Nhiều tập đoàn nhà nước có nợ khó đòi đến hàng ngàn tỉ đồng

Theo đó, báo cáo hợp nhất của các tập đoàn nhà nước cho thấy, tổng số nợ phải thu năm 2014 là 293.617 tỉ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2013. Tỉ lệ Nợ phải thu/Tổng tài sản năm 2014 là 11%. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 13.570 tỉ đồng , tăng 18,6% so với thực hiện năm 2013, chiếm 4,6% tổng số nợ phải thu.

Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là 3.113 tỉ đồng; Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN - VNPT (1.807 tỉ đồng); Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel (616 tỉ đồng); Tổng Công ty Xi măng VN (613 tỉ đồng); Tập đoàn Than - Khoáng sản VN (608 tỉ đồng); Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (544 tỉ đồng),...

Theo báo cáo của Chính phủ, nợ phải thu khó đòi tập trung chủ yếu ở ngành xây dựng, nông nghiệp cho thấy sự phục hồi của thị trường bất động sản chưa rõ nét, khả năng tiêu thụ bất động sản còn chậm; đối với sản phẩm nông nghiệp khả năng cạnh tranh thấp, sản xuất mang tính thời vụ, do đó dẫn tới thời gian thanh toán khi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp phải kéo dài, làm tăng nợ phải thu và rủi ro nợ khó đòi. 

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, về tiến độ thoái vốn, tính đến tháng 10-2015, các đơn vị đã thoái được 4.460 tỉ đồng, thu được 4.113 tỉ đồng; cụ thể lĩnh vực chứng khoán là 41 tỉ đồng, lĩnh vực tài chính-ngân hàng là 1.213 tỉ đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 105 tỉ đồng, lĩnh vực bất động sản là 2.930 tỉ đồng, quỹ đầu tư là 171 tỉ đồng.

Như vậy, tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 21/2011, ngày 26-11-2011 đến nay, lũy kế số thoái vốn vào năm lĩnh vực nhạy cảm là 9.866 tỉ đồng, thu được 9.496 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng số vốn cần thoái theo nghị quyết của Quốc hội là 23.325 tỉ đồng thì từ nay đến cuối năm 2015, số vốn cần phải thoái tiếp là 16.193 tỉ đồng (do một số đơn vị điều chỉnh lại đề án tái cơ cấu nên số phải thoái giảm 1.731 tỉ đồng).

Theo đánh giá của Chính phủ, quá trình tái cơ cấu DNNN còn chậm, nguyên nhân chủ yếu là kinh tế tăng trưởng thấp nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn; chưa khắc phục hoặc chưa xử lý được những tồn tại về tài chính; thị trường chứng khoán, bất động sản chưa ổn định và tăng trưởng nên việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa còn chậm.

Ngoài ra, một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị còn chưa chỉ đạo quyết liệt; còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa; đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm