'Lãi suất 14,5% vẫn cao với năng lực doanh nghiệp'

- Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định giảm lãi suất 1% so với trước. Trong bối cảnh hiện nay, hạ lãi suất có phù hợp hay không khi mà mới chỉ biết được tốc độ tăng CPI 2 tháng đầu năm?
- Từ tháng 8/2011 đến nay, lạm phát đã có chiều hướng liên tục giảm và là tín hiệu tốt, tiền đề để tính chuyện giảm lãi suất. Tuy nhiên, đây chỉ là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ, phải tính đến thanh khoản của các tổ chức tín dụng. Như chúng ta biết, suốt thời gian qua, ngân hàng tồn tại vấn đề về thanh khoản.Nguyên nhân là nhiều năm, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng rất nóng, hệ số sử dụng vốn trên nguồn vốn cao trên 100%. Ngoài ra, chênh lệch giữa các kỳ hạn huy động vốn 80% là ngắn hạn trong khi có đến 40% dư nợ trung, dài hạn cũng là nguyên nhân khiến khó khăn thanh khoản của ngân hàng tích tụ nhiều năm. Cho đến nay, thanh khoản hệ thống được cải thiện một bước đáng kể. Do đó mới nói, đã đủ điều kiện để giảm lãi suất. Dự kiến, mỗi quý có thể giảm được 1% lãi suất, nếu mọi yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát đều trở nên tích cực.
'Lãi suất 14,5% vẫn cao với năng lực doanh nghiệp' ảnh 1
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nếu so với quá khứ, mức lãi suất 14,5% là thấp, nhưng so với năng lực doanh nghiệp Việt Nam, mức này vẫn cao. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
- Tại sao đến ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước mới công bố giảm lãi suất, trong khi trước đó, ở phiên họp báo thường kỳ hôm 6/3, Chính phủ đã chỉ đạo và Thống đốc cũng hứa sẽ ban hành văn bản sớm nhất?- Ở một góc độ nào đó, Ngân hàng Nhà nước có thể công bố giảm lãi suất từ ngày 20/2. Nhưng quan điểm của chúng tôi là muốn thị trường vận động trước, lãi suất có chiều hướng bộc lộ rõ, sau đó Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ theo. Còn nếu lãi suất không giảm mà cứ áp đặt, sẽ tạo ra tác dụng phụ trên thị trường mà chưa chắc gì biện pháp đó đã đem lại hiệu quả. Thực tế là thời gian vừa qua, tại nhiều ngân hàng, bảng lãi suất đã có nhiều kỳ hạn hơn, với mức lãi suất thấp hơn 14% một năm đối với tiền đồng và 2% một năm đối với ngoại tệ. Thậm chí, một số đơn vị niêm yết chỉ 12% một năm đối với một số kỳ hạn, và còn công bố các gói tín dụng hỗ trợ cho đối tượng ưu tiên. Điều này khiến cho Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất. - Áp đặt biện pháp giảm trần lãi suất kiểu hành chính sẽ khó hiệu quả vì trước đó, khi trần lãi suất được đưa về đồng mức 14% một năm, thị trường vẫn có hiện tượng vượt trần. Quan điểm của Thống đốc về vấn đề này?- Ngân hàng Nhà nước, trong từng giai đoạn, sẽ có các biện pháp điều hành khác nhau. Hiện nay, dù tình hình đã cải thiện, song chưa phải lúc ổn định bền vững và lâu dài, nên tạm thời vẫn phải dùng biện pháp hành chính. Đây cũng là biện pháp nhiều quốc gia sử dụng để điều hành, không riêng gì tại Việt Nam. Đương nhiên, đến thời điểm thích hợp, sẽ có thể xem xét bỏ trần lãi suất huy động, nhưng đến lúc nào còn phụ thuộc vào tình hình kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Có thể sau 1 - 2 quý nữa, quy định trần lãi suất là không cần thiết, thậm chí có thể bỏ trần lãi suất huy động. - Mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào sau khi các loại lãi suất giảm 1% so với trước, thưa ông?- Trước khi Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất, trên thị trường, các ngân hàng đã tự nguyện điều chỉnh ở nhiều mức độ khác nhau. Bằng việc hạ trần lãi suất cũng như các mức như lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu… có thể tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tìm được nguồn vốn rẻ hơn, tạo tiền đề để giảm lãi suất cho vay. Quý IV/2011, khi lập lại trật tự trần lãi suất đưa về 14% một năm, tôi cũng nói sẽ đưa lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh về 17-19% một năm. Chiếu theo ý đó và chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay, nhiều dự đoán cho rằng khi lãi suất đầu vào giảm về 13% thì lãi cho vay sẽ khoảng 16 - 18%. Nhưng chúng tôi khẳng định, theo diễn biến chung của nền kinh tế, kỳ vọng lạm phát thì lãi suất có thể ở 14,5 -16,5% một năm. Mức này, so với quá khứ thì thấp, nhưng so với năng lực của doanh nghiệp ở Việt Nam, vẫn còn cao. - Nếu lạm phát tăng, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất như thế nào?- Mức tăng lạm phát nếu chỉ tăng trong 1 tháng hoặc thời gian ngắn mang tính hiện tượng, đột biến thì không thành vấn đề. Nhưng nếu tăng thành xu hướng rõ rệt, nhất định Ngân hàng Nhà nước sẽ có cách điều hành hợp lý. Đương nhiên, chúng tôi không tuyên bố điều hành theo kiểu lạm phát mục tiêu, nhưng vẫn lấy mức không quá 10% như mục tiêu của chính sách tiền tệ để điều hành. Nếu CPI tăng theo chiều hướng ổn định và khách quan, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh lãi suất tăng lên. Nhưng qua phân tích vĩ mô trong nước và quốc tế, chúng ta thấy tỷ trọng này là rất thấp.
'Lãi suất 14,5% vẫn cao với năng lực doanh nghiệp' ảnh 2
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2012, các ngân hàng sẽ ưu tiên vốn cho lĩnh vực khuyến khích. Ảnh: Nhật Minh.
- Mức giảm lãi suất được đưa ra trên cơ sở lạm phát. Thời gian qua, giá xăng dầu, gas… đang tăng tạo sức ép lên lãi suất, quan điểm của Thống đốc như thế nào?- Chúng tôi khẳng định, ngay cả khi giá một số mặt hàng năng lượng như xăng dầu, gas tăng 10% như thời gian vừa qua, thì theo thống kê, phân tích của Bộ Tài chính, mức ảnh hưởng tới lạm phát cả năm chỉ 0,84%. Trước mắt, giá tăng tác động trực tiếp lên lạm phát khoảng 0,24%, vòng 2 (gián tiếp) là 0,6%. Nói rộng hơn, lạm phát của Việt Nam gồm 3 cấu phần lớn: Một là lạm phát lõi, hai là giá cả bên ngoài (kể cả tỷ giá), ba là điều hành giá lương thực, thực phẩm trong nước. Theo phân tích của Ngân hàng Nhà nước trong nhiều năm, trung bình một nửa lạm phát nằm ở yếu tố đầu tiên. Như năm 2011 vừa rồi, lạm phát là 18,85% thì lạm phát lõi biến động 9 - 9,5%, một nửa số lạm phát. Một nửa còn lại phụ thuộc vào 2 yếu tố lớn là giá cả bên ngoài (thông qua tỷ giá ảnh hưởng đến giá trong nước) và việc điều hành giá trong nước (mà chủ yếu là lương thực thực phẩm). Chúng ta thấy giá năng lượng điều chỉnh phần lớn do thế giới. Như giá xăng dầu thời gian qua tăng chủ yếu do thế giới. Mà chúng ta không thể kiểm soát được giá thế giới tăng, giảm, nên điều hành theo cơ chế thị trường, trên tinh thần Nghị quyết 84. Năm nay, phần còn lại có thể ảnh hưởng đến lạm phát mà chủ yếu là giá lương thực thực phẩm có thể ổn định vì tín hiệu được mùa. Cộng thêm việc điều hành tiền tệ, tài khóa thắt chặt có thể làm lạm phát lõi giảm xuống, khiến cho biến động, tham gia vào CPI của lương thực thực phẩm ở mức thấp nhất. Đây là các yếu tố triệt tiêu tác động tăng lạm phát do giá cả thế giới tăng lên. - Trong năm 2012, các loại hình tín dụng nào sẽ được ưu tiên?- Vẫn như năm 2011, năm 2012, 4 lĩnh vực được ưu tiên vốn vẫn là nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bản thân các ngân hàng cũng sẽ hướng dòng vốn vào các lĩnh vực này vì đây là khu vực an toàn và chất lượng tín dụng tốt. Điển hình, trong năm qua, tăng trưởng tín dụng xuất khẩu đạt 58%- kỷ lục nhiều năm, nông nghiệp nông thôn tính doanh số trung bình cũng là 30%. Do đó, trong năm nay, nếu doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu, thì mức hạ lãi suất có thể là 7-8% một năm, thấp hơn nhiều so với hiện tại. Nhà băng đồng loạt đưa lãi suất tiết kiệm về 13% một năm
Theo Tuệ Minh ghi (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm