Khi dân và doanh nghiệp nhờ cơ chế trọng tài

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) Trần Hữu Huỳnh vừa cho hay nhiều người dân đã bắt đầu tìm đến các trung tâm trọng tài để giải quyết tranh chấp.

Các vụ việc tranh chấp khá đa dạng, bao gồm mua bán hàng hóa, xây dựng, sở hữu trí tuệ, lao động, phân phối, đại lý và trung gian, bảo hiểm thương mại, đầu tư nước ngoài, tranh chấp hàng hải, tín dụng và thanh toán quốc tế...

Pháp Luật TP.HCM giới thiệu một số vụ tranh chấp tiêu biểu đã được VIAC phán quyết.

Bên yếu thế được  bồi thường

Công ty V và Công ty Bảo hiểm B ký hợp đồng bảo hiểm liên quan đến hàng hóa được lưu giữ trong kho. Một cơn giông xảy ra, nước mưa tràn vào và số hàng lưu giữ trong kho bị hỏng. Công ty V yêu cầu Công ty B bồi thường cho số hàng này nhưng bị từ chối. Thương lượng một thời gian, hai bên không đi đến thỏa thuận và vụ việc được đưa đến VIAC.

Khi xem xét hợp đồng bảo hiểm giữa hai bên, Hội đồng trọng tài thuộc VIAC nhận thấy rằng khi soạn hợp đồng bảo hiểm, Công ty B đã sử dụng ngôn ngữ thiếu chuẩn xác làm cho một số điều khoản không rõ ràng dẫn tới việc các bên có những cách hiểu khác nhau về việc bảo hiểm hàng hóa.

Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm, Hội đồng trọng tài đã giải thích điều khoản có nội dung không rõ ràng và phải được hiểu theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm. Cụ thể, khi xảy ra hiện tượng giông kèm theo mưa, nước mưa tràn vào nhà kho qua bất kỳ lỗ hổng nào của cấu trúc nhà kho (có thể là lỗ hổng có sẵn, lỗ cống, khe cửa...), hoặc lỗ hổng tạo ra bởi tác động của giông khi giông làm đổ tường, tốc mái, bung cửa... gây thiệt hại cho hàng hóa được bảo hiểm trong kho thì đều thuộc phạm vi bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm.

Cuối cùng, Hội đồng trọng tài ra phán quyết buộc Công ty B phải bồi thường cho Công ty V theo hướng bảo vệ bên yếu thế trong hợp đồng bảo hiểm.

Hội đồng trọng tài cho rằng việc tài xế bị tạm giữ giấy phép lái xe khi xảy ra tai nạn không thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm.Trong ảnh: Một vụ TNGT. ảnh minh họa: HTD

Người mua bảo hiểm thắng

Trong một vụ tranh chấp bảo hiểm khác của Công ty T và Công ty Bảo hiểm N do VIAC giải quyết, sau khi ký hợp đồng bảo hiểm, các bên có sửa đổi bổ sung hợp đồng. Sau khi xảy ra thiệt hại, Công ty T yêu cầu Công ty N bồi thường nhưng không được chấp nhận vì cho rằng trong trường hợp này bên bán không phải bồi thường cho bên mua... Để giải quyết bất đồng giữa các bên, cơ quan tài phán phải giải thích hợp đồng.

Hội đồng trọng tài thuộc VIAC cho rằng các bên hiểu không thống nhất và dựa vào nguyên tắc nghĩa vụ giải thích các điều khoản hợp đồng thuộc về bên bán bảo hiểm và bị đơn phải chịu bất lợi trong việc giải thích hợp đồng theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Đồng thời, Hội đồng trọng tài sau khi xem xét đã xác định Công ty Bảo hiểm N không đưa ra được bằng chứng cho thấy đã giải thích hợp đồng cho Công ty T; Công ty Bảo hiểm N cũng không thực hiện đúng nghĩa vụ giải thích theo quy định.

“Là bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm, đồng thời là bên soạn thảo hợp đồng... nên trong vụ tranh chấp này, Công ty Bảo hiểm N là bên mạnh thế và đưa vào hợp đồng những nội dung bất lợi cho bên sử dụng dịch vụ. Vì vậy, Công ty Bảo hiểm N phải chịu bất lợi trong việc giải thích hợp đồng” - Hội đồng trọng tài nêu rõ.

Cuối cùng, cơ quan trên buộc bên bán bảo hiểm phải bồi thường cho bên mua bảo hiểm.

Bị tạm giữ giấy phép lái xe vẫn được bồi thường

Ngày 12-10-2011, ông Q., tài xế của ông H., bị CSGT phạt vi phạm hành chính vì để người ngồi trên buồng lái quá số lượng quy định. Ông Q. bị CSGT tại một huyện thuộc tỉnh Ninh Thuận phạt tiền và tạm giữ giấy phép lái xe. Trước đó, ông H. đã ký hợp đồng bảo hiểm với Công ty Bảo hiểm B mua bảo hiểm cho chiếc xe nói trên.

Hai ngày sau, chiếc xe trên gây tai nạn. Ông H. sau đó yêu cầu Công ty B thực hiện bảo hiểm nhưng không được chấp nhận. Công ty B từ chối bảo hiểm với lý do trong hợp đồng có quy định một trong những điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là tại thời điểm xảy ra tai nạn, lái xe không có giấy phép lái xe hợp lệ. Cụ thể: Việc lái xe bị tạm giữ giấy phép lái xe được coi là không có giấy phép lái xe hợp lệ và do đó thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm theo quy định tại quy tắc bảo hiểm. ông H. không đồng ý.

Tranh cãi, kiến nghị, yêu cầu một thời gian dài không được, ông H. khởi kiện vụ việc ra VIAC. Hội đồng trọng tài của VIAC sau khi nghe các bên trình bày đã nhận thấy các bên hiểu không thống nhất về khái niệm lái xe không có giấy phép lái xe hợp lệ và cần phải giải thích theo hướng: Việc lái xe bị tạm giữ giấy phép lái xe khi xảy ra tai nạn không thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm. Do đó, bị đơn có nghĩa vụ bồi thường cho nguyên đơn những tổn thất, thiệt hại xảy ra đối với tài sản được bảo hiểm.

Những lý do Hội đồng trọng tài đưa ra là quy tắc bảo hiểm không liệt kê rõ những trường hợp nào được xem là không có giấy phép lái xe hợp lệ. Tính đến thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm chưa có bất kỳ quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền xác định giấy phép lái xe của người điều khiển xe vi phạm quy định... Do đó không có cơ sở để khẳng định giấy phép lái xe của tài xế là không hợp lệ.

“Thêm nữa, việc không mang theo giấy phép lái xe không có nghĩa là người lái xe không có giấy phép lái xe và việc bị tạm giữ giấy phép lái xe không đồng nghĩa với việc bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. Trưng cầu ý kiến đánh giá của công an, phía công an cũng cho rằng dù bị tạm giữ giấy phép lái xe, ông Q. (lái xe cho ông H.) vẫn được quyền điều khiển phương tiện” - Hội đồng trọng tài khẳng định.

Từ những căn cứ này, Hội đồng trọng tài VIAC đã phán quyết Công ty Bảo hiểm B phải tiến hành thực hiện bảo hiểm cho xe của ông H.

Một trọng tài của VIAC lưu ý: “Để tránh tranh chấp do các thuật ngữ gây ra thì các bên phải định nghĩa luôn nội hàm của thuật ngữ này trong hợp đồng. Đây là điểm mà các doanh nghiệp nên biết để có những ứng xử phù hợp với lợi ích của mình khi tham gia vào việc xác lập giao dịch”.

Đã thụ lý gần 900 vụ việc

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, từ năm 2011 đến tháng 6-2015, các trung tâm trọng tài đã thụ lý 897 vụ việc, ban hành 586 phán quyết. Sau bốn năm triển khai thi hành Luật Trọng tài thương mại, số vụ việc thụ lý và giải quyết tại VIAC tăng hơn 30%. Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng nhiều của người dân, doanh nghiệp đến phương thức giải quyết bằng trọng tài.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cũng cho hay đến nay cơ quan thi hành án dân sự đã thụ lý 325 đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài với số tiền phải thi hành gần 7 triệu USD và 592 tỉ đồng. Số lượng phán quyết trọng tài thi hành xong là 180, với hơn 3,6 triệu USD và 300 tỉ đồng.

Chọn người công tâm nhất

“Các bên tranh chấp chỉ cần xét xử minh bạch là họ hài lòng. Thắng-thua lại là câu chuyện khác, tùy thuộc vào bản chất của tranh chấp. Bởi khi chọn cơ chế trọng tài, các bên đã thỏa thuận với nhau là sẽ chọn những người tốt nhất, giỏi nhất và công tâm nhất để xét xử”.

Ông TRẦN HỮU HUỲNH,
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm