Phó Thủ tướng: 'Cắt giảm không khéo lại rơi vào lợi ích nhóm'

Sáng 13-5, UB Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đây là “giám sát của dân”

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam trong phát biểu khai mạc nói rằng: “Mặt trận luôn đồng hành với Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư là những yêu cầu cấp thiết”.

Ông Trần Thanh Mẫn: "Kinh tế tư nhân là thành phần quan trọng, đóng góp lớn vào GPD cả nước".

Ông Mẫn cho hay, kinh tế tư nhân là một thành phần quan trọng đóng góp lớn vào GDP của cả nước. Nếu chức năng giám sát được nâng cao hơn nữa, tạo được niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, thì kinh tế-xã hội sẽ phát triển bền vững hơn nữa.

Ông Mẫn khẳng định: “Mặt trận và các tổ chức thành viên được giao giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân. Giám sát này là của nhân dân”.

Thông tin về kết quả giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, qua 3 đợt giám sát tại 10 tỉnh, thành phố, Ban Thường trực UB Trung ương MTTQ Việt Nam xác định một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục tháo gỡ trong công tác kiểm tra chuyên ngành, Cơ chế một cửa quốc gia.

Ông Thực nhận định: “Hiện tại, Cơ chế một cửa quốc gia đang nhằm vào mục tiêu giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính phục vụ cho khâu thông quan mà chưa chú trọng nhiều đến việc chia sẻ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước”.

Về kiểm tra chuyên ngành, ông Thực đọc báo cáo và cho hay: Số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn, chiếm trên 19,%. Việc cắt giảm TTHC, kiểm tra chuyên ngành cần tiếp tục triển khai để giảm tiếp các dòng hàng cần kiểm tra chuyên ngành.

Có những thứ rất cần cắt thì lại không cắt

 Sau khi một số doanh nghiệp nêu ý kiến và đại diện các bộ, ngành giải đáp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận hội nghị. Phó Thủ tướng nói giữa Chính phủ và UB Trung ương MTTQ Việt Nam có quy chế phối hợp từ nhiều năm nay và cơ chế này vẫn đang thực hiện tốt.

Đồng ý với nhiều phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tới nhiều vấn đề. Trong đó, có thái độ, phong cách làm việc của cán bộ, công chức và việc cắt giảm các TTHC, điều kiện kinh doanh. Theo Phó Thủ tướng, thực tế vẫn còn nhiều cán bộ có thái độ sách nhiễu, làm phiền doanh nghiệp. Cũng từ đó, phát sinh những vấn đề khác như “chi phí không chính thức”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị MTTQ Việt Nam cần giám sát cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật.

Về cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh, Phó Thủ tướng đặt vấn đề: “Việc cắt giảm cần phải rà soát lại xem cắt giảm đến đâu, cắt giảm có phù hợp không. Không phải cứ cắt giảm nhiều là tốt đâu”.

Vì vậy, Phó Thủ tướng nói, Nghị quyết 02/2019 của Chính phủ không quy định phải cắt giảm bao nhiêu % TTHC, điều kiện kinh doanh, mà yêu cầu rà soát lại xem có gì không hợp lý thì phải cắt. Nhưng đồng thời cũng rà soát cả những gì đã cắt xem như vậy có hợp lý không.

“Không thể mở toang cánh cửa quốc gia như thế được. Chính vì vậy khi rà soát thì ngành cơ yếu, y tế… phải tăng thêm một số quy định là vì vậy”, Phó Thủ tướng nói và lưu ý: “Tôi nói thật, cứ cắt giảm không khéo lại rơi vào “lợi ích nhóm đấy”. Có doanh nghiệp đi vận động cắt giảm cái nọ cái kia đấy”.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị UB Trung ương MTTQ Việt Nam giám sát cả hai phía, nhà nước và doanh nghiệp. “Tất cả phải hai mặt, không thể đòi hỏi một phía. Tất cả những nhũng nhiễu, vòi vĩnh là phải cắt. Có những cái không đáng cắt thì lại đi cắt. Có những thứ rất cần cắt thì lại không cắt”, Phó Thủ tướng nhận định về việc cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành.

Nói về những kiến nghị của doanh nghiệp tại hội nghị, Phó Thủ tướng hướng sang các đại diện bộ, ngành trung ương và nói: “Doanh nghiệp hôm nay phản ánh những cái rất nhỏ, nhưng là nhỏ với các bộ, ngành thôi, chứ với doanh nghiệp là vấn đề rất lớn. Nếu tính theo các doanh nghiệp trong nền kinh tế thì vấn đề lại cực kỳ lớn”.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2019 các bộ phải chấm dứt ngay tình trạng chưa ban hành mã HS, quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hoá nhập khẩu nhưng vẫn phải kiểm tra chuyên ngành. Vì điều này dễ nảy sinh các tiêu cực. Việc khắc phục các yếu kém trong tổ chức thực thi công vụ, Phó Thủ tướng nói: “Đây là trách nhiệm của Bộ trưởng”.

Báo cáo của UB Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: kiểm tra chuyên ngành thời gian qua có những chuyển biến tích cực về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực thi trên thực tế.

Theo đó, với việc đưa 126 thủ tục hải quan tham gia một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, năm 2018 có kết quả toàn diện, đột phá nhất từ trước tới nay trong thực hiện cải cách lĩnh vực hải quan. Tính luỹ kế trong 4 năm qua, số thủ tục tham gia cơ chế một cửa đã đạt 97%. Dự kiến cuối năm nay, các bộ, ngành sẽ kết nối 100% thủ tục, đạt cấp độ 4 (thanh toán chi phí) lên cơ chế một cửa. Tỷ lệ hàng hoá kiểm tra chuyên ngành đã giảm mạnh từ 35% tổng khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu xuống còn 19,1% trong vòng 3 năm.

Tuy nhiên, việc cắt giảm các thủ tục chuyên ngành chưa thực chất, còn yếu kém trong thái độ thực thi chính sách, mức độ hài lòng của doanh nghiệp chưa cao, số lượng doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN chưa nhiều, chống gian lận thương mại chưa tương xứng với tạo thuận lợi thương mại. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.