Hàng loạt nhà máy đóng cửa, giá ô tô giảm 350 triệu vẫn ế

Theo Bộ Công Thương, tiêu thụ ô tô đã giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2020, trong khi tồn kho tăng tới 122% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giảm hàng trăm triệu đồng vẫn ế

Từ tháng 2, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hãng xe đã dự báo được những khó khăn của thị trường nên tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm cải thiện sức mua. Tuy nhiên, doanh số bán hàng vẫn không mấy khả quan.

Anh Đức Hiếu (nhà ở quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ dù đã có ý định mua ô tô từ đầu năm nhưng trước ảnh hưởng của dịch bệnh, anh quyết định dùng số tiền trên để đầu tư đất vườn ở vùng ven. “Hai mẫu xe mà tôi tính mua là Innova và CR-V đều giảm giá hơn 100 triệu đồng so với thời điểm cuối năm 2019. Có điều thời điểm này dù có mua xe cũng chẳng đi đâu được nhiều vì cách ly xã hội nên tôi đợi đến thời điểm cuối năm hoặc đầu năm sau mới mua” - anh Hiếu nói.

Anh Nguyễn Văn Toàn (đại diện đại lý kinh doanh ô tô An Sương ở quận 12, TP.HCM) cho biết thời gian qua nhiều mẫu xe Toyota giảm giá mạnh. Đơn cử, mẫu xe Fortuner giảm mạnh tới 100 triệu đồng. Mẫu xe bán chạy nhất tại thị trường Việt Nam là Vios cũng giảm 10-20 triệu đồng tùy phiên bản. Dù giảm mạnh song doanh số bán hàng của đại lý vẫn không khả quan bao nhiêu vì lượng khách đến tìm mua xe rất ít.

“Tâm lý người dân lúc này ưu tiên sức khỏe nên họ hạn chế ra ngoài. Hơn nữa, kinh tế gặp khó khăn, thu nhập sa sút, doanh nghiệp phá sản nhiều… nên nhu cầu mua xe cộ giảm là điều dễ hiểu” - anh Toàn giải thích.

Ông Ngọc Hùng (chủ đại lý chuyên kinh doanh ô tô nhập khẩu tại TP.HCM) cũng than thở doanh số của đại lý đã giảm 70%-80% so với thời điểm cuối năm ngoái. Thậm chí có tháng chỉ có 1-2 xe được khách đặt dù giảm giá vài trăm triệu đồng, bán gần như không còn lợi nhuận. “Như mẫu xe Ford Explorer giảm đến 250-350 triệu đồng mà vẫn chưa có khách mua” - ông Hùng thở dài.

Đại diện một công ty ô tô trong nước cho biết hãng này vẫn sản xuất, lắp ráp bởi chưa bị thiếu linh kiện, phụ tùng. Có điều tình hình dịch bệnh kéo dài khiến khách hàng hạn chế mua sắm, tiết kiệm chi tiêu. Điều này dẫn đến nhu cầu giảm sút, tồn kho gia tăng.

“Chúng tôi buộc phải giảm giá xe, cắt giảm chi phí, lợi nhuận để đảm bảo sản xuất, đảm bảo công việc cho hàng ngàn công nhân viên. Tuy nhiên, tình hình vẫn khó khăn” - đại diện công ty này chia sẻ.

Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ giúp người mua xe tiết kiệm từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/chiếc. Ảnh minh họa: QUANG HUY

Đề xuất khẩn cấp cứu ngành ô tô

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều hãng xe tại Việt Nam đã quyết định tạm ngừng hoạt động nhà máy sản xuất, lắp ráp. Mới đây nhất, Nissan Việt Nam quyết định tạm dừng sản xuất, lắp ráp ô tô kể từ ngày 5-4. Hãng này cũng chuyển sang làm việc trực tuyến từ ngày 1 đến 15-4 để duy trì liên lạc công việc với khách hàng, đối tác kinh doanh và các nhà cung cấp.

Trước đó, Ford Việt Nam thông báo tạm dừng sản xuất từ ngày 26-3. Tương tự, Toyota tạm dừng hoạt động nhà máy tại Vĩnh Phúc từ ngày 30-3; TC Motor và Honda cũng tạm dừng sản xuất từ ngày 1-4... Các hãng xe cho biết thời gian sản xuất trở lại sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, nhu cầu thị trường; tình hình chuỗi cung ứng, tồn kho của các đại lý và quy định của Chính phủ về tình hình dịch bệnh.

Giá xe sẽ tiếp tục giảm trong năm nay vì ảnh hưởng dịch COVID-19 nên sức mua giảm. Nguồn cung linh kiện, phụ tùng sẽ cung ứng lại bình thường khi các nhà máy tại Trung Quốc quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là thị trường tiêu thụ, người dân ít mua xe thì nhà kinh doanh không biết bán cho ai.

Chuyên gia ô tô NGUYỄN MINH ĐỒNG 

Trước khó khăn của các hãng ô tô do dịch COVID-19, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa có báo cáo gửi Chính phủ và các cơ quan chức năng. Hiệp hội cho hay ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều công ty ô tô phải dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số lượng khách hàng tới tìm hiểu xe tại các đại lý đầu năm đã giảm sút đáng kể, kéo theo số lượng hợp đồng ký mới giảm tương ứng.

“Hiện số lượng xe đến các garage để sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng giảm khoảng 30%-40%. Dự báo về lâu dài có thể giảm mạnh tới 60%-70% nếu tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn” - VAMA thông tin.

Để giảm bớt khó khăn cho nhà kinh doanh, VAMA đề xuất Chính phủ giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT), 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô; giãn nộp thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 9-2020; giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đến kỳ quyết toán năm 31-3-2021; giãn thời gian nộp thuế tại khâu nhập khẩu trong năm 2020…

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng để hỗ trợ ngành ô tô, tăng sức mua thì chỉ còn cách là giảm giá ô tô để người tiêu dùng mua xe nhiều hơn. Ông nói: “Chính phủ cần giảm ngay thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ… như kiến nghị của VAMA. Bởi nếu các hãng xe không bán được hàng thì nguy cơ đóng cửa nhà máy dài dài. Nếu các nhà máy ô tô đồng loạt đóng cửa, sẽ có hàng trăm nghìn lao động nghỉ việc, thất nghiệp” - ông Đồng nói.

Giảm 50% lệ phí trước bạ để kích cầu ô tô

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng về đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến các ngành công nghiệp trọng điểm.  Trong đó, Bộ Công Thương đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị để hỗ trợ ngành ô tô. Đáng chú ý là đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho người mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 để kích cầu tiêu dùng.

Hiện nay, mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỉ lệ phần trăm tùy theo từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký, dao động 10%-12%. Riêng xe bán tải có mức lệ phí trước bạ bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô con.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu đề xuất này được thông qua, số tiền để mua một chiếc xe có thể giảm từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Ví dụ, một chiếc xe có giá 1 tỉ đồng thì mức lệ phí trước bạ ở TP.HCM là 100 triệu đồng, còn ở Hà Nội là 120 triệu đồng. Nếu đề xuất của Bộ Công Thương được thông qua, lệ phí trước bạ ở TP.HCM giảm xuống còn 50 triệu đồng, còn ở Hà Nội giảm xuống còn 60 triệu đồng.

Bộ Công Thương còn kiến nghị một số giải pháp khác để hỗ trợ ngành ô tô như gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT đến hết quý I-2021. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.