Doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn, nợ nần để lại

Doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn, nợ nần để lại ảnh 1
Kho bãi của Công ty TNHH Ado Vina tại P.Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, Bình Dương. Chủ đầu tư đã bỏ trốn, được ngân hàng thuê bảo vệ canh giữ (ảnh chụp ngày 13-8) - Ảnh: BÁ SƠN

Hiện tượng doanh nghiệp FDI làm ăn thua lỗ, phá sản, chủ đầu tư bỏ trốn về nước... xuất hiện từ nhiều năm nay, các địa phương cũng nhiều lần kêu với Bộ Kế hoạch - đầu tư. Tuy nhiên đến nay việc xử lý đối với tài sản, công nợ của những doanh nghiệp này vẫn còn lúng túng do thiếu cơ chế.

Chủ bỏ trốn, nợ để lại

Sáng 13-8, tại trụ sở Công ty TNHH Ado Vina (P.Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, Bình Dương), đập vào mắt chúng tôi là nhà xưởng hàng trăm mét vuông vẫn cửa đóng then cài.

Văn phòng làm việc, các kho hàng... đều bị niêm phong, khu vực nhà ăn có khoảng 130 bàn ăn bị bụi bẩn, nhện giăng tơ. Bên ngoài, một bảo vệ được chủ nợ là phía ngân hàng thuê để giữ tài sản.

Đây là doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc, hoạt động từ năm 2009 với vốn đầu tư khoảng 1 triệu USD, nhưng tới nay chủ doanh nghiệp này đã bỏ trốn, để lại món nợ ngân hàng hơn 8 tỉ đồng và hàng trăm triệu đồng nợ lương, bảo hiểm xã hội (BHXH)... của công nhân.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Bình Dương, trong số 936 doanh nghiệp FDI do cơ quan này quản lý (trong tổng số hơn 2.100 doanh nghiệp FDI được cấp phép đầu tư trên địa bàn), đến thời điểm này có gần 20 doanh nghiệp đã bỏ trốn, để lại nhiều khoản nợ thuế, lương, BHXH và cả nợ ngân hàng, chưa kể khoảng 30 doanh nghiệp không triển khai.

Tương tự, tại Đồng Nai hiện có 54 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 173 triệu USD đã ngưng hoạt động, trong đó có đến 29 dự án FDI vắng chủ, chưa kể 17 dự án khác đã bị xóa tên.

Một lãnh đạo ban quản lý Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết doanh nghiệp ngưng hoạt động không những để lại các khoản nợ như thuế, BHXH, lương của người lao động, mà còn nợ ngân hàng và các doanh nghiệp khác trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa.

“Một số doanh nghiệp còn nợ lương người lao động, chiếm dụng tiền BHXH của người lao động trong một thời gian dài nên khi chấm dứt hoạt động, người lao động không được thanh toán BHXH, không có thu nhập trong thời gian tìm việc khác, chưa kể làm xấu môi trường đầu tư” - vị này bức xúc.

Cuối tháng 7, hàng trăm khách hàng của dự án Tricon Tower (Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã kéo đến Công ty cổ phần đầu tư Minh Việt - chủ đầu tư dự án - để đòi tiền mua nhà đã nộp.

Tuy nhiên, việc khách hàng có đòi lại được tiền hay không vẫn chưa có câu trả lời, do những người của công ty đứng ra “chịu trận” cũng chỉ là những người làm thuê. Trong khi đó, ông Edward Chi (người Mỹ gốc Trung Quốc) - chủ tịch HĐQT của công ty này - đã âm thầm bỏ trốn cùng với hơn 400 tỉ đồng của khách hàng.

Lúng túng trong xử lý

Công nhân bị mất lương, ngân hàng và bảo hiểm “ôm” nợ

Theo Ban quản lý các khu chế xuất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay trên địa bàn tỉnh này có năm doanh nghiệp FDI ngưng hoạt động. Trong đó có doanh nghiệp phá sản đã để lại một khoản nợ lớn cho công nhân, bảo hiểm và ngân hàng. Công ty TNHH công nghiệp bảo trì dịch vụ tổng hợp ngoài khơi Amanda (gọi tắt là Amigos) là một ví dụ.

Ngoài việc nợ lương một số công nhân, theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện Amigos còn nợ của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 1,4 tỉ đồng, một ngân hàng nước ngoài hơn 1 triệu USD và một hãng bảo hiểm tài chính khác gần 90 tỉ đồng. Hiện Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tổ chức bán đấu giá các tài sản là máy móc, thiết bị và quyền sử dụng đất của công ty này để trả nợ cho các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, ông Trần Phi Hùng, trưởng phòng nghiệp vụ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết những tài sản còn lại của công ty này không đủ để trả nợ.

ĐÔNG HÀ



Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Việt Dũng, phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Dương, cho biết việc giải quyết hậu quả mà các doanh nghiệp FDI bỏ trốn để lại hiện đang gặp nhiều khó khăn, do chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn nên hiện mỗi địa phương đều tự mò mẫm thực hiện theo cách riêng.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp dệt may có tới 500-600 công nhân, khi chủ đầu tư bỏ trốn còn nợ lương công nhân 3-4 tháng, ngoài ra còn tiền BHXH, tiền vay ngân hàng... lên tới cả tỉ đồng nhưng không còn để lại tài sản gì (nhà xưởng thì đi thuê) nên rất khó giải quyết.

Theo ông Dũng, đối với các doanh nghiệp FDI bỏ trốn, các sở ngành thường gửi văn bản tới cơ quan đại diện ngoại giao của quốc gia có doanh nghiệp đầu tư đề nghị chủ đầu tư trở lại hợp tác nhưng đều không có hiệu quả.

“Trong khi đó, địa phương vẫn phải xoay tiền để trả nợ lương cho công nhân để họ đảm bảo cuộc sống, nếu không sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy xã hội” - ông Dũng nói.

Tại báo cáo tình hình doanh nghiệp FDI vắng chủ mới đây, Bộ Kế hoạch - đầu tư thừa nhận đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để hạn chế, ngăn chặn nguy cơ chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn.

Nguyên nhân là do hàng loạt khúc mắc trong việc ngăn chặn, xử lý những doanh nghiệp dạng này, mà chủ yếu do... cơ chế. Chẳng hạn, Luật đầu tư và nghị định hướng dẫn hiện vẫn chưa có quy định cho phép thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp FDI vắng chủ.

Tài sản của nhà đầu tư nước ngoài đều được bảo hộ theo các điều ước quốc tế mà VN là thành viên. Do đó, nếu cơ quan nhà nước ra quyết định thu hồi sẽ vấp phải nguy cơ bị kiện về căn cứ pháp lý.

Chưa hết, theo một quan chức Bộ Kế hoạch - đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cũng đồng thời là giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp FDI nên nếu thu hồi, doanh nghiệp không còn tư cách pháp lý để thực hiện thủ tục thanh lý dự án, giải thể! Chưa hết, muốn đưa ra tòa án cũng không xong, bởi tòa lại cần địa chỉ của bị đơn, trong khi chủ doanh nghiệp FDI thực chất là bỏ trốn thì thường không thể truy được địa chỉ.

Sẽ buộc đóng tiền đặt cọc?

Để hạn chế những hậu quả của hiện tượng doanh nghiệp FDI bỏ trốn, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã đề nghị bổ sung quy định chủ đầu tư các dự án Nhà nước giải phóng mặt bằng, các dự án sử dụng nhiều đất hoặc kinh doanh trong các lĩnh vực tác động lớn đến đời sống xã hội... sẽ phải ký quỹ, đặt cọc.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch - đầu tư đề nghị bổ sung quy định để cho phép cơ quan nhà nước, trực tiếp là UBND các tỉnh thành, được xử lý giá trị còn lại của dự án theo hình thức đấu giá. Số tiền có được sẽ được gửi vào tài sản phong tỏa để xử lý theo quy định về tài sản vắng chủ. Nhà đầu tư nếu quay lại sẽ được nhận lại giá trị này sau khi đã trừ các chi phí và nghĩa vụ tài chính.

Theo quan chức Bộ Kế hoạch - đầu tư, cũng cần chỉnh sửa lại quy định về tố tụng dân sự để cho phép tòa án được cho giải thể, phá sản doanh nghiệp theo yêu cầu của chủ nợ, người lao động nếu không liên lạc được với chủ sở hữu doanh nghiệp. Bởi nếu cứ phải đợi chủ doanh nghiệp, trong khi chủ đã bỏ trốn thì nhiều người dân sẽ phải tốn thêm chi phí đi lại, tìm hiểu để đòi lại tiền trong... ảo vọng.

Tuy nhiên, ông Lê Việt Dũng, phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Dương, cho biết một số đề xuất xử lý đối với doanh nghiệp FDI vắng chủ cần phải được xem xét, bàn thảo nhiều. Chẳng hạn đối với đề xuất có quy định doanh nghiệp FDI khi đăng ký hoạt động phải có một số vốn ký quỹ đề phòng trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, bỏ trốn..., ông Dũng cho rằng nên cân nhắc về tính khả thi vì các nước chưa có tiền lệ. Ngoài ra, cần giải thích được căn cứ vào đâu để yêu cầu doanh nghiệp FDI khi đăng ký phải có một nguồn tiền ký quỹ như vậy.

Theo C.V.KÌNH - BÀ SƠN - HÀ MI (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm