Hướng dẫn viên phải có smartphone

Luật Du lịch sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Để triển khai luật này vào cuộc sống, mới đây Tổng cục Du lịch đã có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan quản lý hướng dẫn viên (HDV) du lịch. Theo đó, HDV du lịch chỉ được hành nghề khi đáp ứng được một loạt điều kiện mới, trong đó đáng chú ý nhất là nội dung: HDV phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.

Tuy nhiên, tại buổi gặp gỡ các cơ quan chức năng hôm qua (21-12), cộng đồng doanh nghiệp lẫn HDV du lịch bày tỏ nhiều vấn đề bức xúc.

Sẽ tiếp thu, chỉnh sửa

Bà Lê Anh Thơ, đại diện cho khoảng 800 HDV tiếng Anh,  đặt vấn đề: Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là Luật Du lịch mới có hiệu lực nhưng đến nay TP.HCM chưa có chi hội HDV. Vậy làm sao có nơi để các HDV tham gia?

Bà Thơ cho biết thêm một số quy định của hội viên Hội HDV rất “sốc”. Chẳng hạn mỗi hội viên phải đăng ký một số điện thoại Viettel, số này không được thay đổi trong suốt thời gian là hội viên. Bên cạnh đó, mỗi hội viên phải trang bị một điện thoại thông minh.

Anh Tín - đại diện CLB HDV du lịch với 42.000 thành viên thì nhận xét Hội HDV lập ra cực kỳ nóng vội. Những vấn đề như điều lệ, quy chế, quyền lợi của hội viên… vẫn chưa được giải quyết, chưa làm HDV tự do thỏa mãn. “Khi chúng tôi phản ánh thì nhận được phản hồi là sẽ tiếp thu sửa đổi, chỉnh sửa, bổ sung. Nhưng câu hỏi đặt ra là đến bao giờ mới ra được văn bản chính thức để cho những HDV tự do yên tâm vào hội? Hãy làm rõ những vấn đề đó thì chúng tôi sẵn sàng đóng phí, tham gia hội” - anh Tín khẳng định.

Theo quy định, tới đây hướng dẫn viên tự do phải đáp ứng nhiều điều kiện mới được hành nghề, nếu không sẽ thất nghiệp. Ảnh: TÚ UYÊN

Tương tự, anh Nguyễn Lê Thành Nhân, đại diện cho nhóm CLB HDV du lịch Việt Nam với hơn 8.000 thành viên, nói thẳng: “Ban chấp hành Hội HDV lâm thời lập gồm 41 thành viên không đại diện cho chúng tôi, những HDV du lịch tự do. Những người trong ban chấp hành có đủ tiếng nói để bảo vệ HDV tự do không? Chúng tôi mong mỏi có hội đại diện cho những người đang hành nghề”.

Đại diện cho diễn đàn du lịch doanh nghiệp vừa và nhỏ góp ý Hội HDV nên mời đại diện HDV vào ban chấp hành. Bởi hiện tại là áp đặt, lôi anh em vào rồi mới giải quyết bài toán quyền lợi. Vấn đề là làm sao để họ thật sự tự nguyện vào hội và hội phải đại diện cho quyền lợi lẫn tiếng nói của HDV thì họ mới tâm phục khẩu phục.

Rối bảo hiểm, hợp đồng lao động

Một trong những vấn đề cũng được nhiều công ty, HDV nêu ra là hợp đồng lao động và bảo hiểm. Bà Lê Anh Thơ cho hay Công văn 1615 mới đây của Tổng cục Du lịch về chuyện hợp đồng lao động (trong đó bao gồm các trách nhiệm cho người lao động như bảo hiểm y tế/xã hội và hợp đồng hướng dẫn…) gây lúng lúng cho HDV lẫn các công ty du lịch. Cụ thể công văn này đề cập đến “hợp đồng theo mùa vụ” nhưng lại không nói rõ hợp đồng theo mùa vụ là gì.

“Có một công ty than phiền hiện nay họ có 62 HDV cơ hữu, 300 HDV tự do. Nếu hiểu không đúng thì ai sẽ ký hợp đồng cho 300 HDV tự do này? Trong trường hợp hợp đồng lao động không rõ ràng thì có thể dẫn đến chuyện lách luật. Do vậy đề nghị Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị Tổng cục Du lịch cần làm rõ các nội dung về hợp đồng lao động” - bà Thơ nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Phạm Kim Ngọc, đại diện CLB HDV tiếng Pháp, Tây Ban Nha với hơn 1.100 HDV tự do, thắc mắc: Theo Luật Bảo hiểm xã hội thì hợp đồng lao động dưới một tháng không bắt buộc phải tham gia.

“Hơn nữa với HDV tự do, những tháng thấp điểm (từ tháng 6 đến tháng 9) thị trường khách Pháp gần như không có việc làm. Nếu tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp thì có được phụ cấp trong những tháng đó hay không? Nếu hội đảm bảo các quyền lợi về y tế, thất nghiệp, nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân… cho HDV tự do thì chúng tôi sẽ tham gia hội” - bà Ngọc nêu quan điểm.

Một số HDV khác nêu thực tế quy định HDV phải có hợp đồng lao động với công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành, công ty cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp… sẽ gây khó khăn cho các HDV tự do. Bởi HDV du lịch không thể vừa phải ký hợp đồng lao động lại còn phải ký hợp đồng hướng dẫn. Hơn nữa đến nay lại chưa có công ty cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch nào xuất hiện.

Tránh áp đặt

Ông Bảo Toàn, đại diện HDV Vietravel, cho rằng HDV bức xúc không phải vì phải đóng phí thường niên cao hay thấp, 500.000 đồng hay 1 triệu đồng mà họ không chấp nhận cách làm hiện nay của Hội HDV. Có nghĩa là HDV cần sự minh bạch, rõ ràng, vì vậy nên nghe ý kiến của đại diện HDV chứ không thể áp đặt.

Do áp lực của… luật

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, nhìn nhận rằng việc thành lập ban chấp hành Hội HDV lâm thời là gấp, nguyên nhân do áp lực thời hạn luật có hiệu lực từ 1-1-2018 quá gần. “Do phương pháp, cách tiếp cận chưa thông suốt nên làm anh chị em HDV sốc. Tôi hiểu được điều này” - bà Khánh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty Lữ hành TNT kiêm Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành TP.HCM, nói: “Tôi nghĩ với những quy định của Luật Du lịch mới sẽ không còn HDV tự do. Khi hành nghề HDV phải là nhân viên của một công ty, của một công ty cung cấp HDV hoặc là thành viên của một tổ chức xã hội-nghề nghiệp được pháp luật công nhận”.

Liên quan đến việc tại sao bắt HDV đăng ký sử dụng số điện thoại Viettel, ông Nguyễn Văn Tấn giải thích: Hiệp hội không có tiền nên tìm đến Viettel. Họ tài trợ viết một ứng dụng trên điện thoại thông minh để HDV tương tác với hiệp hội và ngược lại hiệp hội kiểm soát được HDV. Do vậy mới có việc yêu cầu HDV đăng ký sử dụng số điện thoại Viettel.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, đồng tình với những bức xúc của đại diện các HDV và cho biết sẽ tổng hợp báo cáo cho Tổng cục Du lịch về những góp ý này, từ đó có hướng xử lý phù hợp.

Gần 20.000 hướng dẫn viên tự do

Đại diện Tổng cục Du lịch cho rằng việc bổ sung một số nội dung mới nhằm tạo điều kiện cho HDV hành nghề cũng như bảo vệ quyền lợi của HDV và các đối tượng liên quan.

Trong khi đó Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì cho rằng hiện nay có khoảng 19.000 HDV du lịch trên cả nước hành nghề tự do, không có tổ chức nào quản lý. Điều này đã gây nên nhiều hệ lụy, lộn xộn nên cần được quản lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm