Đau đầu chuyện xóa sổ xăng A92

Theo Nghị định 67/2017 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10-7 tới đây, nếu doanh nghiệp (DN) không thực hiện phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống sẽ bị phạt từ 60 triệu đến 80 triệu đồng. Mục tiêu của nghị định này nhằm đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học theo lộ trình của Chính phủ.

Quy định mới này khiến các DN đầu mối, tổng đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu lo sốt vó vì thời gian văn bản trên có hiệu lực đã cận kề.

Sức tiêu thụ xăng sinh học thấp

Đại diện một số công ty xăng dầu thừa nhận hiện nay có rất nhiều đơn vị vẫn chưa có hệ thống pha trộn nhiên liệu. Cụ thể, cả nước hiện có 29 công ty đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên chỉ mới có ba đơn vị thực hiện việc phối trộn xăng sinh học E5 là PV Oil, Petrolimex và Saigon Petro.

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho hay các trạm phối trộn của đơn vị chỉ đủ khả năng đáp ứng nhu cầu bán xăng sinh học E5 trong hệ thống phân phối của tập đoàn. “Tùy theo quy mô mà chi phí đầu tư cho trạm phân phối khác nhau nhưng bình quân một trạm tốn khoảng 10 tỉ đồng” - ông Năm thông tin.

Với số vốn đầu tư lớn như vậy khiến các đại lý, công ty nhỏ không kham nổi. “Sở dĩ chúng tôi chưa thể xây dựng hệ thống phối trộn do kinh phí để đầu tư vượt quá khả năng. Đó là chưa kể để hoàn thành một trạm phối trộn phải mất thời gian khoảng 8-9 tháng để nhập khẩu thiết bị, lắp đặt… Như vậy, nếu ở thời điểm này mới xây dựng thì khó có thể hoàn thành kịp thời gian vào ngày 10-7 tới đây theo yêu cầu của Nghị định 67” - đại diện một DN lo lắng.

Trong khi đó một DN đầu mối khác cho biết đã đầu tư hai trạm phối trộn nhiên liệu xăng sinh học với công suất 60.000 lít xăng E5/giờ song đang gặp một số khó khăn. Đơn cử ngoài cơ sở vật chất thì DN phải có phòng thí nghiệm mới được cấp phép pha chế. Chi phí đầu tư cho phòng thí nghiệm lên tới 10 tỉ đồng nhưng lại không dùng hết công suất nên càng làm DN nản lòng.

Bên cạnh những khó khăn trên, một số DN còn lo ngại về tình hình tiêu thụ xăng E5 sụt giảm. Theo một báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM, số lượng cửa hàng xăng dầu có trụ bán xăng sinh học E5 trên địa bàn hiện là 240, chiếm chưa tới phân nửa tổng số điểm bán xăng dầu trên toàn TP. Sản lượng tiêu thụ bình quân của các điểm bán xăng trên chỉ đạt 8.053 m3/tháng, chiếm khoảng 6,2% tổng sản lượng tiêu thụ trên toàn địa bàn. Thậm chí một số cửa hàng xăng dầu mở cột bán xăng E5 sau một thời gian lại đóng.

Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng sinh học E5 cho hay doanh thu loại xăng này thấp so với xăng khoáng A92, A95. Ảnh: TÚ UYÊN

Nguyên nhân chính là do xăng sinh học tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều ngày, tỉ lệ hao hụt cao và chiết khấu không hấp dẫn. Đặc biệt, xăng sinh học chưa hấp dẫn người dùng, do đó việc tiêu thụ rất chật vật.

“Trong khi sức tiêu thụ xăng sinh học thấp, thậm chí giảm thì chỉ riêng chi phí chuyển đổi từ bán xăng A92 sang E5 đã tốn khoảng 30 triệu đồng/bồn chứa, chưa kể chi phí nhân viên bán hàng. Khi khai tử xăng A92 thì buộc chúng tôi phải đầu tư bồn bể để chứa xăng sinh học… Điều này càng khiến chúng tôi chật vật hơn” - đại diện một cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại quận Tân Bình nói.

Nhà máy trùm mền, lấy đâu nguyên liệu?

Vấn đề khiến các DN đau đầu nhất hiện nay là thiếu nguồn cung ethanol phục vụ cho việc phối trộn xăng sinh học. Hiện nay nhiều nhà máy sản xuất ethanol dùng cho việc phối trộn xăng E5 với chi phí đầu tư hàng ngàn tỉ đồng đang “đắp chiếu”, đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng do nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định, thua lỗ. Đơn cử như nhà máy xăng sinh học Dung Quất, Phú Thọ, Bình Phước…

“Nguyên liệu cho đầu vào không ổn định, bấp bênh thì làm sao chúng tôi có thể sản xuất đủ xăng sinh học để cung cấp thường xuyên cho thị trường khi loại xăng này thay thế toàn bộ xăng A92. Đó là chưa kể dù có sản xuất ổn định đi chăng nữa mà giá cao, người tiêu dùng không mặn mà với xăng sinh học thì liệu mặt hàng này có tồn tại được hay không” - đại diện một tổng đại lý xăng dầu đặt vấn đề.

Trước những lo lắng trên, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm khẳng định sẽ đảm bảo nguồn cung ethanol. Đồng thời tập đoàn sẽ mở rộng thêm trạm phối trộn xăng E5 tại các địa phương. Đại diện Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng cam kết sẽ cung ứng xăng khoáng để các DN đầu mối tự pha chế xăng E5. Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam thì cho rằng không nên quá lo lắng về nguồn cung ethanol. Dù nhiều nhà máy đắp chiếu nhưng vẫn còn một số nhà máy có thể sản xuất ethanol phục vụ chế biến xăng sinh học.

Tuy vậy, với thực tế hiện nay, Sở Công Thương TP.HCM cho rằng để có thể đạt được mục tiêu thay thế hoàn toàn xăng A92 bằng xăng sinh học từ đầu năm 2018 đòi hỏi nhiều việc phải làm.

Chẳng hạn Chính phủ và các bộ, ngành chức năng phải có kế hoạch đảm bảo nguồn cung ethanol phục vụ sản xuất, phối trộn xăng sinh học. Hỗ trợ một phần chi phí pha chế, sản xuất, lưu thông, bảo quản xăng E5 nhằm giảm áp lực, khó khăn của các DN.

Chỉ được bán hai loại xăng

Chính phủ vừa có quyết định từ ngày 1-1-2018 chỉ cho phép sản xuất, kinh doanh xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ chấm dứt sản xuất, kinh doanh xăng khoáng A92.

Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu đảm bảo nguồn cung xăng sinh học cho thị trường; tổ chức hệ thống phối trộn, phân phối, kinh doanh, cung ứng xăng E5 bảo đảm chất lượng.

Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì theo dõi, kiểm tra, giám sát việc điều hành giá xăng dầu đảm bảo không làm tăng giá thành xăng sinh học, tiến tới việc làm sao để xăng sinh học có giá ở mức hấp dẫn người sử dụng.

_________________________________

Lo thiếu xăng A95

Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, hiện nay nhu cầu tiêu thụ xăng A92 chiếm 60% thị trường, 30% là xăng A95, còn lại là E5. Do vậy khi bắt buộc thay thế hoàn toàn A92 bằng xăng E5 và A95 vào đầu năm tới thì nhu cầu tiêu thụ xăng sinh học tăng lên nhiều lần. Đặc biệt, có thể thiếu nguồn cung xăng A95 vì dự báo khách hàng sẽ tập trung mua loại xăng này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm