CEO Agrex Saigon: 'Tôi đi chơi suốt, công việc vẫn tốt'

Nhìn vẻ bề ngoài, Công ty Cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon, chuyên về xuất khẩu thực phẩm đông lạnh, mang đậm dáng dấp của một công ty nhà nước từ những thập niên của thế kỷ trước. Nhưng ẩn trong cái bề ngoài đó là một công ty công nghệ, có một vị lãnh đạo có khả năng ra quyết định trong tích tắc. Người dẫn dắt công ty này là một tổng giám đốc xuất thân từ dân chuyên toán, ông Phạm Hải Long.

Há cảo, bánh cuốn, xôi… bay sang Nhật

. Phóng viên: Quản trị và công nghệ là hai khái niệm dường như còn xa lạ với nhiều công ty Việt Nam, nhất là những công ty đến từ bệ phóng Nhà nước. Với công ty ông thì sao?

+ Ông Phạm Hải Long: Nền tảng quản trị đúng đắn đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng nhưng công nghệ đem lại nhiều tiện ích để bổ trợ cho nền tảng này.

Cách đây tám năm, để sản xuất 400 tấn sản phẩm, chúng tôi cần 1.100 con người nhưng hiện cũng với sản lượng đó, nhân lực chỉ cần một nửa. Điều này nhờ chiến lược chuyển đổi mô hình từ thâm dụng lao động sang ứng dụng máy móc công nghệ vào sản xuất. Nói cách khác chúng tôi tự động hóa hàng loạt khâu trong dây chuyền sản xuất, đặc biệt là áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Một điều thú vị là thuật toán xây dựng cho trí tuệ nhân tạo đều do người công ty tự làm dựa trên những đề bài thực tế mà công ty đối diện phải xử lý hằng ngày. Khách hàng cũng rất thích thú với trí tuệ nhân tạo của chúng tôi, vì trong bất kỳ thời điểm nào họ cũng có thể biết đơn hàng của mình đang ở giai đoạn nào, đã có khối lượng bao nhiêu, hoàn thành đến đâu.

. Ông có vẻ khá đam mê công nghệ?

+ Hồi xưa tôi xuất thân là dân chuyên toán, vào đại học cũng học toán thống kê nên theo quán tính cũng thích đưa toán học vào ứng dụng thực tế. Hơn nữa, khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mọi thứ minh bạch, không giấu giếm được nên mọi người trong công ty phải tự nỗ lực làm việc kịp tiến độ. Nhờ công nghệ giúp giảm chi phí, nhân sự nhưng vẫn đảm bảo khối lượng công việc.

. Ông có thể tiết lộ bước tiếp theo của Agrex Saigon trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo?

+ Chúng tôi đang phát triển một trung tâm nghiên cứu về ẩm thực, trong đó xây dựng một ngân hàng dữ liệu lớn về các món ăn. Chẳng hạn, khách muốn đặt một sản phẩm chả giò, chúng tôi sẽ đưa ra một loạt dữ liệu về sản phẩm này cho khách chọn theo nhu cầu. Tùy vào ý thích mà khách hàng có thể đưa ra đề bài nhiều biến từ hình thức, nguyên liệu, trọng lượng, tỉ lệ,… Từ đó trí tuệ nhân tạo sẽ mô phỏng ngay sản phẩm dựa trên các thông số vừa đề cập.

Chúng tôi cũng đang xây dựng một phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo để mô phỏng khẩu vị con người. Hiện chúng tôi đã xây dựng xong hệ số vị cay, còn hệ số vị mặn đang tiến hành. Ví dụ, khách hàng Nhật than phiền sao hôm nay công ty của chúng tôi làm món ăn mặn quá nhưng hỏi mặn như thế nào, thế là khách chịu không mô tả được. Chúng tôi sẽ xây dựng độ mặn theo từng cấp, từ nhạt đến mặn, chia thành nhiều cấp độ khác nhau. Khi đó, khách nói mặn quá tức nó rơi vào độ ba, vậy sẽ giảm xuống độ hai xem phù hợp không. Với thang độ mặn như vậy, các bên tương tác nhau dễ dàng hơn.

Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Agrex Saigon, giới thiệu về sản phẩm Chimaki - xôi được gói  tinh tế trong hộp xếp bằng lá dừa được khách hàng Nhật Bản ưa chuộng. Ảnh: QUANG HUY

Lượm cục tiền rồi biến, thương hiệu Việt đi tong

. Thưa ông, việc tự động hóa hàng loạt khâu trong dây chuyền sản xuất liệu có khiến anh em công nhân mất việc làm và chịu thiệt thòi không?

+ Với ngành thực phẩm, công nghệ giúp giám sát chặt chẽ con người vì nó liên quan đến năng suất lao động, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, các công nhân đều cảm thấy thích thú tương tác với công nghệ. Mọi người được rèn luyện tác phong công nghiệp mà nếu trong trường họp họ đi làm chỗ khác sẽ có tác phong làm việc chuyên nghiệp và chuẩn mực hơn.

Hơn nữa, họ thích thú với công nghệ vì chúng tôi có phần mềm. Theo đó, họ chỉ cần quét vân tay là biết hôm nay nhận được bao nhiêu tiền, thậm chí nếu muốn biết 10 năm nữa mình có bao nhiêu tiền, máy cũng trả lời cụ thể.

Tuy áp dụng công nghệ và nó tốt cho sản suất, kinh doanh nhưng ở những khâu cần thâm dụng lao động thì chúng tôi vẫn phải giữ lại.

. Điều này có thể hiểu là dù mạnh mẽ áp dụng công nghệ nhưng công ty của ông vẫn giữ lại nhiều công đoạn thủ công?

+ Cần phải hiểu thế này: Công nghệ để tính toán nguyên liệu và lượng lao động phù hợp cho sản phẩm nhưng công nghệ không làm thay tất cả. Bởi gần một nửa sản phẩm của chúng tôi xuất khẩu sang thị trường Nhật. Khách hàng Nhật không chỉ khắt khe về chất lượng mà còn đòi hỏi sự tinh tế về mỹ thuật. Các sản phẩm làm cho họ chủ yếu mang tính truyền thống của người Nhật, vừa có độ khó trong việc hoàn thiện, vừa đòi hỏi tạo hình mà chỉ có bằng tay mới làm được.

Công nhân Việt Nam có kỹ năng làm bằng tay khéo léo, đẹp và mỗi sản phẩm thể hiện vẻ ngoài không cái nào giống cái nào nên hấp dẫn người mua.

. Nhiều ý kiến cho rằng xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, châu Âu không dễ, nhất là với hàng thực phẩm?

+ Đúng vậy. Chẳng hạn, Nhật đặt chúng tôi sản phẩm có tên là Chimaki. Thực ra tên gọi này chỉ một loại xôi của Nhật nhưng họ đòi hỏi xôi đó đóng gói trong lá dừa. Lá dừa mua tại Việt Nam và công nhân phải tuốt từng chiếc lá, cắt khúc một. Những chiếc lá đó được đưa vào xử lý qua nhiệt đảm bảo tiệt trùng nhưng vẫn giữ được màu xanh mướt của lá. Chỉ có công nhân Việt mới đủ kiên nhẫn, tỉ mỉ làm từng chiếc hộp lá dừa với khối lượng sản phẩm cực lớn.

. Có một thực tế đang diễn ra là không ít doanh nghiệp Việt khi có chút thương hiệu hoặc vì một lý do nào đó chấp nhận bán mình cho đối thủ nước ngoài. Công ty của ông thì sao?

+ Miếng đất (trụ sở công ty) rất “ngon”, nên bao nhiêu năm nay, nhiều nhà đầu tư muốn nhảy vào chuyển đổi công năng thành chung cư cao cấp bán được nhiều tiền hơn. Nhưng tôi vẫn giữ vì hàng trăm con người làm việc ở đây không những mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước mà quan trọng hơn, sau lưng họ còn có gia đình.

Mình mà tham, xây xong, lượm cục tiền và biến đi, cuộc sống công nhân sẽ ra sao, thương hiệu Việt cũng đi tong. Với tôi, làm ăn được, một năm công ty có doanh thu 25 triệu USD nên chăm lo cuộc sống và chính sách công nhân tối đa.

. Xin cám ơn ông.

Tôi không ngồi suốt ngày tại công ty

. Khi mà nhiều công đoạn trong dây chuyền sản xuất đã được công nghệ gánh vác hết, vậy công việc của bản thân ông chắc cũng không vất vả như trước đây?

+ Tôi đi chơi suốt! Có khi tôi đi ba tuần đến cả tháng mà công việc vẫn tốt, chạy đều. Vì khi mọi thứ đã được công nghệ thiết lập, vận hành và giám sát, tôi chỉ kiểm tra là chính. Khi tôi đi công tác ở đầu bên kia đại dương, chỉ việc mở điện thoại hay máy tính là biết tình hình công ty và nếu thấy cần thiết tôi mới can thiệp, nhắc nhở cấp dưới chỗ này, chỗ kia.

CEO Agrex Saigon: 'Tôi đi chơi suốt, công việc vẫn tốt' ảnh 2
Sản phẩm được làm thủ công dưới bàn tay “người thợ” giúp Agrex Saigon chinh phục khách hàng khó tính. Ảnh: P.MINH

Tuy nhiên, bên cạnh việc áp dụng công nghệ phải đi kèm theo chính sách phân quyền. Một khi đã phân quyền, đồng nghĩa cấp dưới tự làm, tự chịu trách nhiệm, tôi không can thiệp sâu. Khi mình tạo điều kiện, tạo sự tự do cho anh em làm thì họ sẽ phát huy hết năng lực và sáng tạo.

Nhìn chung đến bây giờ công việc điều hành đã giảm 50% nhờ vào các yếu tố trên. Tôi không cần ngồi suốt ngày tại công ty để điều hành sự vụ.

. Có người nhận xét với tính cách của ông, nói là đi chơi nhưng thực ra là để học thêm nhiều thứ?

+ Đi chơi, đi thực tế nhiều sẽ thú vị nhưng càng đi càng thấy phải học thêm nhiều. Chẳng hạn, vừa rồi đi Mỹ, tôi đến các nông trại và nhận thấy tại sao nền nông nghiệp của họ phát triển khủng khiếp mà tất cả nhờ vào cơ giới hóa, công nghệ thông tin hết.

Làm thực phẩm nano

Ông Phạm Hải Long cho biết công ty đang hợp tác với các viện, trường trong nước nghiên cứu dòng thực phẩm nano (ứng dụng công nghệ nano trong thực phẩm). Thực phẩm nano đảm bảo các yếu tố sức khỏe như tiêu hóa nhanh, ăn số lượng rất ít nhưng vẫn tổng hợp đủ chất dinh dưỡng.

“Chúng tôi sẽ tách nano từ vỏ tôm, vì hiện nguyên liệu tôm bán rất nhiều nhưng vỏ tôm sau khi bóc giá trị rất thấp, nếu thành công sẽ tăng nhiều giá trị cho sản phẩm” - ông Long nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm