Phải giảm ngay lãi suất! - Bài 1: Lãi suất… nuốt lợi nhuận

Nhiều DN sản xuất phản ánh mức lãi ngân hàng cho vay hiện nay quá cao 22%-25% đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh tê liệt, dự án đình đốn… Nhiều hiệp hội gửi văn bản kêu cứu vì nếu tình trạng này kéo dài thì DN sẽ chết hàng loạt.

Lãi suất cao nhưng DN muốn vay cũng không dễ. Có những DN trả tiền chậm cho ngân hàng liền bị đưa vào nợ quá hạn và hạ bậc xếp loại, lần sau không được giải quyết cho vay nữa.

Bỏ cuộc vì thiếu vốn

Bà Vũ Thị Thu Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Ngũ Cốc Việt Granis (quận 7, TP.HCM), cho biết đến thời điểm 1-10-2011, DN kinh doanh gạo nào không đáp ứng kho chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ… sẽ không được trực tiếp xuất khẩu gạo. Lý do Nghị định 109 quy định DN kinh doanh xuất khẩu gạo cần có số vốn 20-30 tỉ đồng đáp ứng yêu cầu kho chứa, nhà máy xay xát... Tuy nhiên, trong lúc lãi suất ngân hàng ở mức cao trên 20% như hiện nay, không có DN nào đủ tự tin vay vốn xây dựng kho bãi, nhà máy xay xát đáp ứng nghị định. Chính vì lãi suất ngân hàng quá cao nên nhiều DN kinh doanh gạo chắc chắn sẽ giã từ cuộc chơi.

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt (TP.HCM), cho rằng đây là điều đáng tiếc bởi trong số DN không đáp ứng đủ điều kiện của Nghị định 109 có nhiều DN có kinh nghiệm, thị trường xuất khẩu gạo.

Tương tự, dù giá thịt trên thị trường tăng liên tục, thị trường khan hiếm hàng nhưng nhiều chủ trang trại heo không dám đầu tư vì thiếu vốn.

Phải giảm ngay lãi suất! - Bài 1: Lãi suất… nuốt lợi nhuận ảnh 1

Lãi suất quá cao khiến nhiều DN nhỏ và vừa đứng bên bờ vực phá sản. Ảnh: M.THẢO

Ông Nguyễn Trí Công, Giám đốc Công ty Chăn nuôi Công Trí (Đồng Nai), nhận định thị trường từ đây đến cuối năm sẽ thiếu thịt heo. Do đó, ông cần huy động nguồn vốn 20-30 tỉ đồng phát triển trang trại với quy mô khoảng 4.000 heo nái. Nhưng khó khăn của ông và các chủ trang trại là không thể tìm nguồn vốn vay lãi suất thấp. Bởi nếu vay với lãi suất như bây giờ thì không ai dám, dù giá thịt heo rất có lãi.

Phá sản ngay trước mắt

Tình trạng lãi suất cao đang đè nặng lên vai DN diễn ra ở hầu hết các ngành. Điều này thấy rõ ở “vương quốc” tôm thuộc các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng.

Ông Phạm Khắc Ghi, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cà Mau, cho biết nguồn thu ngân sách từ thuế thu nhập DN tại hệ thống các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản trong tỉnh bị ảnh hưởng lớn. Theo tìm hiểu ban đầu từ Cục Thuế tỉnh Cà Mau thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy giảm về hiệu quả kinh doanh của hệ thống công ty chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau là do lãi suất ngân hàng tăng quá cao thời gian gần đây.

“Với mức lãi suất vay lên đến 22%/năm, nhiều công ty phải gánh nặng đến vài tỉ đồng mỗi tháng, thu nhập DN ảnh hưởng trầm trọng” - ông Ghi cho biết.

Ghi nhận của chúng tôi tại tỉnh Cà Mau cho thấy có ít nhất năm công ty chế biến và xuất khẩu thủy hải sản đang lâm tình trạng nguy kịch.

Phó tổng giám đốc một công ty chế biến thủy sản tại phường 8, TP Cà Mau phân tích: “Lãi suất chúng tôi đang gánh là 22%/năm, cá biệt có một số đơn vị do thiếu hụt vốn phải chấp nhận với mức 24%, 25%/năm. Mức lãi suất này đã kéo lợi nhuận của công ty xuống rất mạnh. Những năm trước đây, tỉ lệ lãi trên vốn có thể đạt 20%-30% nhưng trong năm nay, công ty nào làm đạt được 8% hoặc 10% đã là quá cao”.

Theo vị phó tổng giám đốc này, riêng tại Cà Mau hiện có ba đơn vị sắp vỡ nợ mà nguyên nhân chính là lãi suất quá lớn, mỗi tháng gánh gần chục tỉ đồng.

Khắp nơi kêu cứu

Không chịu đựng được lãi suất ngân hàng quá cao, nhiều hiệp hội ngành nghề đã thay mặt DN kêu cứu.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hội Da giày TP.HCM, cho rằng lãi suất ngân hàng hiện quá cao đã ăn hết lợi nhuận DN. “Một năm DN làm ra lợi nhuận 20%-30%, vậy mà năm nay lãi suất cho vay trung bình của ngân hàng trên 22%/năm thì làm sao DN dám vay để hoạt động. Hiện ngành da giày chúng tôi có nhiều DN khó khăn nhưng không dám kêu vì sợ ngân hàng không rót vốn. Lý do, đó là các công ty con, nếu kêu khó thì ngân hàng không cho các công ty mẹ vay vốn” - ông Khánh bộc bạch.

Ông Khánh cho biết thêm: “Tình hình vốn tín dụng lãi cao ảnh hưởng đến sản xuất, chúng tôi đã làm văn bản gửi Sở Công Thương, Bộ Công Thương phản ánh thực tế khó khăn của DN và đề xuất Nhà nước có các hướng hỗ trợ về chính sách, lãi suất...”.

Trong lúc này, tại tỉnh Bạc Liêu, Hội DN trẻ của tỉnh đã lên tiếng kêu gọi UBND tỉnh xem xét giải quyết khó khăn cho hệ thống DN trong toàn tỉnh. Hội này nhấn mạnh ở gánh nặng lãi suất mà các DN phải gánh hiện nay bình quân là 22%/năm. Hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để ngân hàng giảm dần lãi suất cho vay. Các giải pháp cụ thể như ngân hàng cần có chính sách cho nợ lãi được kéo dài và trả dần đến khi kết thúc cùng với kỳ hạn nợ gốc. Đối với nợ gốc, ngân hàng nên cho phép được kéo dài kỳ hạn trả nợ ít nhất bằng với một chu kỳ của thời hạn nợ đã định trước đó…

Tại TP.HCM, trong cuộc họp với UBND TP mới đây, ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội DN TP nói có gần 30% DN TP đứng bên bờ vực phá sản vì lãi suất cao. Vì thế, Hiệp hội đã đề xuất TP cần có ngay các biện pháp hỗ trợ DN.

22%-25% là mức lãi suất tính theo năm đối với lĩnh vực phi sản xuất. 16,5%-20% là mức lãi suất năm đối với lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu. Đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác 18%-21%/năm.

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 19-8)

DN niêm yết cũng te tua

Soi gần 500 DN niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội, TP.HCM càng thấy sức ép lãi suất hạ gục DN. Báo cáo tài chính của nhiều DN cho thấy hàng tồn kho, nợ ngân hàng quá lớn, trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh không khởi sắc và ngày càng xấu đi.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm