Những sự kiện nổi bật của ngành Công Thương năm 2020

Pháp Luật TP.HCM điểm lại 10 sự kiện nổi bật của ngành Công Thương trong năm 2020.

1. Bứt phá trong công tác hội nhập

Chưa bao giờ, trong vòng một năm, Việt Nam đã tham gia 3 Hiệp định thương mại, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 14.

2. Xuất siêu đạt mức cao kỉ lục

Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 281,5 tỉ USD, tăng 6,5% so với năm trước. Xuất siêu cả năm ước đạt khoảng 19,1 tỉ USD, qua đó đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp đạt xuất siêu với mức thặng dư năm sau cao hơn năm trước.

Nhiều sáng kiến của ngành Công Thương trong năm Chủ tịch ASEAN đã được triển khai có hiệu quả; Ký kết, đàm phán và triển khai thành công các Hiệp định thương mại (FTA) quan trọng. Ảnh: TTXVN

3. Công tác quản lý thị trường có nhiều đột phá sau khi tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát thị trường, phát hiện triệt phá nhiều vụ vi phạm lớn

Năm 2020 là năm đặc biệt đối với lực lượng QLTT khi những tháng đầu năm 100% quân số tập trung vào công tác phòng, chống dịch COVID-19, tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra việc niêm yết giá, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Bên cạnh đó, lực lượng QLTT vẫn tập trung công tác chuyên môn, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, hàng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều vụ việc điển hình như: Xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu, TP. Lào Cai; kiểm tra, xử lý hai trung tâm thương mại bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Móng Cái - Quảng Ninh, trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Bến Thành

4. Công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả nổi bật

Năm 2020, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới đối với hàng xuất khẩu Việt Nam đạt mức cao nhất với 39 vụ việc, tăng 2,5 lần so với năm 2019. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã nỗ lực xử lý hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

5. Thị trường trong nước được củng cố và giữ vững, là điểm tựa vững chắc cho các lĩnh vực sản xuất vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội”.

6. Quyết định mới về giá điện mặt trời

Ngày 6-4-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 13/2020 cơ chế giá cho điện mặt trời, thay thế Quyết định 11/2017 hết hiệu lực từ 30-6-2019.

Theo quyết định mới, giá mua điện mặt trời mặt đất là 7,09 cent/kWh (tương đương 1.644 đồng); còn giá điện mặt trời nổi là 7,69 cent (tương đương 1.783 đồng), điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent/kWh, khoảng 1.943 đồng. So với giá mua điện áp dụng trước 30-6-2019, giá mua điện giảm hơn 440 đồng/kWh.

7. Lập quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, trình Thủ tướng Đề án Quy hoạch Điện VIII

Dự kiến trong tháng 12-2020, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình Thủ tướng Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam lập quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia. Đồng thời, trong tháng 12-2020, Bộ Công Thương cũng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045”.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Ảnh: BCT 

8. Rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu điều hành xuất khẩu gạo

Ngày 23-3, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã có đề xuất về việc tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5-2020. Theo Bộ Công Thương, mục đích của việc tạm dừng xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước.

Tuy nhiên, việc dừng xuất khẩu gạo đã gây phản ứng dữ dội trong dư luận xã hội. Sau đó, Bộ Công Thương lại có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng kiến nghị chưa thực hiện việc tạm dừng xuất khẩu gạo để đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ đông xuân, rà soát lại lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp.

Sau khi có kết quả đánh giá, Bộ Công Thương lại đề xuất cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng. Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu điều hành xuất khẩu gạo

9. Thủy điện, thủy điện nhỏ làm nóng nghị trường Quốc hội sau đợt thiên tai nghiêm trọng ở miền Trung

Thời gian từ tháng 9 đến tháng 11-2020, bão, lũ lụt, mưa lớn, sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân các tỉnh miền Trung.

Nhiều người đặt câu hỏi liệu tình trạng phá rừng phát triển thủy điện tràn lan có phải là nguyên nhân của thảm họa này không? Và liệu rằng thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ có phải là nguyên nhân gây nên tình trạng "lũ chồng lũ"?

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết nguyên nhân chính của đợt ngập lụt, sạt lở đất vừa qua đã được các cơ quan quản lý và các nhà khoa học khẳng định là do mưa quá lớn vượt lịch sử, thời gian kéo dài liên tục nhiều ngày và trên một vùng rộng lớn gồm nhiều tỉnh, thành miền Trung.

Mới đây, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản yêu cầu tạm dừng các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng. Các dự án thủy điện này "chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá đảm bảo không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường và không ảnh hưởng lớn đến dân cư, không chiếm dụng đất rừng tự nhiên và có hiệu quả kinh tế".

10. Bộ Công Thương chậm trễ trong xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu

Việc sửa đổi này được kỳ vọng sẽ tạo khung pháp lý hoàn thiện, chặt chẽ hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, DN kinh doanh xăng dầu cũng như tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu sát với thực tế. Tuy nhiên, việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 83/2014 được triển khai từ lâu nhưng đến nay dự thảo này vẫn chưa được thông qua.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 21-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng yêu cầu Bộ Công Thương rút kinh nghiệm vì chậm trễ trong việc hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung về kinh doanh xăng dầu.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương trên tinh thần cầu thị, xem xét toàn diện các khía cạnh của dự thảo nghị định, đảm bảo tính khả thi; đồng thời đánh giá tác động đến kinh tế-xã hội đầy đủ, đảm bảo lưu thông, không xảy ra xáo trộn và dư luận bất lợi; giải trình cụ thể, tổng hợp báo cáo Thủ tướng trong tháng 12-2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm