Doanh nghiệp viễn thông mắc kẹt với 3G?

Trong khi đó mới đây, Bộ Thông tin - Truyền thông lại cũng yêu cầu các doanh nghiệp (DN) cần xem xét vấn đề nhập khẩu thiết bị 3G, ủng hộ Chính phủ trong kiềm chế nhập siêu.

Cần tiền, nhưng lại bị “chôn” tiền

Trong bối cảnh hậu khủng hoảng như hiện nay, tất cả các DN, trong đó có DN viễn thông đều rất cần tiền để đầu tư cho kinh doanh, làm ăn... Thế nhưng để dự thi và trúng tuyển 3G, các DN viễn thông đã phải “chôn” cả núi tiền vào phần đặt cọc.

Ngay khi dự thi, Viettel đã bị cho rằng “trả giá đắt” khi cam kết đặt cọc số tiền lên đến 4.500 tỉ đồng. Trong khi các mạng di động đại gia khác như VinaPhone, MobiFone cũng phải đặt cọc số tiền khoảng 1.000 - 1.500 tỉ đồng.

Doanh nghiệp viễn thông mắc kẹt với 3G? ảnh 1

3G rất có thể là cái bẫy công nghệ

Theo quy định khi trúng tuyển 3G, các mạng di động phải nộp đủ số tiền đặt cọc cam kết vào ngân hàng. Phải sau 1 năm, mạng di động mới được rút 50% số tiền đặt cọc và sau 3 năm nữa mới được rút 50% số tiền còn lại.

Với việc phải "chôn" số tiền lớn gấp 3 lần so với VinaPhone và MobiFone tại ngân hàng, cho đến nay Viettel đúng là đã phải trả một cái giá đắt gấp 3 lần so với các DN cạnh tranh. Vẫn biết số tiền đó không hề mất đi, nhưng trong bối cảnh các DN đều cần đến tiền để đầu tư hạ tầng, phát triển dịch vụ 3G, với Viettel còn là đầu tư ra nước ngoài... thì việc bị “chôn” cả núi tiền thực sự cũng là... mất mát lớn.

Trong khi đó, một trong những điều kiện để rút 50% số tiền là các DN viễn thông phải chờ cơ quan chức năng đang kiểm định chất lượng. Nếu đáp ứng yêu cầu, nhà mạng sẽ được rút 50% số tiền đặt cọc.

Với VinaPhone, con số 50% tương đương với 750 tỉ. Với Viettel, con số đó lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên cho đến nay, tất cả các DN vẫn phải chờ cơ quan chức năng tiến hành đo kiểm. Sự sốt ruột của các nhà mạng là... chưa biết đến khi nào công việc này sẽ được thực hiện.

Thậm chí, các DN còn lo ngại hơn nếu như kết quả kiểm định lại là... không đạt. Khi đó, số tiền 50% kia sẽ tiếp tục bị “chôn”, khó biết khi nào mới được lấy lại.

“Mắc bẫy” (?!)

Ngay khi các DN thi tuyển 3G, các chuyên gia viễn thông và bản thân các DN đã từng nhận định: Nếu không cẩn trọng và có kế hoạch triển khai 3G hợp lý, rất có thể các DN sẽ rơi  vào “cái bẫy” công nghệ. Cụ thể là sẽ phải “chôn” quá nhiều tiền vào hệ thống hạ tầng mạng, triển khai dịch vụ...

Đến nay, dường như lo ngại trên đã bắt đầu có dấu hiệu trở thành hiện thực. Một điểm đáng lưu ý là Viettel cam kết đầu tư cho 3G tới 800 triệu USD trong 3 năm đầu tiên; sau 9 tháng khai trương 3G sẽ phủ sóng tới gần 90% dân số...

Ngay tại thời điểm đó, các chuyên gia đã tỏ ra lo ngại khi mà Viettel quá mạnh tay ném tiền vào đầu tư 3G. Việc phủ sóng tới 90% dân số là ý tưởng xa vời, vì 3G sẽ không mang lại hiệu quả kinh doanh ở những vùng nông thôn.

Chưa hết, trong khi các DN cần phải triển khai 3G theo cam kết thì ngày 19.4 vừa qua, Bộ Thông tin - Truyền thông có công văn đề nghị các DN cần có biện pháp ủng hộ Chính phủ trong việc kiểm soát nhập siêu bằng cách: Tối ưu hoá mạng lưới trên cơ sở sử dụng tài nguyên sẵn có từ mạng 2G và 2,5G. Sử dụng thiết bị sản xuất trong nước để xây dựng hệ thống 3G với mục đích giảm thiểu chi phí nhập khẩu thiết bị mới, giảm giá thành đầu tư...

Đồng thời, các DN cần xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với mạng lưới, có kế hoạch mua sắm tránh nhập khẩu thiết bị ồ ạt gây lãng phí.

Với thiết bị đầu cuối 3G, các DN cần định hướng khách hàng sử dụng các thiết bị phù hợp, tránh tạo thị hiếu mua thiết bị đắt tiền. Các DN cũng cần xem xét kỹ kế hoạch nhập khẩu, kinh doanh thiết bị đầu cuối 3G, trong đó có iPhone.

3G theo nhu cầu thị trường để tránh nhập khẩu ồ ạt, gây lãng phí.

Rõ ràng các DN viễn thông đang “mắc kẹt” và tiến thoái lưỡng nan. Các DN vừa bị “chôn” tiền đặt cọc, chưa biết khi nào mới được rút ra, vừa phải phát triển 3G gồm cả hạ tầng công nghệ, dịch vụ theo cam kết tiến độ, mức phủ sóng và chất lượng, nhưng lại vừa phải hạn chế tối đa “nhập siêu 3G”.

Theo Phạm Anh (LĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm