Gỡ dần nút thắt tỉ giá

Ông Nguyễn Phước Thanh - tổng giám đốc Vietcombank - lạc quan khi cho rằng có thể từ tháng 1-2010, Ngân hàng Nhà nước không còn bán can thiệp thị trường mà phải mua lại USD do thị trường dư thừa. Còn theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, các doanh nghiệp còn găm giữ USD nếu không bán sớm sẽ bị thiệt khi giá USD liên tục giảm.

Gỡ dần nút thắt tỉ giá ảnh 1

Diễn biến giá USD do ngân hàng niêm yết sau khi điều chỉnh biên độ tỉ giá  -  Minh họa: V.T.N.

Hết “hỗ trợ” găm ngoại tệ

Nút thắt đầu tiên đó là Chính phủ đã quyết định dừng cơ chế hỗ trợ lãi suất ngắn hạn 4% đúng thời hạn 31-12-2009, đồng thời không thực hiện hỗ trợ 2% lãi suất vay ngắn hạn trong ba tháng đầu năm 2010. Quyết định này là tin không vui với một số doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất nhưng lại tích cực cho thị trường ngoại hối và thị trường tiền tệ. Mặt trái của chính sách hỗ trợ lãi suất là khuyến khích doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ. Lãi suất vay VND là 10,5%/năm, được Nhà nước hỗ trợ 4%, doanh nghiệp chỉ phải trả 6,5%.

Lãi suất vay này quá rẻ nên doanh nghiệp xuất khẩu thu USD thay vì bán lấy VND để sản xuất, kinh doanh đã găm giữ lại. Cần vốn VND thì doanh nghiệp vay của ngân hàng với lãi suất chỉ 6,5%/năm. Từ đó, tín dụng VND nở nồi ở ngân hàng còn USD thì tăng dần trên tài khoản của doanh nghiệp, trong khi ngân hàng bói không ra USD.

Không còn được bù lãi suất, doanh nghiệp muốn giữ USD phải vay vốn VND với lãi suất 10,5% và tới đây là 12%/năm. Sẽ chẳng mấy doanh nghiệp có tiền (USD) nhưng lại đi vay (VND) để chịu lãi suất cao. Khi doanh nghiệp bán USD lấy VND, thị trường chẳng những có thêm nguồn cung ngoại tệ mà tốc độ tăng tín dụng cũng không còn cao như khi còn bù lãi suất. Lúc đó, doanh nghiệp trở lại tận dụng tối đa vốn tự có thay vì dùng vốn vay có lãi suất rẻ như thời gian qua.

Nút thắt thứ hai cũng đã được tháo gỡ, đó là xóa bỏ cơ chế khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu găm giữ ngoại tệ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa quyết định 09 về cho vay ngoại tệ, cho phép doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ. Đổi lại, ngân hàng sẽ có nguồn thu ngoại tệ khi nhà xuất khẩu bán ngoại tệ để trả nợ.

Một năm trước, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định 09 với mục tiêu góp phần ổn định tỉ giá nhưng lại tạo ra tình trạng găm giữ ngoại tệ. Theo quyết định 09, chỉ doanh nghiệp nhập khẩu mới được vay USD của ngân hàng để thanh toán. Trên thực tế, doanh nghiệp xuất khẩu cũng muốn vay USD vì có lãi suất thấp, sau đó bán lấy VND để mua nguyên vật liệu sản xuất. Đổi lại, doanh nghiệp phải dùng số ngoại tệ thu từ xuất khẩu trả nợ cho ngân hàng. Sau quyết định 09, không còn được vay ngoại tệ, nhà xuất khẩu đã giữ luôn số ngoại tệ thu từ xuất khẩu làm thị trường ngoại tệ thêm căng thẳng.

Đã mua được ngoại tệ theo giá niêm yết

Ngày 3-12, nhiều ngân hàng cho biết đã cung ứng ngoại tệ mạnh hơn cho doanh nghiệp. Ông Phạm Thế Tuân - phó giám đốc Vietcombank TP.HCM - cho biết ngoài ưu tiên ngoại tệ cho doanh nghiệp trả nợ, thanh toán thư tín dụng, các nhu cầu của cá nhân cho các mục đích du học, chữa bệnh, du lịch... cũng được đáp ứng theo đúng giá niêm yết.

Ngân hàng cũng đáp ứng ngoại tệ cho doanh nghiệp nhanh hơn do không còn phải chờ Ngân hàng Nhà nước duyệt bán như trước. Một ngân hàng cho biết nếu bị hụt ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán bù lại cho đủ vì thế doanh nghiệp lại có ngoại tệ để bán. Còn trước đây, hụt ngoại tệ nhưng vẫn phải chờ Ngân hàng Nhà nước duyệt đối tượng được mua ngoại tệ can thiệp.

Ở một số ngân hàng vẫn ưu tiên bán cho khách hàng quen. Ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), cho biết thứ tự ưu tiên trước hết vẫn là các ngành thiết yếu như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc chữa bệnh... Những mặt hàng nhập khẩu khác chỉ ưu tiên bán cho doanh nghiệp đã giao dịch nhiều năm với ngân hàng.

Còn nút thắt nhỏ

Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp nhập khẩu rượu, nước hoa… muốn mua ngoại tệ theo giá niêm yết nhưng các ngân hàng chưa đáp ứng vì còn ưu tiên ngoại tệ cho mặt hàng thiết yếu. Các ngân hàng cũng lúng túng khi xác định hàng thiết yếu phục vụ đời sống. Linh kiện máy tính, trà... dù không phải là mặt hàng xa xỉ nhưng trong danh mục ưu tiên lại không có.

Nhiều ngân hàng cho rằng cũng cần có cách giải quyết nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp này hoặc hạn chế nhập khẩu bằng các giải pháp kỹ thuật. Nếu không, các đơn vị này lại chạy vạy mua cho được USD, sẽ tạo tâm lý muốn bán USD giá cao.

Bên cạnh đó, vẫn tiềm ẩn những sức ép lên tỉ giá do hoạt động buôn lậu vàng khi còn tồn tại tình trạng giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới. Thị trường vàng trong nước và thế giới chưa liên thông, vì vậy tỉ giá VND/USD tại thị trường tự do khó giảm khi hoạt động buôn lậu vàng vẫn nhộn nhịp. Đến chiều 3-12, giá USD tiền mặt tại thị trường tự do vẫn ở mức cao, bán ra đến 19.420 đồng/USD.

Theo T.TU. - A.HỒNG (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.