Bộ Tài chính nói gì về định giá hãng phim 0 đồng?

Câu chuyện cổ phần hóa (CPH) Hãng phim truyện Việt Nam đã khiến cuộc họp báo về tình hình CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Bộ Tài chính ngày 27-9 trở nên nóng hơn. Hàng loạt câu hỏi đã được các PV đặt ra cho đại diện Bộ Tài chính.

Chỉ là thông tin từ đơn vị tư vấn

Trả lời câu hỏi tại sao định giá thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam 0 đồng, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tài chính DN Bộ Tài chính, cho rằng đây mới là thông tin đưa ra từ đơn vị tư vấn CPH. Việc xác định giá trị DN bao nhiêu phải do ban chỉ đạo CPH của bộ, ngành chịu trách nhiệm thẩm định, cụ thể là Bộ VH-TT&DL.

“Thông tin từ đơn vị tư vấn cũng chỉ là kênh tham khảo, không phải cái gì tư vấn đưa lên cũng đúng, cứ thế mà làm theo. Nếu ban chỉ đạo CPH muốn thẩm định lại giá trị DN một cách khách quan có thể nhờ đến cơ quan kiểm toán xem xét lại. Nhiều khi đơn vị tư vấn cứ nói DN lỗ nhưng biết đâu đó là lỗ giả để giảm giá trị DN. Đôi khi chuyện số liệu lỗ lãi nằm ở phương pháp tính toán mà thôi. Xác định giá trị DN có nhiều yếu tố trong đó gồm đất đai, tài sản trên đất…” - ông Tiến giải thích.

Theo ông Tiến, các quy định hiện hành về CPH đều rất rõ ràng, vấn đề quan trọng là các cá nhân, đơn vị có thực hiện theo quy định hay không. Nếu thực hiện định giá trị Hãng phim truyện Việt Nam trước khi CPH theo quy trình sẽ không có chuyện khiếu nại như hiện nay.

“Một đơn vị tư vấn giỏi cần phải am hiểu lĩnh vực, nắm rõ quy hoạch địa điểm của đơn vị CPH. Cụ thể, địa điểm Hãng phim truyện Việt Nam sẽ được quy hoạch làm phim hay xây cao ốc, nhà tư vấn phải xác định được và chứng minh. Để làm rõ điều này thì UBND TP Hà Nội cần đưa ra thông tin chính thức” - ông Tiến nêu quan điểm.

Ông Đặng Quyết Tiến: “Cần làm rõ trách nhiệm, vai trò của bộ chủ quản Hãng phim truyện Việt Nam”. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG

Phải làm rõ trách nhiệm bộ chủ quản

Ông Tiến cũng nhấn mạnh đến vai trò của người lao động và tổ chức công đoàn trong quy trình thực hiện CPH. Nhà nước luôn tạo điều kiện để người lao động được tham gia CPH. “Vấn đề đặt ra là tại sao tổ chức công đoàn và người lao động không lên tiếng trước khi thực hiện CPH. Liệu ban chỉ đạo CPH của Bộ VH-TT&DL có vội vàng và chưa hiểu hết tâm tư của người lao động khi CPH. Việc “ván đã đóng thuyền” sẽ rất khó khăn cho nhà đầu tư, người lao động và cơ quan quản lý” - đại diện Bộ Tài chính đặt vấn đề.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho hay hiện nay việc thanh tra CPH Hãng phim truyện Việt Nam đang được giao cho Thanh tra Chính phủ. Việc thực hiện CPH này có đúng quy định hay không cần phải chờ đợi kết luận thanh tra. Tuy nhiên, vị này cho rằng cũng cần làm rõ trách nhiệm khâu quản lý nhà nước trong vấn đề đất đai tại dự án này cũng như vai trò của bộ chủ quản Hãng phim truyện Việt Nam.

Ông Tiến nhận định: “Mảnh đất số 4 Thụy Khuê, Hà Nội (rộng gần 5.500 m2, PV) từ lâu đã được gắn với tên Hãng phim truyện Việt Nam nhưng khi CPH mới lộ ra nhiều vấn đề như nợ thuế, đất thuê… Đó là trách nhiệm của các nhà quản lý đất đai ở địa phương cũng như quản lý tài sản của bộ chủ quản”.

Siết quản lý sử dụng đất

Trả lời về chế tài trong trường hợp nhà đầu tư chỉ lợi dụng CPH vào mục đích khác thay vì phát triển DN, đại diện Bộ Tài chính cho biết quy định mới ban hành tới đây sẽ siết chặt vấn đề này. Tiêu chí bắt buộc của cổ đông chiến lược phải giúp phát triển ngành nghề trọng tâm mà DN CPH đang hướng tới. Nếu nhà đầu tư chiến lược không thực hiện đúng cam kết sẽ phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước.

Đẫm nước mắt

Ngày 21-9, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức cuộc họp báo. Hội Điện ảnh Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra độc lập, liên ngành xem xét một cách khách quan toàn bộ tiến trình CPH Hãng phim truyện Việt Nam. Đặc biệt là việc định giá thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam…

Tiếp xúc với báo chí cùng ngày, đạo diễn Quốc Tuấn tuyên bố: “Chưa có cuộc CPH nào lại đẫm nước mắt như cuộc CPH tại Hãng phim truyện Việt Nam”.

 

Cụ thể, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định quy định chuyển DNNN và Công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, thay thế một loạt nghị định hiện nay.

Theo đó, dự thảo nghị định thay thế bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược. Chẳng hạn, nhà đầu tư đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của DN CPH trong thời gian ít nhất ba năm.

Về xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN CPH, dự thảo quy định phương án sử dụng đất của DN phải bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương và phải được gửi đến UBND tỉnh, TP trước khi thực hiện xác định giá trị DN.

“Điều này sẽ đảm bảo ngăn ngừa tình trạng DN lợi dụng tiếp tục nắm giữ, ôm lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương” - Bộ Tài chính lý giải.

Sabeco, Habeco có nguy cơ “đổi chủ”

Đại diện Bộ Tài chính cho hay đến ngày 30-9-2017, nếu Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thì trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại hai DN này sang Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để đảm bảo việc thoái vốn nhà nước.

“Việc chuyển giao sẽ đảm bảo tiến độ thoái vốn nhanh hơn, đồng thời giúp Bộ Công Thương tập trung hoàn thành các nhiệm vụ về quản lý nhà nước được Chính phủ giao” - đại diện Bộ Tài chính cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm