Những dự báo về kinh tế Mỹ năm 2010

Theo báo cáo của FED, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm 2010 của kinh tế Mỹ sẽ ở mức 3 - 3,5%, thấp hơn so với ngưỡng 3,2 - 3,7% cũng do cơ quan này đưa ra hồi tháng 4. FED cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện đang ở mức 9,5%, trong trường hợp khả quan nhất sẽ giảm xuống còn 9,2% vào cuối năm nay. Trong khi, mức dự báo hồi tháng 4 là 9,1%.


FED hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ bởi xét đến những diễn biến kinh tế từ bên ngoài, đó là muốn nói tới khủng hoảng nợ ở châu Âu khởi đầu từ Hy Lạp và đang đe dọa sẽ lan sang nhiều nước cùng châu lục.

Mặc dù hạ dự báo tăng trưởng và thị trường việc làm, song FED cho rằng, rủi ro lạm phát sẽ thấp hơn. FED dự báo lạm phát liên quan đến tiêu dùng sẽ chỉ tăng 1% cho đến 1,1% trong năm nay. Con số này thấp hơn so với dự báo vào tháng 4/2010 rằng chỉ số giá tiêu dùng có thể tăng từ 1,2% đến 1,5%.

Áp lực lạm phát thấp, FED sẽ có thể tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục để thúc đẩy tăng trưởng sau khi nền kinh tế Mỹ đã thoát khỏi giai đoạn tồi tệ nhất kể từ sau Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước.

Mức dự báo mới của FED chỉ thay đổi rất ít so với kết quả công bố hồi tháng 4, về triển vọng tăng trưởng, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp. Nhưng những thay đổi này đã cho thấy, triển vọng của nền kinh tế kém lạc quan hơn. Dự báo này đã chặn đà lên điểm mạnh trong phiên liền trước của chứng khoán Mỹ. Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 14/7 chốt phiên với kết quả xáo trộn. Cụ thể: Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng nhẹ 3,70 điểm, tương ứng 0,04%, lên 10.366,72 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 7,81 điểm, tương ứng 0,35%, lên 2.249,84 điểm. Trong khi, chỉ số S&P 500 giảm 0,17 điểm, tương ứng 0,02%, xuống 1.095,17 điểm.

Ngoài ra, bản báo cáo của FED cũng đưa ra dự báo đối với triển vọng kinh tế Mỹ trong năm 2011. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2011 sẽ ở mức từ 3,5% đến 4,2%. Trong đó, mức cao nhất được đưa ra trong dự báo vào tháng 4/2010 là 4,5%. Kỳ vọng tỷ lệ thất nghiệp năm 2011 cũng được điều chỉnh lên mức từ 8,3% đến 8,7%. Con số này cao hơn so với mức từ 8,1% đến 8,5% đưa ra trong lần dự báo trước.

Kinh tế Mỹ có thể sẽ mất 5 – 7 năm nữa mới có thể trở lại mô hình trước đây, Joseph V. Battipaglia, chuyên gia chiến lược thị trường thuộc Private Client Group, nhận xét. “Điều này cho thấy, Chính phủ đang thừa nhận mục tiêu ổn định còn xa vời, do triển vọng tăng trưởng chậm trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao”.

Ngày 8/7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã kêu gọi Mỹ cần nỗ lực hơn nữa trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách của nước này.

Theo IMF, sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ đã “nhanh hơn”, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều nguy cơ kéo lùi đà tăng trưởng, như khả năng thị trường nhà đất Mỹ rơi vào suy thoái lần 2, những vấn đề tồn đọng trên thị trường bất động sản thương mại, và những nguy cơ từ khủng hoảng nợ châu Âu. Tuy nhiên, cơ quan này tỏ ra ít lạc quan về triển vọng thâm hụt ngân sách Mỹ.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, Tính đến tháng 5/2010, thâm hụt thương mại Mỹ ở mức 475 tỷ USD, cao hơn con số 374,9 tỷ USD tính cho cả năm 2009 – thời kỳ đỉnh cao của khủng hoảng tài chính. Các chuyên gia cho rằng thâm hụt thương mại cao sẽ có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế nói chung. Thế nhưng trong dài hạn, các chuyên gia kỳ vọng xuất nhập khẩu tăng sẽ cho thấy đầu tư doanh nghiệp và tiêu dùng người dân tăng. Các chuyên gia đã hết sức ngạc nhiên với con số thâm hụt thương mại của tháng 5/2010 bởi họ đã kỳ vọng thâm hụt giảm do nhập khẩu dầu giảm. Số liệu mới nhất về thâm hụt ngân sách Mỹ cho thấy, tháng 6/2010, thâm hụt ngân sách chỉ là 68,4 tỷ USD nhờ nguồn thu từ thuế doanh nghiệp tăng cao. Như vậy, thâm hụt ngân sách Mỹ tháng 6/2010 đã giảm tới 27,3% so với con số 94,3 tỷ USD ở thời điểm cùng kỳ năm trước khi đó thâm hụt tăng cao bởi kế hoạch kích thích tài khóa và gói chi tiêu cứu các ngân hàng chấm dứt.

Con số trên phát đi tín hiệu tích cực. Dù doanh thu từ thuế doanh nghiệp là tin tốt, ngoài ra nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân cũng đang hồi phục.

Ngoài ra, ngày 22/6/2010, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC) đã nâng tỷ giá giao dịch chính thức giữa nhân dân tệ (NDT) và USD thêm 0,43% từ 6,827 lên 6,798 và tuyên bố linh hoạt hơn hệ thống tiền tệ của nước này. Theo đánh giá của Mỹ, quyết định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái cân bằng cán cân thương mại của Trung Quốc và điều này sẽ hỗ trợ xuất khẩu và tạo thêm việc làm cho Mỹ.

Theo VOV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm