Hồi hộp chờ quy định mới về gas

Đến ngày 15-5, tức chỉ còn vài ngày nữa Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí (gas) sẽ hết thời gian chuyển tiếp. Điều này có nghĩa sau thời điểm trên, các doanh nghiệp (DN) sẽ trở thành đối tượng “phi pháp” nếu không có nghị định mới. Chính vì thế các công ty kinh doanh gas đang mất ăn mất ngủ, thậm chí như “ngồi trên đống lửa” vì chưa biết khi nào nghị định mới ra đời.

Nhiều doanh nghiệp phá sản

Nghị định 19 có nhiều điều kiện bị đánh giá là vô lý và không phù hợp thực tế, trong đó có hai điều kiện rất ngặt nghèo về bồn chứa và vỏ bình. Theo đó, các DN nhỏ và vừa cần phải có bồn chứa 300 m3 và ít nhất là 50.000 vỏ bình. Các chuyên gia thuộc tổ công tác của Thủ tướng cho rằng: Đây là những điều kiện phi thị trường khiến các DN nhỏ và vừa ít nhất phải tốn tới 25 tỉ đồng cho chi phí không cần thiết. Ấy là chưa kể chi phí thuê đất, xây dựng kho bãi để chứa số vỏ bình nói trên.

Cũng chính vì hai điều kiện này khiến nhiều công ty kinh doanh gas lao đao. Ông Đàm Vũ Hải, Công ty TNHH DHV - Gas Lai Châu, than thở: “Chính vì những điều kiện ấy mà từ năm 2016 đến nay, công ty tôi không dám đầu tư, mở rộng hệ thống đại lý”.

Ông Hải thông tin thêm, từ hai năm nay, nhiều công ty kinh doanh gas đã phải bán tài sản, cơ sở kinh doanh của mình vì không đáp ứng được điều kiện kinh doanh theo Nghị định 19. Nếu cứ theo điều kiện về quy mô như trong Nghị định 19 thì sẽ có thêm hàng trăm DN kinh doanh gas tiếp tục phải đóng cửa, phá sản.

 “Nhiều DN nhỏ bị các “ông lớn” o ép giá, phải bán với 1/3 giá thành đã đầu tư. Hiện tại nhiều công ty lớn tiếp tục lên đây (Lai Châu - PV) để mua lại các công ty của chúng tôi. Bao nhiêu mồ hôi, công sức bỏ ra mà phải bán tống bán tháo đi không đành” - ông Hải nói.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Đinh Công Hưng, đại diện Công ty VNGas Đắk Lắk, thừa nhận giờ các DN nhỏ cứ như đi làm thuê chứ không phải là chủ kinh doanh. “Muốn bỏ vốn cũng không dám bởi Nghị định 19 trong hai năm qua với các điều kiện về vỏ bình, bồn chứa không thay đổi. Cơ quan chức năng vẫn bắt chúng tôi phải có hàng trăm ngàn vỏ bình gas, trong khi ở vùng Đắk Lắk này quy mô thị trường còn nhỏ nên không cần thiết bắt DN phải có số vỏ bình gas khổng lồ như vậy” - ông Hưng cho hay.

Các công ty kinh doanh gas đang chờ đợi từng ngày nghị định mới ra đời. Ảnh: MINH ANH

Mỏi mòn chờ đợi sự thay đổi

Bà Trần Thị Kim Phượng, Công ty TNHH TM DV Tiến Phát, là một chủ DN kinh doanh gas tại Quảng Ngãi. Bà Phượng tỏ ra rất ngán ngẩm khi cho biết: Ngày 15-5 sẽ hết thời hạn chuyển tiếp của Nghị định 19 nên hầu hết đại lý không dám ký hợp đồng thêm với công ty.

“Chúng tôi chưa đủ điều kiện lên thương nhân đầu mối theo nghị định cũ. Những người đang hợp tác làm ăn với mình cũng có nguy cơ rút đi. Bởi vì nếu nghị định mới không ra là trạm chiết nạp gas dừng hoạt động. Doanh thu cũng giảm, công nhân cũng giảm, thu nhập cũng giảm. Vậy mà chúng tôi chờ mãi vẫn không thấy nghị định mới ra đời. Nếu đến ngày 15-5 mà chưa có nghị định mới, Chính phủ và Bộ Công Thương nên cho DN thêm thời gian hoạt động” - bà Phượng nói.

Còn ông Đinh Công Hưng cũng nói các công ty kinh doanh gas đang chờ đợi nghị định thay thế Nghị định 19 từng ngày. “Ngày 15-5 là hết hạn, nghị định mới vẫn chưa thấy đâu. Những người kinh doanh gas đang rất sợ các cơ quan ban ngành kiểm tra theo nghị định cũ thì không hoạt động được nữa. Nếu họ đóng cửa thì chúng tôi cũng phải chịu. Bao nhiêu công nhân, tài sản của mình sẽ bằng 0. Vốn liếng đã bỏ ra rồi mà cứ phải chờ đợi từng ngày như thế này khiến chúng tôi mất ăn mất ngủ, khổ cho chúng tôi quá” - ông Hưng than thở.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương cho hay: Dự thảo nghị định kinh doanh khí thay thế cho Nghị định số 19/2016 đã được trình Chính phủ. Theo đó, tờ trình dự thảo của Bộ Công Thương đã được 26/26 phiếu thành viên Chính phủ đồng ý thông qua.

Tại dự thảo này, Bộ Công Thương nhận định các điều kiện thương nhân đầu mối phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa khí hỏa lỏng (LPG); điều kiện thương nhân phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp, sở hữu trạm cấp khí, về thiết lập hệ thống phân phối... đang là rào cản cho sự phát triển của DN.

“Do vậy dự thảo nghị định cải cách theo hướng giảm bớt các giấy tờ thủ tục hành chính liên quan đến cấp các giấy chứng nhận đủ điều kiện cho thương nhân kinh doanh khí. Ví dụ, không quy định thủ tục hành chính đối với giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ” - đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Bỏ nhiều điều kiện làm khó người kinh doanh

Tại dự thảo nghị định kinh doanh khí thay thế cho Nghị định số 19/2016 trình Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị bỏ hình thức hệ thống đại lý, tổng đại lý. Bộ Công Thương giải thích nếu giữ hệ thống phân phối như Nghị định 19/2016 thì vô hình trung cản trở DN trong quá trình hoạt động kinh doanh, tạo ra nhiều tầng nấc kinh doanh cho DN, làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh; chưa phù hợp với Luật DN.

“Việc thiết lập hệ thống phân phối hay không là do sự tự chủ của DN căn cứ vào quy mô và năng lực của mình để thiết lập đảm bảo phù hợp các quy định về thiết lập đại lý như quy định của Luật Thương mại, không nhất thiết tất cả thương nhân kinh doanh khí đều phải thiết lập hệ thống phân phối khí hỏa lỏng” - Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Tuy vậy, đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam nhìn nhận việc bỏ khâu đại lý, tổng đại lý sẽ tạo kẽ hở lớn để chai LPG không đảm bảo an toàn, trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường. “Dự thảo nghị định đã xóa bỏ hệ thống phân phối sẽ dẫn đến thị trường kinh doanh LPG sẽ xáo trộn, khó kiểm soát nguồn cung và giá cả” - Hiệp hội Gas Việt Nam nhận định.

Hy vọng có điều kiện để sống

Ông Đàm Vũ Hải, đại diện Công ty TNHH DHV - Gas Lai Châu, nói mình may mắn vì đã tiếp cận được nhiều phiên bản của dự thảo thay thế Nghị định 19. Những điều kiện về số lượng vỏ bình, quy mô bồn chứa đã được bãi bỏ.

“Dù đang nằm trên đống lửa của thời kỳ chuyển tiếp, chúng tôi vẫn thấy nghị định mới là rất tốt, phù hợp với tinh thần Chính phủ kiến tạo. Như thế thì các DN nhỏ kinh doanh gas mới có điều kiện để sống” - ông Hải cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm