Không sợ bộ trưởng, chỉ sợ cán bộ thuế!

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung phát biểu như trên tại hội thảo công bố kết quả Chương trình phối hợp giám sát thuế-hải quan vừa diễn ra ngày 12-12 tại Hà Nội.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Cung, là do hiện nay có đến hơn 300 văn bản kiểm tra chuyên ngành. Chính điều này đã gây ra tình trạng “8 không” của các quy định pháp luật Việt Nam: Không cụ thể, không rõ ràng, không nhất quán, không minh bạch, không hợp lý, không tiên lượng được, không hiệu quả và không hiệu lực.

Có lẽ “8 không” của các quy định pháp luật nói trên cũng làm cho DN có tâm lý không tốt khi “giao tiếp” với các cơ quan thuế, hải quan.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nêu thực trạng thanh-kiểm tra thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế là ba nhóm thủ tục được các hiệp hội DN cho biết còn nhiều phiền hà. Gần 70% DN nói phiền hà họ gặp phải là thời gian giải quyết thủ tục quá dài hoặc bị yêu cầu cung cấp thêm thông tin không cần thiết.


Làm thủ tục thuế tại Chi cục thuế TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

“Tình trạng DN phải chi trả chi phí không chính thức trong lĩnh vực thuế vẫn là quan ngại của nhiều hiệp hội và liên minh hợp tác xã. Tâm lý e ngại nếu không chi, DN sẽ bị phân biệt đối xử như kéo dài thời gian, yêu cầu bổ sung giấy tờ… vẫn phổ biến” - ông Tuấn cho hay.

Lĩnh vực hải quan cũng tương tự khi việc giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm hành chính và thủ tục thông quan vẫn gặp quá nhiều phiền hà. Điều này dẫn đến việc DN phải trả “chi phí ngầm” nếu muốn thuận lợi hơn.

Một cách tế nhị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc bình luận rằng nếu mới chỉ có 20% đơn vị trả lời khảo sát nói cán bộ thuế, hải quan tận tình, chu đáo thì vẫn còn tới 80% cán bộ mới chỉ hoàn thành công việc và thậm chí là gây khó dễ cho DN. “80% này là dư địa để ngành thuế, hải quan cải cách” - ông Lộc nói.

Trong khi đó, dù vui mừng với tỉ lệ 80% DN đánh giá ngành thuế, hải quan có tiến bộ nhưng Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân vẫn cho rằng cần phải mở rộng phạm vi cũng như các chủ thể giám sát thủ tục hành chính của ngành thuế và hải quan.

“Cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm đánh giá đúng sự hài lòng của DN. Cần phải cắt giảm, sửa đổi, bổ sung, thay thế các thủ tục thuế, hải quan không cần thiết. Qua đó giảm thời gian và chi phí cho DN trong việc kê khai nộp thuế, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu” - ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Có thể tiết kiệm 1 tỉ USD

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung dẫn lời một chuyên gia về Mỹ của CIEM nhìn nhận: Với một nền kinh tế mở như Việt Nam, chỉ số cải cách trong lĩnh vực thuế và hải quan tác động tới hơn 333 tỉ USD. Nếu giảm được một ngày làm thủ tục thuế, hải quan thì hằng năm có thể tiết kiệm được khoảng 1 tỉ USD!

“Nếu chúng ta thực hiện công tác này thuận lợi hơn thì xuất khẩu tốt hơn, giảm chi phí, tăng giá trị gia tăng. Qua đó tăng công ăn việc làm, tăng khả năng cạnh tranh cho DN” - ông Cung nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm