Nỗ lực đáp ứng điện cho nuôi tôm

Người nuôi tôm tại khu vực ĐBSCL đang lo lắng trước vấn đề thiếu điện. Giải “bài toán” cung ứng điện để ngành tôm đạt mục tiêu 10 tỉ USD mà Chính phủ đã đề ra là việc cấp thiết.

Lo lắng về điện

Tôm là sản phẩm có vị trí rất quan trọng trong ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam với giá trị xuất khẩu hằng năm trên 3 tỉ USD, tạo khoảng 2 triệu việc làm, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nghề nuôi tôm ở Việt Nam trở nên tiềm năng bậc nhất trong ngành nông nghiệp với thị trường rộng lớn, khả năng tăng năng suất và mở rộng vùng nuôi, đặc biệt là vùng ĐBSCL.

Song ngành tôm Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như quy mô sản xuất nhỏ chưa đáp ứng được các điều kiện về năng suất và sản lượng tập trung để thúc đẩy liên kết; giá thành tôm nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn so với các nước cạnh tranh chính như Ấn Độ, Thái Lan... Ngoài ra, việc thiếu điện, chất lượng điện áp không đảm bảo, chi phí điện quá cao, chiếm 11%-14% giá thành tôm (khoảng 8.000-10.000 đồng/kg) cũng đang trở thành “bài toán” nan giải cho ngành tôm. Thậm chí trong trường hợp không có điện, người nuôi phải dùng máy phát điện thì chi phí có thể tăng gấp đôi.

Thực tế, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) thừa nhận với tình hình các hộ phụ tải nuôi tôm nhỏ lẻ không tập trung, phát triển tự phát đã dẫn đến tình trạng quá tải lưới điện ở nhiều thời điểm do nhu cầu sử dụng điện rất cao để duy trì nguồn ánh sáng phục vụ nuôi tôm. Có một số khu vực trước đây thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn nên chỉ đầu tư lưới điện một pha phục vụ thắp sáng, nay cùng lúc rất nhiều khách hàng tại các tỉnh ĐBSCL tự kéo điện để nuôi tôm nên gây quá tải, sụt áp và thiếu điện cục bộ, muốn giải quyết phải có thời gian và nguồn vốn.  

Đầu tư cải tạo lưới điện

Chia sẻ về vấn đề chi phí điện hiện chiếm 11%-14% giá thành tôm, ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc EVN SPC, cho rằng: “Điều này chưa kiểm chứng được vì còn phụ thuộc vào công nghệ, thiết bị sử dụng điện. Chi phí sẽ tăng cao hơn khi phải dùng máy phát điện để phục vụ nuôi tôm ở những nơi chưa có điện lưới quốc gia hoặc có lưới điện nhưng phải ngừng cung cấp điện để phục vụ bảo trì, sửa chữa lưới điện hay do các sự cố lưới điện gây ra. Chúng tôi đã hạn chế tần suất, thời gian ngừng cung cấp điện phục vụ khách hàng đến mức thấp nhất có thể. Chắc chắn thời gian tới tần suất ngừng cung cấp điện sẽ giảm xuống đáng kể”.

Được biết EVN SPC đã đầu tư 876 tỉ đồng thực hiện các dự án/công trình đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện để đảm bảo cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh ven biển khu vực phía Nam. Hiện EVN SPC đang rà soát, có kế hoạch cải tạo và phát triển lưới điện trung hạ thế phục vụ nuôi trồng thủy sản tại sáu tỉnh ven biển trong khu vực ĐBSCL (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang) với tổng nhu cầu vốn đến năm 2020 là khoảng 1.494,8 tỉ đồng.

Đồng hành cùng người nuôi tôm tiết kiệm điện, riêng năm 2016, các đơn vị trực thuộc EVN SPC đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh tổ chức nhiều hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật trong sử dụng điện, hướng dẫn các biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm trong sinh hoạt và nuôi tôm. Năm 2017, EVN SPC sẽ tiếp tục triển khai vận động các hộ nuôi tôm áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện nêu trên, đồng thời triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm” và biên soạn cuốn cẩm nang tiết kiệm điện trong nuôi tôm.

Nỗ lực đáp ứng điện cho nuôi tôm ảnh 2
Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc EVN SPC.

Thời gian qua, song song với việc đảm bảo cấp điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu sinh hoạt, EVN SPC đã nỗ lực cung cấp điện phục vụ phong trào nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp phát triển mạnh ở một số tỉnh ven biển khu vực phía Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm