Quân đội quyết cổ phần hóa 12 doanh nghiệp trong năm nay

Lớn nhất trong số này là Tổng Công ty Đông bắc - doanh nghiệp khai thác than lớn thứ hai ở Việt Nam, chỉ sau Tập đoàn Than Khoáng sản. Nhỏ hơn là Công ty Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất TECAPRO - một doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực thương mại gắn với sản phẩm công nghệ, đang nắm giữ quỹ đất khá lớn.

Một số doanh nghiệp xây dựng hoặc đang nắm giữ các cơ sở lưu trú, khách sạn trên nền đất quốc phòng và cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in ấn cũng nằm trong danh sách cổ phần hóa đợt này. Như Công ty Dịch vụ đối ngoại, cổ đông chính của tổ hợp căn hộ, văn phòng cho thuê The Landmark tại số 5B Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM; hai công ty in quân đội nắm những khoảnh đất lớn ở Hà Nội và TP.HCM…

Ngoài các doanh nghiệp độc lập thì trong đợt này còn có một số công ty con thuộc các tổng công ty của Bộ Quốc phòng như Công ty Xây dựng công trình Tân Cảng thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty T608 hoạt động trong lĩnh vực vận tải thuộc Tổng Công ty Vật tư công nghiệp quốc phòng GAET…

Cả 12 doanh nghiệp này hiện hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với 100% vốn do Bộ Quốc phòng hoặc doanh nghiệp quân đội nắm giữ.

Cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp quân đội lần này nằm trong chủ trương lớn của Thường vụ Quân ủy Trung ương, theo Đề án 80 về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020.

Để công việc này đi vào thực chất, ngày 25-10, Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội nghị quán triệt kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương với các doanh nghiệp quân đội. Theo đó, một kế hoạch gắn tiến độ cụ thể được vạch ra với việc cổ phần hóa 12 doanh nghiệp này, với bước đầu tiên là báo cáo phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất phải hoàn thành ngay trong tháng 10, để tháng 12 thủ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành các quyết định cổ phần hóa và lập các ban chỉ đạo cổ phần hóa với từng công ty.

Việc xác định giá trị doanh nghiệp sẽ được triển khai đầu năm sau để đến tháng 12-2020 phê duyệt phương án cổ phần hóa, tổ chức đại hội cổ đông, chuyển sang pháp nhân công ty cổ phần vào tháng 4-2021…

Với các doanh nghiệp quân đội, tài sản lớn nhất thường là đất. Tuy nhiên, đây lại là đất quốc phòng. Vì vậy, Ban Chỉ đạo 80 của Bộ Quốc phòng sẽ có tổ công tác xử lý đất quốc phòng tại các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn để tập trung rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất, cũng như đánh giá tài chính của từng doanh nghiệp.

Ngoài cổ phần hóa 12 doanh nghiệp trong đợt này, theo Đề án 80, Bộ Quốc phòng sẽ rà soát để thoái vốn nhà nước tại một số công ty cổ phần; sáp nhập, hợp nhất một số doanh nghiệp để hình thành tổng công ty. Một số đơn vị thuộc khối đảm bảo kỹ thuật vừa qua hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp sẽ được giải thể pháp nhân để chuyển sang mô hình nhà máy không còn hạch toán kinh doanh theo thị trường nữa.

Đáng chú ý, ba doanh nghiệp hoạt động ở địa bàn đặc biệt gồm Binh đoàn 15, Binh đoàn 16, Công ty Cà phê 15 Quân khu 5 sẽ giải thể pháp nhân doanh nghiệp, chuyển sang cơ chế đoàn kinh tế quốc phòng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.