Hạ chuẩn kinh doanh: Lo gas giả lộng hành

Dự thảo thay thế Nghị định 107/2009 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (do Bộ Công Thương soạn thảo) đã hạ chuẩn điều kiện kinh doanh đầu mối gas. Theo đó, doanh nghiệp (DN) có 100.000-150.000 vỏ bình gas (thay vì 300.000 vỏ) sẽ đủ điều kiện là thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, được cấp phép hoạt động. Trong cuộc họp gần đây với Bộ Công Thương, Hiệp hội Gas Việt Nam và Chi hội Gas miền Nam đã kiến nghị không nên giảm số lượng vỏ bình xuống thấp như vậy vì sẽ cho ra đời thêm các DN nhỏ lẻ khác, gây nguy cơ rối loạn thị trường, tạo điều kiện cho gas giả, gas lậu phát triển. Nếu người dân sử dụng trúng những loại bình này thì nguy cơ cháy nổ là rất cao.

Gas giả, lậu tràn lan

“Hiện nay tình trạng sang chiết nạp gas lậu tràn lan. Người làm nhỏ, manh mún sẽ lợi dụng vào việc bỏ các điều kiện kinh doanh để làm lậu. Hạ điều kiện kinh doanh gas xuống đồng nghĩa với việc kích thích những người không đủ điều kiện tham gia. Số lượng DN nhiều thì Nhà nước khó kiểm soát. Đây là ngành kinh doanh có điều kiện, liên quan đến an toàn cháy nổ nên đòi hỏi các công ty lớn có sự đầu tư lớn, làm ăn lâu dài. Hạn chế việc trăm hoa đua nở” - ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam, cho biết.

Các DN lo ngại tình trạng chiếm dụng vỏ bình, hoán đổi sang chiết khiến gas lậu, gas giả nhiều hơn. Trong ảnh: Cơ quan chức năng tỉnh Long An đang niêm phong, tạm giữ những bình gas sang chiết trái phép. Ảnh: TÚ UYÊN

Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), phân tích hiện thị trường gas đang bão hòa. lượng vỏ bình đang dư thừa, thị trường gas tăng trưởng không đáng kể. Vì vậy quy định trong dự thảo là hạ chuẩn điều kiện kinh doanh chưa hợp lý.

Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo ở Đà Nẵng mới đây, Hiệp hội Gas Việt Nam cũng đề nghị là không hạ chuẩn xuống như vậy, Bộ Công Thương cần xem xét ở những khu vực nào nguồn cung đang thiếu thì mới xem xét đến điều này.

Theo bà Mẫn, hiện nay toàn thị trường có khoảng 20 triệu vỏ bình gas chưa quản lý được, trong khi chi phí đầu tư cho vỏ bình gas lớn. Nếu hạ chuẩn sẽ thu hút nhiều công ty tham gia, lúc đó thị trường bị chia nhỏ lại. tình trạng chiếm dụng vỏ bình, hoán đổi sang chiết gas lậu, gas giả sẽ nhiều hơn. Thị trường càng loạn hơn.

Cùng quan điểm trên, một số DN cho rằng việc hạ chuẩn điều kiện như dự thảo nghị định chẳng khác nào hợp thức hóa cho các DN không đủ điều kiện nay được hoạt động. Hiện nay tình trạng chiếm dụng vỏ bình gas là có thực, các DN rất đau đầu. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 40%-45% gas lưu thông trên thị trường là gas giả, gas lậu.

Liên kết các công ty nhỏ

Bà Mẫn cho rằng Bộ cần hạn chế việc đầu tư trực tiếp vì thị trường đã bão hòa. Nếu cứ cho đầu tư trực tiếp thì các công ty sẽ phát triển manh mún, thị trường không phát triển ổn định được. Các công ty chưa đủ điều kiện có thể liên kết lại với nhau để cùng phát triển hoạt động. Thực tế cho thấy từ năm 2010 đến nay thị trường diễn ra một số vụ mua bán sáp nhập nhằm thu gọn lại để vận hành và phát triển tốt hơn.

Được biết phía Bộ Công Thương giải thích, đưa ra quy định hạ lượng vỏ bình là nhằm tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ tham gia cuộc chơi này. Bên cạnh đó là tạo ra sự cạnh tranh về giá cả, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, tránh cùng một mặt hàng lại có hai giá. Trước đây chúng ta nghĩ theo quy định thương nhân đầu mối phải có 300.000 vỏ bình cùng trạm chiết… nhưng hiện nay ít có DN đầu mối nào đủ lớn để chiết nạp đạt công suất 300.000 bình, vì nhu cầu không nhiều. Trung bình mỗi tháng các DN lớn chỉ cung ứng ra thị trường 50.000 bình nên tính toán việc xoay vòng thì với 150.000 bình là đáp ứng cho thị trường. Vì vậy lượng vỏ bình gas nhiều sẽ gây lãng phí. Do đó quan điểm của Bộ là muốn thị trường phát triển đồng đều trên cả nước, vùng sâu vùng xa có thể sản xuất phân phối, cạnh tranh được về giá.

Nhiều DN vừa và nhỏ khác kiến nghị Bộ Công Thương cho giảm hơn nữa lượng vỏ bình như quy định trong dự thảo.

Một số DN ở tỉnh Hà Giang cho rằng theo dự thảo, để trạm nạp được cấp phép hoạt động, DN phải có đủ các bồn tối thiểu 400 m3; có tối thiểu 100.000 vỏ bình gas… Nếu áp dụng như vậy thì hầu hết các trạm chiết nạp hiện nay có nguy cơ phá sản vì mức tiêu thụ của thị trường 300 tấn gas/tháng, dân số khoảng 77.000 người (thời điểm năm 2014), bình quân một người tiêu thụ 3,9 kg gas/tháng. Tỉnh nhỏ như Hà Giang mà đầu tư các bồn có dung tích 400 m3(chứa 180 tấn gas) là không cần thiết vì tồn trữ lớn, làm tăng chi phí cho DN, việc đầu tư trở thành gánh nặng về tài chính. Về lượng vỏ, tối thiểu 100.000 là quá nhiều khi nhu cầu thấp. Chỉ cần 60.000 vỏ là đủ. Việc Nhà nước yêu cầu 100.000 vỏ, đơn vị phải mua thêm 40.000 vỏ. Như vậy là không đúng với quy luật cung cầu của thị trường. Số vỏ này không mang ra lưu thông mà để trong kho là tăng thêm chi phí tài chính, lãi vay ngân hàng khiến giá thành tăng thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm