Chủ động kháng kiện chống bán phá giá

Theo luật sư (LS) Lê Minh Trường, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Luật Sunlaw, đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp (AD/CVD) không còn là vấn đề mới nhưng nếu không được quan tâm đúng mức và có giải pháp phù hợp thì hậu quả rất lớn, gây khó khăn cho DN khi thâm nhập thị trường mới và ảnh hưởng lớn đến vị trí, uy tín và hiệu quả của nền sản xuất nội địa. Vì vậy, các DN Việt Nam cần sẵn sàng tư thế chủ động kháng kiện nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Ba nguyên nhân khởi kiện

Chủ động kháng kiện chống bán phá giá ảnh 1

Việt Nam đang đối mặt với ba vụ kiện AD/CVD về sản phẩm móc áo, tuốc-bin điện gió và ống thép carbon. Ảnh minh họa: AH

. Trong khi Việt Nam đang ra sức chống lại các vụ kiện cũ thì nay lại đối diện với các vụ kiện mới về AD/CVD. Nguyên nhân nào dẫn đến việc khởi kiện AD/CVD đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng nhiều, thưa ông?

+ LS Lê Minh Trường: Có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, khi khởi kiện chống bán phá giá, các nguyên đơn có xu hướng khởi kiện luôn chống trợ cấp vì có thể tận dụng các cáo buộc liên quan đến trợ cấp từng được điều tra. Vụ con tôm là một ví dụ cụ thể, với việc thắng kiện trong vụ chống bán phá giá tôm, Mỹ tiếp tục khởi kiện chống trợ cấp.

Thứ hai, các nhà sản xuất của Mỹ cho rằng họ có thể dễ dàng thắng được nếu tiếp tục khởi kiện một vụ kiện tương tự. Trong khi đó DN Việt Nam lại quá yếu kinh nghiệm, có thể nói là “sợ” khi có vụ kiện mang tính quốc tế xảy ra đối với ngành hàng xuất khẩu của mình.

Thứ ba là có sự di chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam nhằm tránh mức thuế suất chống bán phá giá cao bị áp dụng ở nước họ. Do đó, các nhà sản xuất tại Mỹ tiếp tục kiện các hàng hóa này xuất khẩu từ Việt Nam để ngăn chặn việc gia tăng xuất khẩu mặt hàng đó vào Mỹ. Cụ thể, Việt Nam đang đối mặt với ba vụ kiện AD/CVD về sản phẩm móc áo, tuốc-bin điện gió và ống thép carbon. Trong đó có đến hai sản phẩm “khoác áo” xuất xứ Việt Nam nhưng thực chất được sản xuất tại nước bạn, chuyển sang Việt Nam gia công rồi xuất khẩu. Khi Việt Nam xuất khẩu cùng mặt hàng thì khả năng bị kiện rất cao trong khi thực chất là hàng xuất khẩu của nước khác, Việt Nam không được hưởng lợi.        

Còn một lý do nữa là các nước chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

. Tại sao các nước lại không công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường? Việc này ảnh hưởng như thế nào đến kết quả các vụ kiện AD/CVD?

+ Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tính đến năm 2012, có 28 quốc gia công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trong đó không có Mỹ và nhiều nước châu Âu. Theo các quy định hiện hành về chống bán phá giá, trợ cấp trong pháp luật Mỹ, quốc gia có nền kinh tế phi thị trường là ở đó các cơ quan quản lý nhà nước không hoạt động dựa trên các nguyên tắc thị trường về chi phí và cấu trúc giá, vì vậy hoạt động mua bán hàng hóa ở các quốc gia này không phản ánh giá trị thực của hàng hóa.

Ví dụ, trong một vụ kiện chống bán phá giá, giá thành thật sự của một sản phẩm cụ thể do một DN sản xuất ra ở Việt Nam là 10 USD nhưng Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có thể quyết định là 15 USD. Vì DOC sử dụng “phương pháp thay thế” thông qua nước xuất khẩu thứ ba có mức độ phát triển kinh tế giống Việt Nam, có sản xuất mặt hàng tương tự để tính ra giá thành. Trong khi Thái Lan, một nước mà Mỹ coi là có nền kinh tế thị trường thì được công nhận giá trị hàng hóa sản xuất, giá hàng nhập khẩu được so sánh với giá các sản phẩm tương tự trên thị trường nội địa. Những nước được Mỹ công nhận có nền kinh tế thị trường hầu như không bị kiện.

Nhiều nước đã phê phán việc sử dụng “phương pháp thay thế” bởi việc xác định rất phức tạp và hầu như không bao giờ chính xác. Hơn nữa, các nhà sản xuất sản phẩm tương tự tại nước thay thế thường là đối thủ cạnh tranh với nước xuất khẩu. Vì vậy, họ thường không muốn cung cấp những thông tin có liên quan phục vụ công tác điều tra chống bán phá giá. Hoặc họ có thể cung cấp thông tin sai lệch gây bất lợi cho những nhà xuất khẩu của nước được coi là có nền kinh tế phi thị trường.

Hỗ trợ cho doanh nghiệp

. Thực tế cho thấy đa phần chúng ta thất bại trong các vụ kiện AD/CVD. Vậy nguyên do ở đâu và cần làm gì để tránh bị “soi” rồi bị khởi kiện AD/CVD, thưa ông?

+ Hầu hết các DN Việt Nam thiếu kinh nghiệm và sự hiểu biết về pháp luật chống bán phá giá quốc tế. Trình độ quản lý của doanh nhân còn hạn chế, các cơ hội phát triển quốc tế phần lớn do định hướng, hợp tác của Nhà nước. Bên cạnh đó, chúng ta thiếu hẳn đội ngũ chuyên gia pháp lý, LS am hiểu tận tường về kinh tế quốc tế nói chung và pháp luật cạnh tranh quốc tế nói riêng. Điều này cần có chiến lược xây dựng nguồn nhân lực hợp lý nhưng dường như Nhà nước chưa có động thái nào.

Thứ nữa, chi phí vụ kiện, thuê LS quá cao làm DN chùn bước, không theo đuổi vụ kiện mà cam chịu. Sự liên kết giữa DN, hiệp hội ngành hàng và Chính phủ trong quá trình kháng kiện chưa cao. Từ các vụ kiện cho thấy Chính phủ chỉ dừng lại ở mức độ thiết lập hành lang thông tin nhằm mục đích định hướng, hiệp hội chỉ đóng vai trò phát ngôn tiếng nói chung của các DN. Hầu hết các DN khi tham gia kháng kiện phải tự thuê LS, cố vấn tài chính.

Nhằm hạn chế tối đa khả năng rơi vào các vụ kiện AD/CVD, Việt Nam phải chuyển từ thế bị động sang thế chủ động. Các cơ quan hữu quan và hiệp hội ngành hàng xuất khẩu cần hỗ trợ chi phí cho DN, lập ra đội ngũ kỹ thuật chuyên trách ứng phó với các vụ kiện. Các DN cần tiên đoán khả năng bị kiện bằng cách đánh giá mặt hàng mình sản xuất tác động thế nào đến ngành hàng sản xuất của quốc gia nhập khẩu; sớm chuyển từ cạnh tranh bằng giá cả sang cạnh tranh bằng chất lượng.

. Xin cảm ơn ông.

Nên xây hàng rào kỹ thuật về chất lượng

Các nước khác trong khối ASEAN đã lo trước về vấn đề này. Họ đã khởi kiện AD/CVD hàng xuất khẩu của các nước khác, trong đó có Việt Nam nhằm bảo vệ DN nội địa. Muốn kiện mặt hàng của nước khác gây ảnh hưởng đến hàng sản xuất trong nước phải có thông tin về mặt hàng đó ở nước họ, thông tin đó phải đủ điều kiện chứng minh có dấu hiệu AD/CVD thì mới khởi kiện được. Chúng ta không thể làm theo họ vì không có thông tin. Hiện nay Việt Nam mới chỉ tạo được hàng rào về thủ tục hành chính và không hề hiệu quả. Muốn bảo vệ người tiêu dùng và các mặt hàng sản xuất trong nước, cách tốt nhất là xây dựng hàng rào kỹ thuật về chất lượng.

LS LÊ MINH TRƯỜNG

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm