Đà Lạt đang... đuổi khách!

Lối buôn bán chụp giật theo kiểu “xã hội đen” này đã làm môi trường du lịch Đà Lạt bị vẩn đục khiến nhiều du khách một đi không trở lại.

Đà Lạt đang... đuổi khách! ảnh 1
“Cò” đang chèo kéo khách ở chợ đêm Đà Lạt
Không mua thì “động chân, động tay”…Nhiều người ắt hẳn vẫn chưa quên trường hợp tài xế Đoàn Quốc Tính (63 tuổi, quê Nam Định) bị các “cò mứt” trên đường Nguyên Tử Lực (phường 8, TP Đà Lạt) đánh bầm mặt vào tối 6/5 chỉ vì chê đặc sản Đà Lạt đắt. Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì ngày 28/7, du khách Huỳnh Ngọc Thúy (26 tuổi, quê Kiên Giang) lại bị một người bán dâu tây trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (khu vực trước chợ Đà Lạt) đấm vào mặt đến ngất xỉu vì dám can ngăn việc bắt chẹt khách đi cùng đoàn. Theo tường trình của nạn nhân, thời điểm trên, một du khách có thỏa thuận mua 2 kg dâu tây với giá 70.000 đồng/kg, bỏ chung vào một hộp và tính thêm 5.000 đồng tiền hộp. Tuy nhiên, người bán lại cho dâu tây vào 2 hộp rồi buộc phải trả thêm tiền, dẫn đến đôi bên có lời qua tiếng lại. Thấy vậy, chị Thúy vào can ngăn liền bị người bán dâu “động chân, động tay”. Liên quan đến việc này, trung tá Hoàng Trung Nam - Trưởng Công an phường 1, TP Đà Lạt - cho biết ngày 30/7, lực lượng chức năng của phường đã xác định được người đánh nữ du khách là Phạm Thị Hương (34 tuổi, quê Quảng Ngãi, tạm trú tại phường 3, TP Đà Lạt). Hằng ngày, Hương đến khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai để buôn bán dâu tây Đà Lạt. Sau khi đánh chị Thúy ngất xỉu, Hương đã không còn xuất hiện tại khu vực này. “Chúng tôi đang thông qua các tiểu thương và những người buôn bán hàng rong để vận động Hương ra cơ quan chức năng trình diện” - trung tá Nam nói.
“Cò” lộng hành phố núi
Theo ông Võ Đức Trung, Giám đốc Công ty Du lịch mạo hiểm Đà Lạt, chính đội ngũ “cò” đã làm xấu đi bộ mặt của du lịch phố núi. Dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng có lẽ không đâu lại có đội ngũ “cò” đông và lộng hành như ở TP Đà Lạt. Đã có trường hợp “cò” đuổi đánh hướng dẫn viên du lịch giữa ban ngày, biến thành kẻ cướp, dùng súng bắn nhau để giành “thị phần”… Mới nhất là vụ hai “cò mứt” Trần Hoàng Thiên (23 tuổi) và Đinh Tấn Phát (25 tuổi) bị sa lưới pháp luật khi dùng dao cướp tài sản của đôi tình nhân tại bờ hồ Xuân Hương vào đêm 17/7. Tại cơ quan chức năng, Phát và Thiên khai đang làm “cò” cho lò mứt đặc sản Ngọc Ánh và Trung Thành (đường Nguyên Tử Lực, TP Đà Lạt), tiền kiếm được không đủ trả nợ, tiêu xài nên rủ nhau đi cướp. Trước đó, một hướng dẫn viên của một công ty du lịch ở TP HCM cũng bị nhiều “cò mứt” đuổi đánh khi hướng dẫn 140 du khách ở Hà Nội vào tham quan vườn hoa Đà Lạt mà không đưa vào thăm các lò mứt của nhóm này. Đó là chưa kể vụ nhóm “cò mứt” sử dụng hung khí truy sát nhau trên đường Nguyên Tử Lực khiến một đối tượng tên Lê Minh Đức (quê Vĩnh Long) chết tại chỗ vào năm 2012. Nhiều người cho rằng “việc nhẹ, lương cao” - hưởng từ 20%-30% trên chiết khấu bán hàng khi dắt khách cho các lò mứt - đã “đẻ” ra đội quân “cò mứt”. Và để lừa được khách, đội quân này không ngán ngại dùng mọi thủ đoạn khi có ai đó dám ngăn cản việc làm phi pháp của chúng. Nếu bị cơ quan chức năng “sờ gáy” thì cũng chỉ bị phạt hành chính. Những đối tượng này không hề có hợp đồng lao động nên chính quyền đành... bó tay.

 Kinh doanh… khí trời

Đà Lạt là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia (34 khu, điểm du lịch, trong đó có 18 khu, điểm được công nhận là danh thắng cấp quốc gia), mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch. Tuy nhiên, TP du lịch này đang diễn ra tình trạng đầu tư ít, khai thác nhiều. Thậm chí, dư luận còn gọi đây là cách làm du lịch theo kiểu kinh doanh… khí trời.

Chỉ có số ít khu, điểm được doanh nghiệp quan tâm đầu tư, xây dựng, tạo ra sản phẩm mới phục vụ du khách như khu du lịch làng Cù lần, Vườn Quốc gia Bidoup - núi Bà, sân golf Đạ Ròn, làng du lịch rừng Madagui, thung lũng Tình yêu… Số còn lại, khi được giao quản lý, khai thác, hầu như doanh nghiệp chỉ khai thác sản phẩm có sẵn của thiên nhiên mà không quan tâm đến việc bảo tồn, nâng cấp các di tích lịch sử và gìn giữ cảnh quan môi trường. Du lịch được chính quyền TP Đà Lạt chọn làm ngành kinh tế mũi nhọn nhưng trong nhiều năm qua, hầu hết chỉ dựa vào việc xã hội hóa, còn chính quyền địa phương thì mới chỉ tổ chức các lễ hội mà chưa có các công trình tầm cỡ để phục vụ cho ngành du lịch.

Ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho rằng đánh mất thắng cảnh là đánh mất Đà Lạt, nhưng chỉ riêng ngành du lịch thì không thể làm nổi mà cần tăng cường vai trò của các ngành, địa phương liên quan. Theo ông Hương, đây là vấn đề “lịch sử” vì lúc trước, khi kêu gọi đầu tư, địa phương chưa chú trọng đến quy hoạch ngành hàng, sản phẩm nên nay phải làm lại từ đầu.

Theo Phù Dung (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm