Gạt chiêu bài PR núp sau đạo đức kinh doanh

Ngày 23/9/2010, Bảng Xếp hạng V1000 - TOP 1.000 doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất Việt Nam đã được công bố nhằm tôn vinh các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc pháp luật về thuế tại Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Tuy nhiên, đằng sau sự tôn vinh sự chấp hành pháp luật thuế, một cách sâu sắc và toàn diện hơn, cần bàn tới các doanh nghiệp đã thực hiện đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đến đâu, và thực sự đóng góp cho đất nước ở mức độ nào.

Trong vài năm trở lại đây, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đã được đề cập trong giới truyền thông, và tại một vài  cuộc hội thảo ở Việt Nam. Nhiều người coi đó là sự tiến bộ, sự hiện đại hóa để cổ vũ cho việc áp dụng nó cho các doanh nghiệp.

Coi trọng lợi ích xã hội

Gần đây, với các vụ gây ô nhiễm môi trường, thực phẩm thiếu chất lượng... trách nhiệm xã hội doanh nghiệp càng trở nên cần thiết hơn. Hiện nay có một quan niệm khá thịnh hành là "Doanh nghiệp - Công dân" (Corporate Citizen).

Quan niệm này cho rằng xét trên các phương diện hoạt động, một doanh nghiệp không khác gì so với một công dân: Công dân và doanh nghiệp đều cùng phải hoạt động kinh tế (làm ra thu nhập) để tồn tại, phát triển và đóng góp cho nền kinh tế; cả hai đều phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước (luật dân sự, luật thuế, luật đất đai, luật lao động,...); cả hai đều phải tuân thủ những quy định (luật) bất thành văn về đạo đức.

Trong số những định nghĩa khác nhau để biểu đạt nội hàm khái niệm trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, định nghĩa của Ngân hàng Thế giới được coi là khá toàn diện.

Theo đó, "trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là khái niệm mà ở đó cách tổ chức coi trọng lợi ích của xã hội bằng cách chịu trách nhiệm về tác động của các hoạt động của mình đối với khác hàng, nhà cung cấp, người lao động, cổ đông, cộng đồng và các bên liên quan khác, cũng như môi trường.

Trách nhiệm này được coi là vượt qua cả trách nhiệm tuân thủ luật pháp và xem như các tổ chức tự nguyện tiến hành thêm các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình của họ cũng như cho cộng đồng địa phương và xã hội nói chung".

Bốn vấn đề cốt lõi được bàn tới khi nhắc đến trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là:

- Môi trường;

- Quyền con người và quy định về lao động;

- Quy phạm về vận hành công bằng và điều hành tổ chức;

- Các vấn đề về người tiêu dùng và xây dựng xã hội/liên quan đến cộng đồng.

Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp "quảng bá" vào Việt Nam thông qua hoạt động của các công ty đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Các công ty này thường xây dựng được các bộ quy tắc ứng xử (Code of Conduct) và chuẩn mực văn hoá kinh doanh có tính phổ quát để có thể áp dụng trên nhiều địa bàn thị trường khác nhau.

Do đó, các nội dung trách nhiệm xã hội doanh nghiệp được các công ty nước ngoài thực hiện có bài bản và đạt hiệu quả cao.

Có thể lấy một số ví dụ nổi bật như Chương trình "Tôi yêu Việt Nam" của công ty Honda Việt Nam; Chương trình giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ em tại các tỉnh miền núi của Công ty Unilever; Chương trình đào tạo tin học Topic64 của Microsoft, Qualcomm và HP; Chương trình hỗ trợ phẫu thuật dị tật bẩm sinh và ủng hộ nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ của VinaCapital, Samsung; Chương trình khôi phục thị lực cho trẻ em nghèo của Western Union...

Đối với khu vực doanh nghiệp trong nước, các công ty xuất khẩu có lẽ là đối tượng đầu tiên tiếp cận với trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.

Hầu hết các đơn hàng từ châu Âu - Mỹ - Nhật đều đòi hỏi các xí nghiệp may mặc, giày dép phải áp dụng chế độ lao động tốt (tiêu chuẩn SA8000) hay đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (đối với các xí nghiệp thủy sản).

Những sáng kiến trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tốt (SA 8000) cũng đã giúp Công ty may Tây Đô nâng cao đáng kể chất lượng sản phẩm nhờ vào lực lượng lao động ổn định. Tương tự như vậy, Công ty may Sài gòn WEC, được sự hỗ trợ của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và chính quyền TP.HCM đã xem SA 8000 như là một phần của chiến lược tạo ra sự khác biệt. Ngoài chứng chỉ SA 8000, sản xuất sạch cũng là một cách tham gia hữu hiệu khác của các nhà sản xuất Việt Nam.

Chiêu PR "nấp sau" đạo đức kinh doanh

Có thể nhìn nhận việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp thuộc TOP 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất như thế nào?

Số các doanh nghiệp làm từ thiện, tặng quà, tặng nhà tình nghĩa, cấp học bổng cho học sinh nghèo... hiện nay đang ngày càng tăng, đặc biệt phổ biến ở các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn cũng đang cố gắng cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng, vì người tiêu dùng.

Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhân thấy là các hoạt động thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp còn mang tính tự phát, chưa bài bản. Thường các công ty lấy khoảng 1% lợi nhuận trước thuế để dùng cho các mục đích có ích lợi; trả lại một cái gì đó cho cộng đồng là một "điều đúng phải làm".

Số các doanh nghiệp lớn thường xuyên được biết đến nhờ những đóng góp cho công đồng có thể kể đến như Viettel, Vinamilk... là rất khiêm tốn. Các doanh nghiệp trong top đầu đóng thuế thu nhập lớn nhất không phải là những doanh nghiệp tham gia tích cực nhất vào các hoạt động thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.

Đồng thời, những tư tưởng về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp không phải là tôn chỉ xuyên suốt trong các hoạt động của doanh nghiệp.

Thậm chí, trong trường hợp của Vedan, công ty này cũng đã từng tặng quà từ thiện, xây dựng nhà tình nghĩa, nhưng sẵn sàng xả chất thải làm ô nhiễm con sông Thị Vải, ảnh hưởng tới môi trường sống của hàng trăm nghìn con người Việt Nam, dù công ty một thời chắc chắn cũng đã có đóng góp lớn về thuế cho Nhà nước và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Với những trường hợp như vậy, việc làm từ thiện chỉ là một vỏ bọc marketing bên ngoài để che đậy cho những hành vi kiếm lợi nhuận bất chấp những mối nguy hại tới xã hội.

Cũng chưa kể đến, mặc dầu các doanh nghiệp FDI "quảng bá" nhiều nhất cho các hoạt động xã hội, nhưng chính tại các khu công nghiệp, người ta vẫn thường thấy người lao động không có nơi ăn ở và thường đình công vì bị bóc lột sức lao động.

Khi đó, việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp rầm rộ cũng chỉ thuần túy là một cách thức để đánh bóng tên tuổi.

Dẫu biết tại Việt Nam, các điều kiện để thực hành trách nhiệm xã hội doanh nghiệp một cách bài bản là chưa thực sự đầy đủ, nếu không nói là còn rất thiếu và yếu. Nói tới trách nhiệm xã hội doanh nghiệp thực sự là một điều gì còn xa vời và to tát.

Nhưng thiết nghĩ, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể bắt đầu từ những bước rất cơ bản xây dựng và củng cố đạo đức kinh doanh của mình từ chính ý thức trách nhiệm của mình vì xã hội.

Thay vì những chiến dịch marketing, PR tốn kém, doanh nghiệp có thể chăm lo cho chính đời sống người lao động của mình và gia đình của họ, nhằm khuyến khích họ hăng say làm việc, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Hoặc, doanh nghiệp có thể quảng bá cho việc thực hành bảo vệ môi trường từ ngay trong doanh nghiệp, biến nó trở thành "văn hóa công ty".

Điều này là hoàn toàn có thể tại các doanh nghiệp lớn và lại không hề tốn kém nhưng cũng sẽ vẫn rất hiệu quả để từng bước xây dựng danh tiếng của doanh nghiệp.

Đó cũng chính là cơ sở để doanh nghiệp tiến tới tạo ra giá trị của mình nhờ các hoạt động trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Có thể thực hiện được như vậy, đóng góp của các doanh nghiệp lớn, chấp hành luật pháp về thuế  mới thực sự có ý nghĩa sâu sắc.

Ngày 22/10/2010, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietnamNet và Tạp chí Thuế (Tổng Cục Thuế) sẽ phối hợp tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000 - TOP 1.000 doanh nghiệp nộp thuế Thu nhập Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong vòng 3 năm từ 2007-2009 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Buổi lễ sẽ có sự tham gia của Lãnh đạo Đàng, Nhà nước và lãnh đạo đại diện các tỉnh thành, lãnh đạo của 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam, cùng các chuyên gia tư vấn kinh tế trong nước và quốc tế.

Theo VNN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm