Hàng ngàn cán bộ đi học nước ngoài vẫn... 'dốt'

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) đã được thành lập nhưng vốn nhà nước có được sử dụng hiệu quả hay không lại không đơn giản.

Đó là lo ngại của nhiều đại biểu tại hội thảo về Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) diễn ra ngày 19-7.

820.000 tỉ + 1,5 triệu tỉ được giám sát ra sao?

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thông tin: Tháng 8-2018 tới đây, nghị định về việc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN sẽ được ban hành và ủy ban sẽ đi vào hoạt động. Hàng triệu tỉ đồng sẽ được ủy ban quản lý. Đây là nguồn lực rất lớn.

“Chúng ta ngồi trên đống tiền thì không thể nói thiếu tiền, vì vậy chỉ cần động lực để đống tiền ấy phát huy hiệu quả. Làm sao để DNNN có quyền tự chủ kinh doanh, tự do sáng tạo mà chủ sở hữu vẫn nhìn thấy được họ làm gì. Nhìn thấy thật sự chứ không phải qua báo cáo bằng giấy vài tháng một lần” - TS Cung lo ngại.

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN thuộc CIEM, cho hay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước dự kiến sẽ quản lý một nguồn lực rất lớn bao gồm 820.000 tỉ đồng vốn chủ sở hữu nhà nước và 1,5 triệu tỉ đồng là giá trị tài sản của DNNN. Nhiều ý kiến lo ngại ủy ban tuy được thành lập nhưng chưa có cơ chế hoạt động.

Hơn nữa, lâu nay hệ thống giám sát chưa hiệu quả. Lý do, theo ông Trung, những cách thức, công cụ giám sát hiện nay không đủ khả năng nắm bắt được rủi ro cho cơ quan chủ sở hữu vốn DNNN và đó là lý do làm thất thoát tài sản DNNN.

Bà Phạm Chi Lan: Tiền bạc, công sức bỏ ra học tập kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp nhà nước  rất nhiều nhưng hiệu quả lại rất tồi. Ảnh: CL

Nói thêm về vấn đề này, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nêu rõ: “Yêu cầu DNNN phải công khai, minh bạch thông tin đã được quy định tại nghị định của Chính phủ nhưng DN không làm cũng chả sao. Mấy lần Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, yêu cầu các DNNN phải công khai thông tin hoạt động nhưng họ không làm”.

Theo đại diện CIEM, trong giai đoạn 2011-2016, tỉ trọng DNNN thua lỗ không giảm. Báo cáo hợp nhất năm 2016 cho thấy 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ-con lỗ lũy kế trên 17.000 tỉ đồng. 

Chúng ta là học trò dốt?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói từ khi Luật DN năm 1999 có hiệu lực đến nay đã có hàng ngàn cuộc hội thảo, chuyến đi khảo sát trong và ngoài nước với hàng ngàn cán bộ học tập về giám sát DNNN, học tập kinh nghiệm quản lý vốn nhà nước. Tốn rất nhiều tiền của ngân sách, của DN cho hoạt động này nhưng kết quả giám sát DNNN lại rất tồi.

Bà Lan đặt câu hỏi: “Phải chăng chúng ta là một học trò dốt? Học biết bao nhiêu thầy, sách vở nhưng không hề học được thực tiễn để làm được việc. Hoặc các kiến thức được học về cũng bị áp dụng máy móc theo kiểu “thầy đọc, trò chép”, không hiểu một cách thực tế, linh hoạt nên có đưa vào luật cũng không đạt được hiệu quả cao. Thế nên đừng tiếp tục tiêu tốn tiền dân vào đó nữa”.

Tán đồng, TS Trần Đình Thiên, cựu Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: Thực tế giám sát DNNN của ta hiệu quả rất thấp. Trong hoạt động quản trị, quản lý nhà nước bị sai lệch quá mức, quá đề cao vai trò tập thể, coi nhẹ trách nhiệm cá nhân.

“Quản lý tài sản nhà nước không gắn với trách nhiệm cá nhân là không quản nổi. Tập thể chịu trách nhiệm thì rất khó vì cha chung không ai khóc” - TS Thiên nói. Ông đặt vấn đề: “Tại sao nhiều tập đoàn, tổng công ty phạm luật không công khai thông tin mà không ai chịu trách nhiệm cả?”.

Nhà nước chả cần bán quần áo, giày dép

Vấn đề quan trọng nhất là thu hẹp tối đa phạm vi hoạt động và số lượng DNNN. Nếu còn nhiều như hiện nay thì không ai giám sát được đầy đủ.

Thủ tướng nói Nhà nước không bán sữa, bán bia thì đúng rồi. Nhà nước cũng không cần bán giày dép, sản phẩm dệt may vì cái đó tư nhân làm tốt rồi.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm