Khách bỏ trốn, công ty du lịch bị coi là ‘tội đồ’

Các công ty du lịch tại TP.HCM vừa có buổi nghe phổ biến Nghị định 45/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, có hiệu lực từ 1-8. Trong đó, nghị định quy định phạt 80 đến 90 triệu đồng cộng rút giấy phép kinh doanh… đối với công ty lữ hành để du khách trốn lại nước ngoài. Điều này khiến hàng loạt  doanh nghiệp (DN) phản ứng vì cho rằng bị xử phạt kiểu áp đặt.

Một cổ hai tròng

Theo bà Hà Mỹ Yến, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Thiên Nhiên, sau sự cố hàng loạt khách Việt Nam bỏ trốn khi du lịch, Đài Loan ngày càng quản lý́ chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, Cục Du lịch Đài Loan quy định nếu công ty nào để khách lại Đài Loan quá ngày đăng ký, có số lượng khách bỏ trốn quá hai người trong một quý sẽ bị rút khỏi danh sách được phép xin visa diện ưu đãi.

Tương tự, hồi đầu tháng 7, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam hủy bỏ tư cách đại diện xin cấp visa của bảy công ty du lịch khỏi danh sách của đại sứ quán và đình chỉ tư cách đại diện xin cấp visa một công ty du lịch có thời hạn.

Mới đây, cuối tháng 7, một công ty tại TP.HCM nhận được thông báo cấm nộp hồ sơ xin visa từ Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM trong hai tháng. Nguyên nhân do một số khách ở lại nước sở tại sau khi kết thúc tour của công ty…

Theo bà Yến, các đơn vị lữ hành không thể phân biệt được khách đi du lịch thật hay khách có mục đích bỏ trốn. Bởi khách làm giấy tờ giả rất tinh vi, ngay cả lãnh sự quán có khi còn bị qua mặt. Ngoài ra, có trường hợp khách trà trộn du lịch để trốn như việc khách lẻ đến đăng ký tham gia tour, trình hồ sơ, visa do lãnh sự quán cấp…

Hơn nữa hiện nay ngoại trừ Hàn Quốc và Nhật Bản trao quyền cấp visa du lịch cho DN, việc xét duyệt và quyết định cấp visa thuộc về các cơ quan lãnh sự của từng quốc gia. “Nếu cơ quan lãnh sự của quốc gia đến đã đồng ý cấp visa cho du khách thì công ty du lịch có cơ sở gì để nhận biết khách có thể trốn lại để từ chối bán tour?” - ông Trần Việt Hải, lãnh đạo một công ty du lịch, đặt vấn đề.

Một số nội dung tại Nghị định 45/2019 vừa có hiệu lực đang gây ra nhiều bối rối, hoang mang cho các công ty du lịch. Ảnh: TU

Một số DN khác cũng cho rằng đừng coi các công ty du lịch là “tội đồ” khi có du khách bỏ trốn. “Du khách trốn ở lại, công ty không giải trình được sẽ bị phạt 90 triệu đồng, thậm chí bị cơ quan quản lý Việt Nam rút giấy phép. Vừa bị ràng buộc bởi quy định của các lãnh sự quán, vừa bị cơ quan quản lý xử phạt trong thực tế chưa rõ ràng nên nhiều đơn vị lữ hành cho biết họ thấy chưa công bằng, như kiểu “một cổ hai tròng” vậy”, đại diện một công ty du lịch bức xúc.

Đại diện một công ty lữ hành cũng đặt vấn đề, nhiệm vụ của hướng dẫn viên là quán xuyến chỗ ăn, chỗ ở; điểm tham quan, phương tiện vận chuyển, thuyết minh rã rời cả ngày... Đến tối dẫn khách đi chơi, mua sắm, giải quyết vô số trục trặc có thể xảy ra. Vậy liệu hướng dẫn viên cần bao nhiêu đôi tai và bao nhiêu con mắt để quản lý toàn bộ du khách trong một đoàn mấy chục người? Việc bắt các công ty du lịch, hướng dẫn viên làm “cảnh sát” là không thực tế.

Có thể giết chết doanh nghiệp chân chính

Lãnh đạo một công ty du lịch nêu quan điểm: Công ty du lịch nào tạo dựng hồ sơ giả, tham gia các đường dây buôn người, vượt biên... phải bị trừng trị thích đáng. Nhưng hành vi này khác với việc công ty du lịch nộp giúp hồ sơ xin visa cho một người nhưng sau đó họ bỏ trốn. Do vậy, nếu không có hướng dẫn phù hợp thực tế, Nghị định 45 có thể giết chết DN chân chính, kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch. 

Để tránh oan cho doanh nghiệp chân chính

Theo ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, cơ quan quản lý Việt Nam cần làm rõ quy định “để khách bỏ trốn” chứ không nên gom tất cả trường hợp bỏ trốn để phạt các công ty du lịch. Ví dụ, trong chương trình tour thì buổi tối là thời gian khách tự do nghỉ ngơi, đơn vị lữ hành không thể kè kè sát bên để kiểm soát khách được. Do vậy, nếu khách bỏ trốn thời gian này thì cần phải xem xét cho công ty du lịch.

“Nghị định này ra đời “dập” các DN chân chính khi chỉ biết phạt mà không đi sâu vào tìm hiểu, điều tra nguyên nhân. Chúng tôi mong cơ quan nhà nước xử phạt thì phải đúng người, đúng tội nhằm thanh lọc thị trường, tạo môi trường du lịch phát triển, cạnh tranh công bằng” - ông Thành nói.

Còn ông Trần Việt Hải thì cho rằng để tránh bị oan cho các DN làm tốt, cơ quan lãnh sự cần nắm chắc số lượng người Việt bỏ trốn để có chế tài thích hợp. Hiện nay Hàn Quốc và Nhật Bản cho phép một số công ty du lịch được thu phí sơ tuyển hồ sơ, đại diện cho khách nộp visa, nghĩa là DN phải tư vấn, gạn lọc hồ sơ. Nhưng họ cũng áp dụng biện pháp chấm điểm và án phạt.

Cụ thể, lãnh sự quán sẽ cấm quyền ưu tiên nộp hồ sơ visa từ một tuần đến vài tháng hay vĩnh viễn đối với những công ty du lịch có khách ở lại bất hợp pháp. Mặt khác, hiện nay các nước đều xử phạt ở mức độ khác nhau, kể cả tù giam, đối với các vụ phát hiện khách du lịch trốn ở lại.

“Khách bỏ trốn đã bị án phạt, sao lại tiếp tục phạt các công ty du lịch? Hay xử phạt công ty du lịch chỉ vì họ “có tóc” dễ nắm, còn khách thì “trọc đầu? Vì sao dùng luật Việt Nam để xử lý một hành vi vi phạm luật quốc gia khác?” - ông Hải bức xúc.

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Thiên Nhiên Hà Mỹ Yến đề nghị cơ quan chức năng cần phải điều tra cẩn thận trước khi đưa ra quyết định xử phạt công ty lữ hành. Cụ thể xem xét việc bỏ trốn là do câu kết giữa du khách với công ty hay công ty tổ chức tour đúng quy định nhưng du khách tự bỏ trốn.

Đừng quá cứng nhắc

Ông Trần Văn Long, Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho biết Nghị định 45/2019 quy định mức xử phạt đối với các công ty du lịch để thanh lọc thị trường, loại bỏ những công ty làm ăn không chân chính. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố có khách lợi dụng đi du lịch nước ngoài để trốn ở lại, cơ quan chức năng cứ đè DN phạt theo Nghị định 45 là quá cứng nhắc.

“Tôi cho rằng cần có hướng dẫn linh hoạt, phù hợp thực tế. Cơ quan chức năng khi tiếp nhận vụ việc cần điều tra rõ ràng, căn cứ mức độ vi phạm để có chế tài phù hợp” - ông Long nêu quan điểm.

Sẽ cân nhắc xử phạt hoặc không

Theo đại diện Thanh tra Bộ VH-TT&DL, khi có sự cố khách trốn ở lại nước ngoài, ngay tại thời điểm đó công ty du lịch cần báo với cơ quan chức năng sở tại như cảnh sát, Lãnh sự quán hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại quốc gia đó. Khi về Việt Nam, công ty du lịch cũng cần chủ động báo cáo với cơ quan công an địa phương, sở du lịch địa phương… Tùy từng trường hợp mà cơ quan chức năng sẽ cân nhắc xử phạt hay không xử phạt. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm