Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn nhiều vướng víu

Ngày 16-10, Hội nghị đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được tổ chức. Thủ tướng chủ trì hội nghị. Một trong những nút thắt lớn nhất khiến quá trình cổ phẩn hóa DNNN diễn ra chậm là vấn đề đất đai.

“Cô sợ làm sai, tôi cũng sợ làm sai”

Được đề nghị phát biểu, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), nói rằng: Câu chuyện cổ phần hóa của tập đoàn liên quan đến đất đai. Mỗi năm VNPT phát triển hàng ngàn trạm thu phát sóng. Cho nên đất đai của tập đoàn là không cố định, biến đổi thường xuyên.

Ông Hùng cho hay: “Khi cổ phẩn hóa theo Nghị định 126/2017, lúc làm xong phương án sử dụng đất mới có quyết định cổ phần hóa. Trong khi đó, danh mục cổ phần hóa thì đã được Thủ tướng quyết định”. Vì thế, ông Hùng đề nghị bỏ thủ tục phê duyệt quyết định cổ phần hóa vì quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa mới là quan trọng. Nếu bỏ được thủ tục này thì các DNNN không bị vướng.

“Làm phương án cổ phần mất 1-2 năm. Làm xong thuê tư vấn hết một năm nữa. Vậy thì rủi ro do giá đất và đất biến động là có thật. Nên để quá trình tư vấn và trình phương án sử dụng đất tiến hành song song” - ông Hùng đề nghị.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm rõ thêm: VNPT và các DNNN có vốn từ 1.800 tỉ đồng trở lên, khi có phương án sử dụng đất rồi thì còn phải kiểm toán mất thêm sáu tháng nữa. “Có nhảy vào làm mới biết nó vướng mắc thế nào” - Phó Thủ tướng nói.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị phát biểu xem mục tiêu cổ phần hóa năm nay có làm được không. Bà Tâm cho biết rất khó khăn. Bởi trước đây, theo các nghị định về cổ phần hóa thì tổng công ty chỉ rà soát đất đai của công ty mẹ và những công ty mà công ty mẹ nắm giữ 51% vốn. Nhưng mới đây, Bộ Tài chính ban hành văn bản quy định cả các công ty mà công ty mẹ nắm giữ dưới 51% cũng phải rà soát đất đai.

“Có nhiều loại đất còn chả thuộc dạng nào. Có những mảnh đất có nguồn gốc từ năm 1950-1970, hiện tranh chấp rất nhiều. Chúng tôi có 300 miếng đất cần rà soát, chỉ một miếng có vấn đề là ách tắc lại hết” - bà Tâm nói.

Bà Tâm mong muốn các bộ, ban, ngành, địa phương phối hợp đề rà soát lại các quy trình về đất đai trong cổ phần hóa DNNN. Bà đề nghị những mảnh đất có tranh chấp thì giao địa phương thu hồi vì địa phương có đủ công cụ.

Bà Tâm còn kể: “Có nhiều địa phương nói “cô sợ làm sai, tôi cũng sợ làm sai”. Nhiều địa phương làm nhanh nhưng nhiều địa phương do vướng víu nên cũng khó hỗ trợ doanh nghiệp được”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Mỗi tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo”. Ảnh: CL

Phải sòng phẳng

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank), đề cập đến những vướng mắc về rà soát đất đai và cho rằng: Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Agribank rất quyết tâm cổ phần hóa. Phương án sử dụng đất đã được xây dựng từ năm 2017 và hiện nay đã hoàn thành, chỉ còn TP.HCM là chưa phê duyệt phương án sử dụng đất. Mới đây, cơ quan chức năng mới có ý kiến và cũng hứa trong tháng 10 sẽ phê duyệt phương án sử dụng đất.

Ông Vượng cho hay ngân hàng này có hơn 2.000 cơ sở nhà, đất và hiện chỉ còn 194 cơ sở chưa được phê duyệt phương án xử lý. “Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm phê duyệt phương án cổ phần hóa. Còn nếu chờ thì chả biết khi nào mới xong” - ông Vượng nói.

Phát biểu và trả lời vấn đề của Agribank, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay: TP.HCM đã nhận được văn bản của Bộ Tài chính về vấn đề rà soát đất đai cho Agribank. Vấn đề rắc rối nằm ở chỗ số liệu nhiều khi không thống nhất, lúc thì 76 địa chỉ đất đai, lúc lại là 79. Nhưng hiện đã thống nhất được là 79 địa chỉ. “Có một số chỗ dính vào một số vụ phải xử lý nên cần phải xem xét kỹ hơn” - ông Liêm cho hay.

Về vấn đề của Vinafood 1, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, khẳng định Hà Nội đã sẵn sàng tất cả. Nhưng ông đề nghị phải sòng phẳng: “Những chỗ nào ngon thì doanh nghiệp giữ lại chứ có bàn giao cho TP đâu. Chúng ta nói sòng phẳng với nhau như vậy”. Ông Sửu cũng cho rằng pháp luật đã phân cấp, phân quyền, do vậy nếu Vinafood 1 bàn giao Hà Nội sẽ làm.

Ông Sửu còn nói với những địa phương như TP.HCM hay Hà Nội, cứ đụng đến đất là chỗ nào cũng đất vàng, cán bộ đi làm rất dễ bị dư luận. “Chúng tôi đề nghị khi xem xét những khu đất thế này thì có luôn cả thanh tra, kiểm toán, các bộ, ngành, doanh nghiệp đi cùng để công khai, minh bạch. Có thế thì chắc là giải quyết được việc” - ông Sửu nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói: Các địa phương nói phải căn cứ vào Nghị định 126/2017 để hướng dẫn rà soát đất đai liên quan đến cổ phần hóa. “Tôi đã có văn bản giao Bộ TN&MT hướng dẫn vấn đề này. Vậy mà mấy năm nay bộ không làm. Gần đây bộ mới báo cáo là không làm được. Những ách tắc như vậy thì ngành TN&MT có trách nhiệm gì? Thủ tướng nói các anh đừng loanh quanh. Đất đai chủ yếu vẫn là Bộ TN&MT hướng dẫn chứ ai, còn phê duyệt phương án sử dụng đất mới là Bộ Tài chính. Nhưng Bộ Tài chính có phê duyệt thì cũng phải có ý kiến của Bộ TN&MT” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Người tài ít vào công ty Nhà nước

Hiệu quả hoạt động của DNNN được cải thiện hơn, nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tái cơ cấu thành công. Nhưng hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp. Vẫn còn chuyện quyền anh, quyền tôi, chưa vì đại cục của đất nước. Người tài vẫn ít vào DNNN, quy hoạch cán bộ còn chậm. Công tác đào tạo cán bộ có năng lực còn bất cập, người tài ít vào DNNN.

Nguyên nhân có nhiều, cả chủ quan và khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trước hết là nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương, một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng.

Hiện tượng tham nhũng trong DNNN là còn, sân trước sân sau, thậm chí vườn sau là có. Chúng ta cần khắc phục cái này. Đồng chí nghèo thì nghèo rồi, đủ sống thì đủ sống rồi, đừng dính vào tham nhũng.

Cần trao quyền tự chủ cho DNNN điều hành nhưng có cơ chế kiểm soát quyền lực, không để cái gì cũng chạy đi xin. Cần rà lại hệ thống luật pháp, đề xuất hoàn thiện, tạo quyền chủ động lớn hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn cho tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, kể cả chế độ lương, thưởng gắn với kết quả kinh doanh.

Các cơ quan quản lý kể cả DNNN phải nhanh nhạy hơn, không để chậm quá lâu như thời gian qua, kể cả công tác cán bộ, đầu tư các dự án. Đừng tạo ra tầng nấc hành chính, gây khó khăn, trở ngại cho DNNN. Phải nóng ruột, hồ sơ để trên bàn 1-2 ngày là phải xong, cứ “sống chết mặc bay” thì làm sao phát triển được. Phải khắc phục các mặt yếu kém này để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Trích phát biểu của Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC
tại hội nghịđổi mới DNNN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.