2013: Khó giữ lạm phát dưới 6,8%

Kinh tế năm 2013 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, việc giải quyết hệ quả của hệ thống ngân hàng (NH) không đơn giản, vấn đề tái cơ cấu và điều hành lãi suất sẽ khó thực hiện. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế tại hội thảo do Học viện NH tổ chức, chủ đề “Bức tranh toàn cảnh hoạt động NH Việt Nam 2012 và một số khuyến nghị chính sách cho 2013” (Hà Nội, ngày 25-12).

2013: Khó giữ lạm phát dưới 6,8% ảnh 1
Tập đoàn Mai Linh lỗ là một trong những trường hợp sử dụng vốn vay ngân hàng không đúng mục đích. Ảnh: HTD

Không nên áp trần lãi suất cho vay

Có mặt tại hội thảo, TS Vũ Đình Ánh cho rằng ngay từ đầu năm 2012, thống đốc NHNN dự kiến trong quý I sẽ xử lý tái cơ cấu từ năm đến tám NHTM, thế nhưng nay đã hết năm mà việc tái cơ cấu vẫn dở dang. “Năm 2012, NHNN đặt ra mục tiêu phân nhóm NH và giao chỉ tiêu tín dụng. Chính sách đó không đem lại hiệu quả. Nhiều NH không đạt chỉ tiêu, NH nhóm thấp chưa giải quyết được việc tái cơ cấu. Do đó, trong năm 2013, NHNN nên bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tổng tín dụng và không cần phân nhóm NH. Hãy để cho NH tự đề ra mục tiêu kinh doanh theo điều kiện thực của họ. Còn cơ quan quản lý, hãy quan tâm đặc biệt hơn đến việc điều hành lãi suất” - ông nhấn mạnh.

Mặt khác, trong bối cảnh nhiều khoản chi phí tác động đến sản xuất đầu vào của doanh nghiệp (DN) tăng thì giảm lãi suất là việc NHNN cần phải làm, không nên áp trần lãi suất cho vay. Biện pháp này trái với quy luật của thị trường tín dụng, lãi suất cho vay là dựa trên hợp đồng thỏa thuận.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, đưa ra đánh giá: “Tín dụng sáu tháng tới ở mức thấp là rõ ràng bởi vẫn còn 4-6 NH yếu kém và nợ xấu chưa xử lý được”.

Nói riêng về vấn đề DN sử dụng nguồn vốn vay NH, ông Ánh dẫn chứng trường hợp của Tập đoàn Mai Linh. Theo ông, DN này lỗ vì sử dụng vốn không đúng mục đích. Sai lầm của nhiều DN là sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn, đặc biệt là đầu tư vào thị trường bất động sản trong khi thị trường này đang “chết”. Không riêng Mai Linh, đây còn là thực trạng chung của nền kinh tế Việt Nam.

Lãi suất phải bám lạm phát

Một vấn đề kinh tế đáng lo ngại khác theo TS Vũ Đình Ánh là lạm phát 2013 khó giữ ở mức dưới 6,8% như 2012 bởi giá cả những tháng tết sẽ biến động. Bên cạnh đó, từ ngày 1-1-2013, Chính phủ áp dụng chính sách thu phí để bù nguồn thu ngân sách nên khó tránh lạm phát bị đẩy lên cao. “Chúng ta phải lựa chọn mục tiêu lạm phát hay nguồn thu ngân sách. Đẩy lạm phát lên 10% thì không phải thu ngân sách, tất cả đều thu trên giá hiện hành. Sở dĩ năm nay thu ngân sách bị thiệt cũng vì lạm phát thấp” - ông phân tích.

Bên cạnh đó, ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Maritime Bank, cho rằng chính sách điều hành tiền tệ năm 2012 với phương châm linh hoạt, thận trọng là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cách điều hành đó đem áp cho những năm trước thì tốt hơn. Để đến năm 2012, khi kinh tế gặp nhiều khó khăn thì hiệu lực các công cụ chính sách đã giảm. “Đáng ra sau khi Chính phủ họp báo hồi tháng 11 với chỉ số lạm phát đi xuống, ngay lập tức NHNN phải giảm lãi suất xuống 1 điểm phần trăm. Vậy nhưng mãi đến ngày 21-12, sau khi nắm bắt được chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 12 ở mức thấp, thống đốc NHNN mới ra quyết định. Bước điều chỉnh này quá chậm so với kỳ vọng của DN” - ông Anh phân tích.

“Về nguyên tắc, lãi suất phải bám lạm phát. Theo đó, lãi suất có thể giảm tiếp trong năm 2013 xuống 7% nhưng phải qua quý I” - TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, dự báo.

May mà giá lương thực, thực phẩm giảm!

2013: Khó giữ lạm phát dưới 6,8% ảnh 2

NHNN đã thành công khi kìm lạm phát năm 2012 xuống mức khá thấp, một phần cũng có may mắn là giá lương thực, thực phẩm giảm liên tục. Hai mặt hàng này chiếm 40% trong tỉ trọng rổ CPI nên kéo lạm phát xuống.

Nếu tính lạm phát cơ bản, loại bỏ lương thực thực phẩm và xăng dầu thì lạm phát năm 2012 vẫn xấp xỉ 11%. Do đó, nếu không cẩn thận trong năm 2013 sẽ đẩy giá lương thực, thực phẩm lên cao lại, việc kiểm soát lạm phát rất khó khăn.

Còn việc xử lý nợ xấu mà NHNN đã hoạch định sẽ bao gồm hai vấn đề: phục hồi năng lực tài chính của NHTM để DN dễ tiếp cận vốn; xử lý thanh khoản các NH yếu kém. Nếu bản thân các NHTM không thực hiện được thì NHNN tập hợp lại thành một NH quốc hữu hóa để họ thực thi chính sách tiền tệ ổn định trong giai đoạn đang tái cơ cấu. Khi NH đó phát triển, có thể lại tư nhân hóa hoặc cổ phần hóa. Ngoài ra, các NH cần kiểm soát lại hoạt động quản trị rủi ro, đặc biệt là những NH đi lên từ nông thôn.

TS LÊ XUÂN NGHĨA, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia 

Tiêu điểm

11,2%

mức lạm phát cao nhất dự báo cho năm 2013, dao động từ mức 7,2%. Ngoài ra, tăng trưởng GDP sẽ khoảng 4,96%-6,01%, tỉ giá biến động từ 1% đến 4% và tăng trưởng tín dụng quanh mức 9%-12%.

Nhóm nghiên cứu Học viện NH

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.