Không vay tiền vẫn bị khủng bố đòi nợ

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) thuộc Bộ Công Thương vừa cho hay gần đây đã nhận được nhiều phản ánh, khiếu nại của NTD về việc bị gọi điện thoại, nhắn tin với mục đích đe dọa, đề nghị trả khoản nợ mặc dù NTD không vay nợ từ tổ chức, đơn vị liên quan.

“Trong những tháng đầu năm nay, tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD đã tiếp nhận 90 cuộc gọi phản ánh của NTD với nội dung như trên. Thậm chí một số trường hợp bị gọi điện thoại quấy rối liên tục trong sáu tháng gần đây với tần suất lên đến 10 cuộc/ngày” - đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD dẫn chứng.

Bị khủng bố đủ kiểu

Khảo sát thực tế của chúng tôi cũng cho thấy chuyện khách hàng không vay tiền song vẫn bị một số tổ chức tín dụng liên tục gọi điện thoại đòi nợ, nhắc nợ, đe dọa... không phải là hiếm. Đơn cử như câu chuyện của chị Thủy Anh, nhà ở quận 2, TP.HCM. Chị Thủy Anh kể có thời điểm suốt ba tháng liên tục bị hành hạ vì những cuộc điện thoại của nhân viên một công ty tài chính cho vay tín dụng tiêu dùng. Công ty này có trụ sở trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

“Họ yêu cầu tôi phải thanh toán khoản vay 50 triệu đồng. Dù tôi trả lời là không vay đồng nào nhưng họ đe dọa: “Nếu chị không nộp đúng hạn sẽ bị đưa vào nhóm khách hàng có nợ xấu, sau này sẽ khó mà vay mượn được với các hợp đồng tín dụng với bất kỳ công ty tài chính hay ngân hàng nào”” - chị Thủy Anh bức xúc.

Sau khi tìm hiểu, chị Thủy Anh được biết: Một người bạn của chị khi muốn vay số tiền 50 triệu đồng từ công ty tài chính trên đã phải cung cấp ba số điện thoại “tham chiếu, có liên quan với người đi vay”, trong đó có số của chị Thủy Anh. Vậy là cứ tới ngày nộp tiền gốc và lãi, nhân viên nhắc nợ lại liên tục gọi điện thoại cho chị yêu cầu phải nộp tiền.

“Tôi hỏi nhân viên đòi nợ là sao không đòi chính người đi vay mà cứ gọi điện thoại gây phiền phức cho tôi thì họ viện lý do không liên lạc được với người đi vay nên buộc phải gọi cho những người liên quan. Sự việc cứ lặp đi lặp lại cho tới khi chính chị bạn của tôi phải đến công ty tài chính yêu cầu gỡ bỏ số điện thoại tham chiếu của tôi, khi đó tôi mới được yên thân” - chị Thủy Anh ấm ức.

Lĩnh vực cho vay tiêu dùng liên tục có tốc độ tăng trưởng cao. Ảnh: TL

Cùng chịu cảnh bị “tra tấn” bởi các cuộc điện thoại đòi nợ từ nhân viên thu hồi nợ của công ty tài chính nhưng câu chuyện của anh N.Tuấn (Hà Nội) bi hài hơn. Đó là sau khi mua SIM từ một điểm bán hàng của nhà mạng về sử dụng thì vào tháng 4 vừa qua, anh Tuấn liên tục bị khủng bố bằng các cuộc gọi điện thoại đòi nợ của một công ty tài chính. Trong khi chính bản thân anh Tuấn cũng như người thân trong gia đình không hề sử dụng dịch vụ vay tiêu dùng của công ty tài chính trên.

“Mỗi ngày tôi nhận 5-6 cuộc gọi từ công ty trên với đủ nội dung, từ thuyết phục, dọa nạt rồi giải thích. Họ liên tục yêu cầu mình trả một khoản nợ mà mình không hề biết tới. Tôi giải thích thì họ khẳng định đây là khoản nợ của chính chủ thuê bao và dọa sẽ kiện mình” - anh Tuấn kể.

Nhiều người khác cũng bức xúc như anh Tuấn, chị Thủy Anh khi bị hành hạ bởi những cuộc điện thoại đòi nợ dù không hề vay tiền từ các công ty tài chính. Không chỉ bị gọi điện thoại khủng bố đòi nợ, nhiều người còn cho biết bị công ty tài chính sử dụng ảnh cá nhân trên mạng xã hội để cắt ghép nhằm mục đích bêu riếu, bôi nhọ danh dự.

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD nhìn nhận trong những năm gần đây, số lượng khiếu nại của NTD chủ yếu tập trung vào nhóm chủ thể là công ty tài chính. Đặc biệt số lượng lớn khiếu nại liên quan đến hành vi thu hồi nợ của các bên liên quan, trong đó phổ biến là việc người đi vay, bạn bè, người thân của người đi vay liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn có nội dung đe dọa, quấy rối, làm phiền.

“Các hành vi nêu trên đều được xem là có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD” - cơ quan trên đánh giá.

Đáng chú ý, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD cho hay liên tục nhận được phản ánh của khách hàng liên quan tới Công ty Tài chính tiêu dùng FE Credit. Trong đó ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh của người dân liên quan tới giao dịch vay tiền để mua mỹ phẩm Deaura và hành vi liên hệ thu hồi nợ của FE Credit có dấu hiệu quấy rối, đe dọa.

Liên quan đến vấn đề này, ông Kalidas Ghose, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính FE Credit, khẳng định FE Credit luôn tuân thủ các quy định pháp luật và quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công việc, một số nhân viên thu hồi nợ qua điện thoại đã có thái độ chưa phù hợp, vi phạm quy định của công ty về quy tắc ứng xử, gây ra những phiền hà không đáng có cho khách hàng. “Việc này chúng tôi đã có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các nhân viên vi phạm quy định thu hồi nợ” - ông Kalidas Ghose cho hay.

Chiêu dẹp nạn khủng bố đòi nợ

Để tránh tình trạng bị quấy rối, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hằng ngày, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD hướng dẫn một số “chiêu”. Ví dụ trong trường hợp nhân viên liên hệ không cung cấp hoặc không nói rõ tên của đơn vị chủ quản khoản nợ, NTD cần tìm cách nói chuyện, trao đổi để có thể xác định được tên của đơn vị liên quan.

Chỉ khi có được thông tin của đơn vị này, NTD mới có cơ sở để khiếu nại tới các cơ quan quản lý, từ đó các cơ quan quản lý có cơ sở để liên hệ và hỗ trợ NTD.

Trường hợp đã thông báo, đề nghị nhưng vẫn tiếp tục bị gọi điện thoại quấy rối, NTD có thể thực hiện khiếu nại về hành vi nêu trên tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD thông qua email vcca@moit.gov.vn hoặc liên hệ tổng đài 1800.6838 để được tư vấn và hỗ trợ.

Trong một diễn biến liên quan, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống. Văn bản của thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh các tổ chức tín dụng phải minh bạch thông tin hợp đồng, bảo mật thông tin khách hàng, sử dụng biện pháp thu hồi nợ phù hợp; thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đào tạo nâng cao kỹ năng, ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên.

Lãi suất 84%/năm

Bộ Công Thương cho hay trong giai đoạn 10 năm (từ năm 2007 cho tới cuối năm 2017) lĩnh vực cho vay tiêu dùng liên tục có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình 20%/năm, đạt quy mô 646.000 tỉ đồng, phục vụ 20 triệu lượt khách hàng trên cả nước.

Thực tế cho thấy đối với mức lãi suất mua hàng trả góp, trong khi các ngân hàng thương mại có mức lãi suất trung bình dao động 10%-25%/năm thì mức lãi suất của công ty tài chính từ 55% đến trên 84%/năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm