Nông nghiệp ‘căng sức’ đổi mới trước TPP

Lĩnh vực nông nghiệp, nhất là chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng rất lớn từ TPP. Pháp Luật TP.HCMcó cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn (ảnh) xoay quanh vấn đề này.

Mở ra thị trường mới, giảm phụ thuộc

. Phóng viên: Xin ông cho biết cảm xúc của ông như thế nào khi chúng ta đàm phán thành công hiệp định TPP?

+ Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Đối với cá nhân tôi thực sự vui mừng, phấn khởi khi nghe tin tuyên bố kết thúc đàm phán TPP. Với ngành nông nghiệp, TPP là một cơ hội rất lớn thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt là tiêu thụ nông sản hàng hóa. Tôi tin rằng chúng ta tranh thủ được cơ hội này cùng với sự nỗ lực vươn lên rất nhiều so với các nước bạn vì chúng ta khó hơn.

. Cụ thể hơn là ngành nông nghiệp có những cơ hội, thách thức như thế nào, thưa ông?

+ Việt Nam (VN) có trình độ đi sau so với 11 quốc gia còn lại. Với ngành nông nghiệp, cơ hội lớn là sẽ có thị trường rộng lớn với 600 triệu dân, trong đó có những thị trường tiêu thụ nông sản lớn của VN. Những thị trường này sẽ giúp VN có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng lại luôn thay đổi, chẳng hạn như thị trường Trung Quốc (nhập khẩu tới 35% tổng giá trị gạo VN xuất khẩu, cao su chiếm 48%, các mặt hàng rau, quả chiếm tới 64% hay gỗ chiếm hơn 13,2%... Đây cũng là thị trường mà VN nhập khẩu tới 62,5% tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp). Đây là bạn hàng lớn nhưng chính sách của thị trường này đòi hỏi VN luôn luôn phải linh hoạt. Việc mở ra thị trường mới rộng lớn trong khuôn khổ TPP, VN có thể điều chỉnh linh hoạt hơn, tốt hơn cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sản phẩm chăn nuôi của VN sẽ phải đảm bảo chất lượng khi cạnh tranh với các nước TPP. Ảnh: CTV

Khi TPP có hiệu lực, hầu hết mặt hàng nông sản sẽ được giảm thuế còn 0% và một thời gian ngắn sau đó toàn bộ mặt hàng sẽ còn 0%. Như vậy, lợi thế cạnh tranh rất lớn. Trong đó có mặt hàng VN sẽ duy trì lợi thế tốt như thủy sản và đồ gỗ (39% đồ gỗ xuất khẩu của VN vào thị trường Mỹ, Nhật là 19%...). Về thủy sản xuất khẩu, vào Mỹ 19%, Nhật 16%... Như vậy, lợi thế VN là rất lớn so với các nước có cùng điều kiện sản xuất, nhất là với mặt hàng thủy sản của Ấn Độ, Thái Lan… Bên cạnh đó, khi thông thương thế này sẽ thu hút được vốn đầu tư của các quốc gia tăng cường đầu tư vào VN.

Tuy nhiên, đã vào sân chơi chung thì anh nào mạnh anh đó thắng. Chúng ta sẽ rất khó vào cuộc chơi lớn này nếu cứ duy trì cách quản lý chất lượng sản phẩm kém, nhất là chăn nuôi hộ, quy mô nhỏ lẻ sẽ rất khó cạnh tranh. Đứng trước nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức cần sự đòi hỏi cả hệ thống chúng ta cùng vào cuộc từ bộ máy quản lý, doanh nghiệp, người nông dân, đặc biệt là vấn đề tái cấu trúc lại các mô hình sản xuất hiệu quả. Trọng tâm là đưa công nghệ cao, hình thức quản lý hiệu quả thì nông nghiệp sẽ đứng vững, cạnh tranh khốc liệt đối với các nước còn lại khi tham gia TPP.

Từ nông dân đến cán bộ phải thực sự hiểu TPP

. Hiện nay nền nông nghiệp nước ta còn manh mún nhỏ lẻ, vậy gia nhập TPP thì vướng mắc, khó khăn trước mắt của người nông dân sẽ được giải quyết như thế nào?

+ Khi gia nhập TPP thì từng hộ nông dân, người dân không giải quyết được vấn đề gì mà phải có sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước, có sự tham gia rất tích cực của các doanh nghiệp vào nông nghiệp. Đối với tôi, tôi cho rằng đây là cơ hội, nếu chúng ta làm tốt được công tác tuyên truyền định hướng sản xuất. Sự liên kết giữa người dân với doanh nghiệp sẽ tạo ra cơ hội tiêu thụ nhiều mặt hàng sản xuất với giá tốt hơn. Theo đó người nông dân sẽ có lợi hơn.

. Hiện nay hầu hết người nông dân chưa hiểu hết về TPP thưa ông?

+ Đúng, không chỉ người dân đâu mà theo tôi, ngay cả cán bộ của chúng ta cũng có nhiều người chưa thật hiểu sâu sắc về TPP. Vì nó có rất nhiều danh mục, dịch vụ, hàng hóa, thuế và rất nhiều các cam kết. Bước đầu mở cửa thị trường chúng ta cần phải tuyên truyền vận động sâu rộng, công khai trên các phương tiện đại chúng cho mọi người có cơ hội, hiểu dễ nhất, nắm rõ về TPP. Và mỗi ngành phải có chiến lược, bước đi bằng các kế hoạch cụ thể, tùy từng lĩnh vực để chúng ta thích ứng với những biến đổi này khi gia nhập TPP.

. Bộ NN&PTNT đã có những định hướng cụ thể gì trước TPP?

+ Bộ NN&PTNT đã cử cán bộ cùng tham gia, cũng đặt vấn đề chúng ta phải làm như thế nào trong quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp. Rất nhiều vấn đề sẽ phải thay đổi về hướng đi, chương trình hành động để trụ vững, cạnh tranh tốt với các nước vì ngành chăn nuôi của những nước còn lại cao hơn chúng ta về trình độ, không gian, máy móc.

Đối với ngành nông nghiệp đã xác định rằng sẽ sản xuất theo chuỗi sản phẩm, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và buộc phải sản xuất sản phẩm sạch, an toàn hơn nữa, đặc biệt chỉ sử dụng hàng nóng, không sử dụng hàng lạnh. Thứ  nữa là hạn chế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành chăn nuôi.

Đồng thời tổ chức lại sản xuất các sản phẩm có thế mạnh như gà, heo, vịt. Điều này làm tốt chúng ta sẽ đủ sức cạnh tranh với các nước khi họ đưa số lượng hàng sản phẩm khổng lồ đổ vào nước ta.

Ngành chăn nuôi phải nhanh chóng chuyển mình

. Theo ông, ngành nông nghiệp buộc phải cải tiến, thay đổi những gì để đủ sức “đề kháng” cạnh tranh với các nước?

+ Phải nói một cách tổng quát, đã là cuộc chơi thì chúng ta không bao giờ thắng cả và không bao giờ chúng ta thua cả. Vấn đề là chúng ta xác định những mặt hàng, những khu vực mà chúng ta có lợi thế thì chúng ta phát triển nó lên, còn những mặt hàng mà chúng ta thấy rằng chưa có điều kiện thì đương nhiên phải mở cửa để cho các bạn vào.

Điều này buộc chúng ta phải có những điều chỉnh linh hoạt. Tôi vẫn nói rằng lĩnh vực chăn nuôi sẽ là lĩnh vực thử thách đầu tiên khi hội nhập TPP. Chúng ta cũng từng nhập bò của Úc rất nhiều, tới đây xu hướng này không chỉ bò Úc, bò Newzealand mà ngay cả bò Mỹ. Nếu như họ vẫn là giá rẻ, vẫn là chất lượng tốt hơn mà chúng ta không cải tiến được thì đương nhiên theo cơ chế thị trường hàng của các nước sẽ thâm nhập vào.

Nhưng đối với mặt hàng này và ngành chăn nuôi nói chung chúng ta đã có những điều chỉnh từ trước khi mời các doanh nghiệp, ví dụ như TH True milk, Hoàng Anh Gia Lai... chúng ta sẽ giữ được thị trường, chất lượng, giá cả. Còn hiện nay ngành chăn nuôi chúng ta vừa có giá thành cao, chất lượng kém, nếu cứ tiếp tục duy trì như thế này thì không thể cạnh tranh nổi.

TPP sẽ giúp Việt Nam mở rộng tiềm năng hợp tác

Bộ Ngoại giao VN ngày 6-10 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Hải Bình về phản ứng của VN trước việc kết thúc tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo đó, ông Bình khẳng định: “VN vui mừng và đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực vượt bậc cũng như sự linh hoạt, sáng tạo của các quốc gia thành viên trong việc hoàn tất Hiệp định TPP cân bằng, toàn diện, tiêu chuẩn cao vào 10-5-2015 tại TP Atlanta, Mỹ. Cùng các cơ chế hợp tác, liên kết hiện có khác như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP)…, việc hoàn tất Hiệp định TPP là dấu mốc quan trọng góp phần thúc đẩy xu thế liên kết đa tầng nấc cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định và sự phát triển năng động của châu Á-Thái Bình Dương” - ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, TPP sẽ giúp VN mở rộng tiềm năng hợp tác và làm sâu sắc quan hệ giữa VN với các đối tác hàng đầu thế giới và khu vực, đồng thời góp phần đa dạng hóa thị trường, nguồn cung nguyên phụ liệu và giúp VN tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực, toàn cầu.

“Trong quá trình chuẩn bị cho việc ký kết và phê chuẩn hiệp định, VN sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuẩn bị trong nước, tăng cường phổ biến kiến thức và nâng cao năng lực cho các địa phương, doanh nghiệp để thực hiện nghiêm túc cam kết cũng như tận dụng hiệu quả, lợi ích của TPP” - ông Bình thông tin.

 V.THỊNH

“Có người hỏi tôi rằng ngành chăn nuôi có trụ vững không khi cánh cửa thị trường mở toang ra, đầu tiên là ngành chăn nuôi phải cạnh tranh sòng phẳng với các nước ASEAN rồi đến các nước châu Âu, tiếp nữa là các thành viên trong TPP. Tôi nói rằng ngành chăn nuôi có thể khó trụ vững nhưng không phải chúng ta không làm được mà đã đến lúc chúng ta cần tìm hướng đi cụ thể ngay. Không còn thời gian, phải hành động, không phải cứ nói rồi không có ai làm.” (Trích phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại Hội nghị Tái cơ cấu ngành chăn nuôi gà ngày 21-8)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm