Đi tìm sự thật “cà phê chồn” - Bài 1: Cà phê chồn tràn ngập thành phố

LTS: Nhắc đến cà phê chồn người ta sẽ nghĩ ngay đến một đặc sản có nguồn gốc tự nhiên quý hiếm, một loại thức uống đắt nhất thế giới mà chỉ có ở một vài quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thế nhưng giờ đây đặc sản này lại đang được bày bán trở nên phổ biến với đủ chủng loại, đủ mức giá và số lượng rất lớn trên thị trường.

Khi hình ảnh con chồn thiên nhiên dần lùi vào dĩ vãng thì tại một TP văn minh, công nghiệp như TP.HCM, cà- phê-cứt-chồn muốn mua bao nhiêu
cũng có.

Với đủ mọi cách thức sản xuất, với đủ mức giá cả, sản phẩm cà phê được gắn mác cà-phê-cứt-chồn (tên gọi đầy đủ của loại cà-phê này) được bày bán tràn lan trên thị trường TP.HCM cùng những lời giới thiệu có cánh thu hút người tiêu dùng.

Cà phê chồn “phủ sóng” thành phố

Chúng tôi tìm đến chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM), nơi được bày bán sản phẩm cà phê chồn với số lượng lớn và đầy đủ chủng loại lẫn giá cả thượng vàng hạ cám. Đóng vai người hỏi mua cà phê chồn làm quà biếu sếp, chúng tôi tiếp cận một cửa hàng chuyên bán cà phê, trà, mứt ở cửa bắc chợ Bến Thành. Bà chủ đon đả giới thiệu: “Ở đây có đủ loại cà phê chồn, dạng bột, dạng hột hay còn nguyên lọn phân chồn được sấy khô, hương vị thơm ngon lắm”. Bà lấy cái muỗng chuyên dụng múc cho tôi ngửi loại cà phê chồn dạng hạt rang thơm phức. Sản phẩm được trưng trong những hộp inox ngay mặt tiền cửa hàng với giá 600.000 đồng/kg. Bà chủ cửa hàng giới thiệu rằng loại cà phê này do một doanh nghiệp (DN) cà phê có tiếng tại TP.HCM sản xuất. Cũng là cà phê chồn nhưng loại ghi xuất xứ từ Buôn Ma Thuột lại có giá cao hơn: 650.000 đồng/kg. Theo bà chủ, lý do đắt hơn là do thêm chi phí vận chuyển.

Khi chúng tôi tỏ vẻ nghi ngại: “Dạng hột vậy làm sao biết là cà phê chồn, sếp em sành cà phê lắm!”. Bà chủ liền dịu giọng: “Yên tâm đi em, chị bán ở đây hơn chục năm, hàng của DN này thì uy tín nhất rồi, cà phê chồn thật đó. Nếu em muốn mua loại cà phê còn nguyên lọn phân của chồn cũng có luôn nhưng giá loại này mắc lắm”. Nói xong bà chủ dẫn chúng tôi vào trong quán lấy hai hộp cà phê chồn có mẫu mã sang trọng do một công ty ở quận 10 sản xuất, còn một loại được sản xuất từ Buôn Ma Thuột. Loại sản phẩm này được giới thiệu còn nguyên lọn phân chồn được sấy khô, khách hàng mua về phải tự chà vỏ, rang xay rồi mới đem pha uống nhưng sẽ “đảm bảo chắc chắn mình được uống cà phê chồn” (?!). Tuy nhiên, loại cà phê chồn này được bán với giá khá cao 2,5 triệu đồng/hộp/500 g, nghĩa là mỗi kí giá tới 5 triệu đồng, có loại 8-10 triệu đồng/kg.

Cà phê chồn bày bán tại cửa bắc chợ Bến Thành. Ảnh: HTD

Cà phê đủ loại tại các sạp chợ Bến Thành. Ảnh: HTD

“Bắt chước” tiêu hóa của chồn (?!)

Chúng tôi lại ghé vào một cửa hàng khác tại chợ Bến Thành, người bán hàng ở đây đưa ra nhiều loại cà phê chồn dạng bột của nhiều công ty sản xuất. Một gói cà phê chồn nửa kí có giá 200.000 đồng được một DN tại tỉnh Lâm Đồng giới thiệu là sản xuất từ trang trại nuôi chồn cho ăn hạt cà phê moka. Một loại khác có giá rẻ hơn, chỉ 300.000 đồng/kg, khi đọc trên bao bì thì lại thấy địa chỉ DN này tại quận Bình Tân, TP.HCM. Bất ngờ là lời giới thiệu ghi trên gói sản phẩm lại cho biết cà phê chồn được sản xuất theo công nghệ lên men sinh học ủ từ những hạt cà phê chín. Khi được hỏi mua số lượng lớn vài trăm kí, người bán hàng cho biết tùy loại, đối với loại cà phê chồn được sản xuất từ các trang trại nuôi chồn thì chỉ vài chục kí phải đặt cọc tiền trước, khoảng một tháng sau mới có. Còn cà phê chồn sản xuất công nghệ lên men thì một tuần là có hàng khoảng 100 kg.

Tại thị trường TP.HCM, cà phê chồn chỉ bán tại chợ Bến Thành, một số khách sạn lớn. Tại các chợ khác đều không bán. Các tiểu thương ở đây cho chúng tôi biết lý do vì không có ai mua. Với cà phê chồn chỉ có khách du lịch nước ngoài và những người có nhu cầu làm quà biếu mới mua.

Ngoài ra cà phê chồn còn được bán tại quán cà phê của một DN chuyên về cà phê với giá khá cao tùy loại. Theo giới thiệu của DN này, loại cà phê chồn tự nhiên tức là loại được thu gom hạt cà phê chồn nguyên thủy có giá bán tới 3.000 USD/kg, mỗi năm chỉ có 40-50 kg. Loại cà phê thứ hai được DN giới thiệu là làm bằng công nghệ lên men sinh học nhưng “bắt chước” quá trình tiêu hóa của con chồn do các chuyên gia tạo ra. Giá bán loại cà phê này hơn 1 triệu đồng/225 g cà phê bột, tức là khoảng 5 triệu đồng/kg. Loại thứ ba được giới thiệu cũng là cà phê chồn có giá rẻ hơn, khoảng 800.000 đồng/kg.

Khi tìm hiểu sản phẩm của DN này, chúng tôi rất tò mò trước những thông tin ghi trên sản phẩm nghe rất kêu. Đáng chú ý, DN giới thiệu rằng các chuyên gia của họ dày công nghiên cứu, tìm tòi và bằng phương pháp “lên men sinh học” đã tái tạo thành công quy trình ấp ủ cà phê thật sự diễn ra trong cơ thể chồn hoang dã nhằm tạo ra loại cà phê có nguyên liệu đặc biệt này… Trên các sản phẩm này ghi chỉ chọn phục vụ các hội nghị quốc tế, làm quà tặng cho các vị nguyên thủ quốc gia… Tuy nhiên, du khách cũng có thể mua dễ dàng tại đây.

Ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Chánh Tinh Anh Việt Nam (TP.HCM):

Phải chăng là chồn… Kim Biên

Phần lớn sản phẩm cà phê chồn hiện nay trên thị trường đều là cà phê đội lốt chồn. Chỉ cần nhìn vào bao bì là lòi ra những sản phẩm giả ngay. Ví dụ như hình ảnh, có DN ráp hình con chồn vào nhánh cà phê trái xanh nhiều hơn trái chín là hoàn toàn tầm bậy vì con chồn chỉ ăn hạt cà phê chín mọng nhất trong vườn. Còn cà phê chồn làm bằng cách tẩm ướp hương chồn thì tôi khẳng định đó không phải là cà phê chồn, có trộn hương liệu thì giá cũng chỉ bằng cà phê thường.

Người tiêu dùng nếu không cẩn thận không chỉ mua mất tiền mà nhiều khi còn mang bệnh trong người vì các hương liệu đó đều là hóa chất tổng hợp mà những người kinh doanh cà phê mua từ chợ Kim Biên. Những chất này không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa mà còn có thể gây ung thư nếu uống vào. Cà phê chồn tự nhiên giờ hiếm như vàng vì chồn hoang dã gần như con người săn bắt gần hết. Vào mùa cà phê chắc kiếm chảy máu mắt giữa hàng trăm hecta vườn cà phê họa may mới có vài lạng cà phê cứt chồn. Thời đại này là thời đại của hương liệu và gia vị, không ai có thể đưa ra công thức hay định nghĩa chung nhất về cà phê chồn, vì vậy người mua chớ vội nhẹ dạ tin lời mật ngọt của người bán.

QUANG HUY

Kỳ sau: Về thủ phủ cà phê nghe huyền thoại chồn

Trước những câu hỏi không dễ trả lời về loại cà phê chồn huyền thoại, phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã lên đường đến “thủ phủ cà phê Tây Nguyên” là Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm