Phía sau việc chấm dứt mua ngân hàng 0 đồng

Mới đây, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật với nội dung thảo luận về dự thảo Luật Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, các ý kiến thành viên Chính phủ thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cùng với các biện pháp xử lý khác đã nêu trong dự án luật, từ nay trở đi, sẽ không đặt ra vấn đề NHNN mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng.

Dự thảo này cũng nêu, đối với các ngân hàng đã được NHNN mua lại với giá 0 đồng sẽ được xử lý theo các phương án mà dự án luật quy định.

Trong dự thảo đang lấy ý kiến hoàn thiện có nêu quy định về phát hiện và xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, với các phương án xử lý: phương án phục hồi; phương án xử lý pháp nhân (sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể, phá sản); phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Theo đó, các ngân hàng yếu kém sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt mà không dùng hình thức NHNN mua lại với giá 0 đồng, sau đó có các biện pháp tài chính, cuối cùng mới áp dụng biện pháp mua bắt buộc.

Nhận định về nội dung từ nay NHNN sẽ chấm dứt mua ngân hàng với giá 0 đồng, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chính sách công, Trường ĐH Fulbright Việt Nam, cho rằng thông điệp về chấm dứt việc mua ngân hàng 0 đồng chỉ là vấn đề câu chữ. Vì những ngân hàng có giá trị thực của vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 0 đồng bị mua bắt buộc thì không thể mua với giá nào khác ngoài 0 đồng (hay điều chỉnh một chút thành 1 đồng).

TS Đinh Thế Hiến, chuyên gia kinh tế, cho rằng: Điều này đồng nghĩa với việc những lãnh đạo của ngân hàng yếu kém cũng phải bị xử lý trách nhiệm, chứ không đơn thuần chỉ là chuyện là được NHNN “giải cứu” đống nợ xấu, còn những người gây ra hệ lụy đó được thoát tội”.

Ông Hiển cũng nhấn mạnh: "Một khi đã mua ngân hàng với giá 0 đồng tức là NHNN cũng sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm đối với quản lý, xử lý về nợ xấu của ngân hàng đồng thời cũng sẽ bảo vệ quyền lợi với toàn bộ khách hàng gửi tiền".

Cũng theo ông Hiển, việc dừng mua ngân hàng 0 đồng không phải là chuyện thay đổi câu chữ, hiểu như vậy là sai với chủ trương và lộ trình phát triển mà NHNN đang theo đuổi. Dự thảo được xem là “phát pháo” đánh dấu cho tính nhất quán từ khâu thanh tra giám sát, xử lý ngân hàng yếu kém, thực hiện chuẩn Basel 2 và phát triển thị trường tài chính.

"NHNN đang hướng tới việc cho ngân hàng được sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường và khách hàng gửi tiền cần “chọn mặt gửi tiền”. Bởi khách hàng ham ngân hàng có lãi suất cao thì đồng nghĩa họ sẽ phải tự gánh chịu rủi ro" - ông Hiển nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Mua ngân hàng 0 đồng có 2 mặt, mặt tích cực là tránh hiện tượng domino, đồng thời giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nhưng mặt trái là nó không đúng với xu hướng kinh tế thị trường, không đúng với xu hướng thế giới và đặc biệt gây tăng mất cân đối ngân sách cũng như là nợ công. Hơn nữa việc mua ngân hàng 0 đồng khiến cho tình trạng đầu cơ, làm ăn phi pháp, chộp giật theo kiểu biến lợi ích của Nhà nước thành con tin có nguy cơ gia tăng.

“Cho nên việc NHNN dừng mua ngân hàng 0 đồng là chủ trương đúng và kịp thời. Song đồng thời cũng cần cảnh báo sớm và nhận diện những ngân hàng có vấn đề sớm để không xảy ra tình trạng buộc phải chuyển giao hoặc kiểm soát đặc biệt… Do đó, vấn đề ở đây không chỉ là dừng mua ngân hàng 0 đồng mà cần phải ngăn chặn để phát sinh những ngân hàng 0 đồng như vậy” - ông Phong nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm