giới phân tích và đạt tốc độ tốt nhất kể từ tháng 8/2009. Điều này cho thấy các công ty sản xuất Mỹ đang ứng phó tốt với ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng nợ châu Âu.

IMF dự báo quy mô kinh tế châu Á sẽ vượt G7 vào năm 2030. Trong bản báo cáo mới được công bố, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra nhận định, kinh tế khu vực châu Á sẽ tăng trưởng thêm 50% trong 5 năm tới. IMF cũng cho biết thêm, tỷ trọng của kinh tế khu vực này trong kinh tế thế giới đã tăng gấp 3 lần sau 2 thập kỷ vừa qua.

Ông Anoop Singh, Giám đốc IMF tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, dự báo: “Hoàn toàn có thể nói đến khả năng châu Á trở thành khu vực kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030”. Theo các chuyên gia tư vấn đặc biệt cho giám đốc IMF, nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Á nên cân nhắc lại mô hình tăng trưởng để phát triển tốt hơn nhờ vào tiêu dùng nội địa chứ không phải phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Hiện tại các nền kinh tế châu Á nắm giữ 20% số quyền biểu quyết tại IMF và đóng góp 6 thành vào nhóm 20 quốc gia giàu nhất thế giới (G20).

Theo Nguyễn Hùng (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm