Phải “níu” nhà đầu tư ở lại

Tại buổi gặp lãnh đạo TP.HCM ngày 30-8, các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài tỏ ra rất quan ngại về môi trường cạnh tranh đang gây khó khăn cho họ. Những vướng mắc của họ đã được lãnh đạo TP giải đáp cụ thể. Trong đó, việc cải cách về chính sách, luật để tạo môi trường đầu tư tốt ở khối ASEAN là vấn đề TP quyết tâm thực hiện.

20% nhà đầu tư muốn… ra đi

Theo ông Yamaguchi Kimio, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản, khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam chính là dịch vụ logistics, cơ sở hạ tầng, giao thông chưa đáp ứng nhu cầu. Thủ tục hải quan hành chính trùng lắp tại nhiều đơn vị gây mất thời gian, hải quan điện tử cũng vậy.

Bà Nicola Connolly, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu, cho biết qua khảo sát các thành viên lần thứ 12 (mỗi quý một lần, vừa kết thúc vào tuần này) cho thấy các DN ngày càng quan ngại hơn về môi trường đầu tư, nhất là lạm phát và triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Khoảng 20% DN được hỏi ý kiến cho rằng đang có ý định di dời sản xuất sang nước châu Á khác, 18% phản hồi môi trường đầu tư không tốt do các quy định hành chính, mất nhiều thời gian giao dịch… “Mà dù họ không cân nhắc di chuyển thì Việt Nam cũng cần phải cải thiện môi trường đầu tư”.

Phải “níu” nhà đầu tư ở lại ảnh 1

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM (giữa), trong buổi đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài tại TP.HCM sáng 30-8. Ảnh: TÚ UYÊN

Một yếu tố quan trọng là Việt Nam cần phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho DN. Nếu không các DN nước ngoài sẽ không dám đưa công nghệ cao vào khi đầu tư.

Đặc biệt, ông Herb Cochran, Giám đốc Điều hành Hiệp hội DN Mỹ, đánh giá khu vực DN nước ngoài vẫn kinh doanh tốt, hoạt động mạnh, trong khi DN nội địa lại gặp nhiều khó khăn. Kết quả giá trị xuất khẩu ròng của Việt Nam là 66% chủ yếu là từ DN nước ngoài. Do đó Nhà nước cần phải hành động để giúp DN nội địa hoạt động tốt, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế địa phương.

Tập trung xúc tiến đầu tư tại chỗ

Sau khi lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định để tiếp cận vấn đề, các DN nên nhìn vào bản chất chứ không chỉ nên nhìn hình thức. “Quan điểm của chúng tôi khi đưa ra bất kỳ chính sách nào cũng là không để ảnh hưởng, gây bất ổn đến các DN đang hoạt động. Chẳng hạn, tại Điều 50 khoản 1 của Luật Đầu tư quy định nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải có giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận kinh doanh. Chúng tôi đã đề xuất tách hai loại giấy này ra nhằm tạo điều kiện thông thoáng hơn” - ông Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông cho biết một trong những trọng tâm mà Nhà nước Việt Nam đang hướng tới là cải thiện môi trường đầu tư, bao gồm thu hút đầu tư mới và thu hút đầu tư tại chỗ. Nghĩa là làm sao để những DN muốn vào Việt Nam nhìn thấy DN đang đầu tư làm ăn hiệu quả, từ đó họ dễ dàng quyết định hơn. Khảo sát của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng cho thấy có 60%-70% DN Nhật quyết định đầu tư thông qua các DN Nhật đang làm ăn tại Việt Nam; chỉ dưới 50% DN đầu tư thông qua diễn đàn xúc tiến và cuộc tiếp xúc bên ngoài. Do đó việc xúc tiến đầu tư tại chỗ là rất quan trọng.

“Theo nghiên cứu của chúng tôi hiện giờ dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng chuyển sang khu vực châu Á, mạnh nhất là vào khối ASEAN với Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Malaysia, Philippines… Chúng tôi cùng JICA đang thực hiện đề án này và vào tháng 10 tới sẽ có kết quả, trong đó so sánh chính sách đầu tư tại Việt Nam với năm nước và với là Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Myanmar. Đây là tài liệu quan trọng để sửa đổi luật trong thời gian tới” - ông Hà nói rõ.

Cũng theo ông Hà, Chính phủ luôn hiểu rằng Việt Nam cần có một môi trường cạnh tranh lành mạnh. “Đây là cơ hội để Việt Nam thu hút vốn, là cơ hội vàng thứ hai sau lần cải cách năm 2007 và chúng tôi phải thay đổi quyết liệt. Sắp tới chúng tôi sẽ tập hợp cùng các bộ ngành, địa phương cải thiện hai khu vực chính sách và thực thi. Vì đôi khi luật pháp khi soạn thảo thấy phù hợp nhưng khi vào cuộc sống thì chồng chéo” - ông cho biết.

TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm