Đau đầu với “rủi ro đạo đức”

Bất chấp đạo đức nghề nghiệp

Thời gian gần đây, nhiều cán bộ ngân hàng bị truy tố do vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Họ lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng, rút tiền ngân hàng để chơi chứng khoán, buôn bán bất động sản... Những vụ việc trên khiến dư luận không khỏi hoài nghi về một ngành vốn được xem là phải giữ chữ “tín” để trường tồn.

Trước vấn nạn này, các ngân hàng đang phải đối mặt với một loại rủi ro khó quản trị nhất, đó là “rủi ro đạo đức”, bởi nó xuất phát từ con người. “Rủi ro đạo đức” có thể xảy ra ở bất kỳ lĩnh vực nào. Riêng ngân hàng là ngành có rất nhiều con người và họ thường xuyên “cầm, nắm, sờ mó” trực tiếp với tiền, tài sản giá trị nên càng dễ xuất hiện “rủi ro đạo đức” hơn.

Để trở thành một cán bộ ngân hàng thì ngoài yêu cầu chung, các ứng viên phải vượt qua nhiều vòng thi tuyển khá công phu và chuyên nghiệp của các ngân hàng. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chỉ tuyển dụng nhân sự từ các trường đại học công lập như Đại học Kinh tế, Đại học Ngân hàng... Các ngân hàng luôn yêu cầu ứng viên phải tốt nghiệp đúng chuyên ngành kinh tế, tài chính - ngân hàng và ưu tiên cho những trường hợp có học lực khá trở lên.

Tìm được việc làm trong các nhà băng quả không mấy dễ dàng. Vậy vì sao các cán bộ ngân hàng lại đánh đổi tất cả để trở thành tội phạm, hủy hoại tương lai của chính bản thân, đồng thời làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của các ngân hàng?

Phải chăng, bản thân người cán bộ không được rèn luyện, tu dưỡng đạo đức; cơ hội làm việc thường tiếp xúc với tiền bạc và tài sản; môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt... là những nguyên nhân chính dẫn đến con đường phạm tội?

Giải pháp của các ngân hàng

Thông thường, rủi ro ngân hàng được chia làm bốn nhóm: rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và rủi ro tác nghiệp. Trong đó, nhóm rủi ro tác nghiệp (hay còn gọi là rủi ro vận hành) rất khó quản trị vì chúng liên quan trực tiếp đến công nghệ và đạo đức cán bộ ngân hàng. Để hạn chế “rủi ro đạo đức”, thời gian qua các tổ chức tín dụng đã chú trọng đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp.

Liên quan đến việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp, giám đốc nhân sự một ngân hàng tại TP.HCM cho biết: Để giữ niềm tin với khách hàng, ngân hàng luôn phải đặc biệt chú trọng đến đạo đức của cán bộ, nhân viên. Đây là một trong những yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu trong khâu đào tạo, tuyển dụng. Quan điểm về tuyển dụng ngân hàng là thu hút được một đội ngũ lao động có năng lực, chuyên môn phù hợp, năng động, nhiệt tình, cầu tiến và đặc biệt là phải có đạo đức tốt.

Ông Lê Tấn Tồn, Giám đốc Nhân sự Ngân hàng SCB, cho biết: Để trở thành nhân viên chính thức của SCB, người lao động phải trải qua các giai đoạn bắt buộc theo quy trình tuyển dụng của ngân hàng và phù hợp với pháp luật về lao động như sàng lọc hồ sơ, thi tuyển và thời gian thử việc. Trong quá trình làm việc tại ngân hàng, ngoài những chương trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, người lao động còn được tham gia những lớp học để nâng cao đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng quản lý con người và đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh, kỹ năng giao tiếp... Đặc biệt, bất kỳ trường hợp vi phạm dù nhỏ tại ngân hàng cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc, công khai theo quy định của ngân hàng và pháp luật.

Chính sách chất lượng và văn hóa doanh nghiệp cũng phải được xây dựng trên nền tảng đạo đức kinh doanh của mỗi ngân hàng và đạo đức nghề nghiệp của mỗi cán bộ, nhân viên. “Rủi ro đạo đức” luôn có khả năng xảy ra trong bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, quan trọng là mỗi doanh nghiệp phải có biện pháp phòng ngừa và hạn chế tối đa rủi ro đó.

Xã hội luôn đặc biệt quan tâm đến đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp. Khái niệm “đạo đức kinh doanh” tưởng như rất xa xỉ nhưng thực tế lại rất đời thường. Doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh là doanh nghiệp không kiếm lời bằng sự lừa dối khách hàng, bằng sự hủy hoại môi trường hay bằng sự bóc lột người lao động... Sự hủy hoại môi trường rất dễ bị phát hiện bởi người dân và các cơ quan chức năng. Sự bóc lột người lao động cũng dễ bị phanh phui và phản ứng bởi công đoàn và chính người lao động.

Tuy nhiên, hành vi lừa dối khách hàng lại thường được doanh nghiệp thực hiện một cách hết sức tinh vi và được che đậy thông qua nhiều phương tiện hiện đại mà khách hàng rất khó nhận biết, hoặc dẫu có nhận biết thì cũng đã muộn vì đã lỡ mất tiền, không thể đòi lại được. Nếu chuyện lừa dối trong các hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phục vụ tiêu dùng đáng bị lên án thì hành vi lừa dối trong kinh doanh giáo dục và đào tạo càng là điều không thể chấp nhận được.

(Theo Case Studies in - Business Ethics)

 

PHI NGUYỄN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 173)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm