Đảm bảo không khan hiếm thực phẩm

Trong mấy ngày qua, mạng xã hội đã chia sẻ một số thông tin và hình ảnh hàng hóa tại siêu thị trống trơn, cháy hàng. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng. Tuy nhiên, ghi nhận của chúng tôi cho thấy không có chuyện khan hiếm hàng hóa tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ...

Hàng hóa dồi dào, sức mua tăng

Ngày 4-2, khảo sát các siêu thị ở TP.HCM như Big C, Co.opmart, hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh,… cho thấy rất đông người mua sắm. Hàng thực phẩm, rau củ quả phong phú và đầy ắp các kệ hàng chứ không có chuyện khan hiếm như thông tin đồn thổi.

Chị Thanh Hằng đang xếp đầy hai xe hàng với rau củ, đồ ăn tươi sống, sữa, mì tôm… tại Siêu thị Big C trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) cho hay: “Từ khi dịch Corona xảy ra, gia đình tôi hạn chế đến khu vực đông người. Do vậy, mỗi lần đi siêu thị tôi cố gắng mua để trữ trong một tuần hoặc hơn thế. Thêm nữa, tuần này hai con nhỏ được nghỉ học nên phải mua nhiều hơn bình thường”.

Đại diện Siêu thị Big C khu vực miền Nam thông tin trong những ngày gần đây, lượng khách hàng mua sắm rau củ quả tăng đột biến so với ngày thường. Song lượng hàng hóa luôn dồi dào nhờ vào việc cung ứng hàng hóa liên tục từ các nhà cung cấp.

Hệ thống siêu thị này cũng đang áp dụng các đợt giảm giá mạnh đối với các mặt hàng rau củ quả, hàng thực phẩm tươi sống. Đơn cử giảm giá 21% với cải thìa, giảm giá 33% với khoai lang tím, 26% với rau muống VietGAP,…

Một nhân viên Siêu thị Co.opmart tọa lạc tại quận 3 cũng cho hay từ hơn một tuần nay khách hàng mua sắm tại siêu thị tăng cao. Đặc biệt các mặt hàng như bưởi, cam, quýt… được nhiều người mua nhất. “Có người mua đến hàng chục ký cam và bưởi. Rất có thể người dân mua về để tăng sức đề kháng cho cơ thể nhằm phòng, chống dịch bệnh” - nhân viên này chia sẻ.

Quan sát cho thấy tại hệ thống Co.opmart, Bách Hóa Xanh… các mặt hàng thực phẩm rau củ, thực phẩm tươi sống luôn đầy kệ. Lý giải việc “cháy hàng” cục bộ vào ngày 3-2, đại diện hệ thống Bách Hóa Xanh nói: “Hôm 3-2, Bách Hóa Xanh mới mở cửa toàn bộ hệ thống toàn thời gian nên rất khó để dự đoán được sức mua của người tiêu dùng khiến cho lượng hàng hóa hơi thiếu hụt. Song hiện lượng hàng hóa của hệ thống này đã đi vào ổn định và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, nhất là trong mùa dịch Corona”.

Hàng hóa đầy ắp tại các siêu thị, cửa hàng. Ảnh: AH

Sẵn sàng cung ứng hàng, không lo thiếu

Trao đổi với nhiều khách hàng được biết nhiều người có xu hướng mua lương thực, thực phẩm cho cả tuần để tránh phải đi chợ, siêu thị nhiều lần chứ không phải sợ hết hàng mà đi mua gom. Tuy vậy, giá một số loại rau, thực phẩm tươi sống còn khá cao.

Khảo sát ở các chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy hiện giá rau các loại đều cao hơn so với thời điểm trước tết Nguyên đán Canh Tý. Đơn cử như tại chợ Xốm (Hà Đông), trước tết rau muống có giá 3.000 đồng/bó nay tăng lên 7.000 đồng/bó; rau cải ngồng từ hơn 10.000 đồng/kg nay tăng lên 40.000 đồng/kg; rau cải canh 4.000 đồng/bó tăng lên 10.000 đồng/bó...

Trong khi giá rau tại các chợ dân sinh đều cao hơn so với ngày thường thì tại một số siêu thị như Big C, Mega Market... giá dường như không có biến động. Về nguồn cung cũng không thấy tình trạng khan hiếm.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), do ảnh hưởng của mưa đá, mưa lớn trong những ngày tết Nguyên đán tại một số địa phương nên hiện tại lượng rau ít hơn, tuy nhiên chưa ảnh hưởng đến mức khan, thiếu. Về giá cả hiện tùy khu vực vì mỗi đơn vị sản xuất phân phối trong một khu vực nhất định, có nơi thì giá rẻ, có nơi thì giá nhỉnh hơn.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, khẳng định: Bộ Công Thương đã lên kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại thị trường trong nước. Cụ thể, bộ đã yêu cầu các hệ thống phân phối lớn như VinMart, Saigon Co.op, Big C… tăng dự trữ nguồn hàng của quý I-2020 từ 30% đến 50% so với năm 2019.

“Theo tôi, nguồn cung cấp các mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm về cơ bản đáp ứng đủ. Tuy vậy, trong một vài ngày vừa qua có hiện tượng cục bộ một vài điểm rất nhỏ lẻ mặt hàng rau củ quả tăng giá và có thiếu một chút. Nguyên nhân là do hiện tượng mưa đá xảy ra trong dịp tết đã ảnh hưởng một phần đến nguồn cung” - ông Đông nói.

Cung cấp hàng triệu khẩu trang, không tăng giá

Đại diện Saigon Co.op cho biết từ ngày 30-1, khi có thông tin dịch viêm phổi cấp Corona đến nay, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... cung cấp ra thị trường hơn 3 triệu khẩu trang đạt chuẩn các loại với giá niêm yết, không nâng giá.

Thông thường mỗi siêu thị Co.opmart, Co.opXtra tiêu thụ trung bình khoảng 5-10 hộp mỗi ngày. Nay mỗi siêu thị vừa nhập về 300-500 hộp khẩu trang, mỗi hộp 50 cái đều bán hết vèo trong vòng vài tiếng đồng hồ mặc dù đã cố gắng hạn chế chỉ bán cho mỗi khách một hộp.

Đảm bảo không khan hiếm thực phẩm ảnh 2
Một số siêu thị thiếu khẩu trang để bán cho khách. Ảnh: TÚ UYÊN

Hiện Saigon Co.op đang phối hợp các nhà sản xuất duy trì đưa ra thị trường đều đặn trung bình 200.000 khẩu trang và hơn 10.000 chai nước rửa tay mỗi ngày. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khi các đơn vị sản xuất bắt đầu tăng tốc.

Tại một số siêu thị khác như Aeon Celadon Tân Phú, Big C Pandora, Lotte Mart, khẩu trang khá khan hiếm. Đại diện các siêu thị cho hay đang triển khai các kênh để nhập hàng, góp phần tăng cường cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng và nỗ lực tối đa không tăng giá sản phẩm cho dù nhiều yếu tố tác động.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định: Đối với những mặt hàng vừa qua xảy ra tình trạng tương đối khó khăn là khẩu trang y tế, nước sát trùng, găng tay y tế. Hiện lực lượng quản lý thị trường trong cả nước ra quân đồng loạt, tăng cường kiểm tra và xử lý hiện tượng găm hàng, đầu cơ, tăng giá theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đều cam kết sẵn sàng tăng năng lực sản xuất, tăng khả năng cung ứng cho thị trường.

TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm