Mở cửa thoát hiểm máy bay sẽ ra sao?

NhưPháp Luật TP.HCM đưa tin, tối 5-11, một sinh viên đã mở cửa thoát hiểm của máy bay khi máy bay chuẩn bị cất cánh. Anh sinh viên này cho rằng mình vô ý, chỉ vì muốn mở cửa sổ ngắm cảnh bên ngoài.

Trước đó cũng đã có nhiều trường hợp hành khách đi máy bay tự ý mở cửa thoát hiểm và bị phạt hành chính. Việc mở cửa thoát hiểm có đơn giản không, có gây nguy hiểm không, hành khách cần lưu ý gì để khỏi bị phạt?

Không “vô tình” mà mở được

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Khắc Hưng, Phó Tổng Giám đốc Jetstar Pacific, cho biết cửa thoát hiểm không dễ mở. Máy bay Liên Xô ngày xưa thì dễ, chỉ cần cầm cái quai cửa gạt mạnh là mở. Tuy nhiên, các máy bay bây giờ thì khác, không có chuyện vô tình đụng chạm tí xíu vào một cái nút mà bung cửa được đâu. Chỗ mở cửa thoát hiểm có nắp đậy bằng nhựa, phải mở nắp ra, thọc tay vào góc có tay cầm, kéo nó ra rồi đẩy mạnh cái cửa ra ngoài. Do đó, tiếp viên luôn phải chọn thanh niên tỉnh táo, khỏe mạnh để cho ngồi ở vị trí gần cửa thoát hiểm.

Ông Hưng cũng cho biết khi máy bay đang bay thì áp suất là 1 kg/cm2, do đó hoàn toàn không thể mở cửa máy bay. Với chênh lệch áp suất như thế thì không có sức người nào mà mở cửa đó ra được. Đang bay trên trời mà mở được cửa, rớt ra không trung thì có mà chết! Chỉ khi máy bay ở trên mặt đất thì mới mở cửa được. Ví dụ đang khởi động, máy bay chưa cất cánh mà phát sinh sự cố cháy trong máy bay thì mở các cửa thoát hiểm để thoát ra ngoài cho nhanh.

Mở cửa thoát hiểm máy bay sẽ ra sao? ảnh 1

Hành khách cần chú ý các hướng dẫn của tiếp viên trước khi bay để tránh những bất trắc có thể xảy ra ngoài ý muốn. Ảnh: HTD

Ông Trần Tiến Dũng, Trưởng ban An ninh của Vietnam Airlines, cho biết tại cửa thoát hiểm có bảng thông báo và hướng dẫn sử dụng cho trường hợp thoát hiểm, có báo hiệu đèn đỏ. Bình thường thì cửa ở trạng thái đóng, khi máy bay bắt đầu lăn bánh thì cửa ở trạng thái có thể mở được. Trước khi cho hành khách xuống thì hệ thống cũng chốt hết các cửa lại, chỉ có cửa chính lên xuống là mở được thôi.

Hành khách không chú ý

Đại diện của Cảng vụ Hàng không miền Nam (SAA) cho biết mở cửa thoát hiểm không đơn giản là nhấn nút Open. Thao tác mở cửa thoát hiểm ngoài việc nhấn nút Open còn có cần gạt, phải tác động một lực lớn mới đủ gạt cần mở được cửa. Hơn nữa, trên chỗ mở cửa thoát hiểm đều có ghi cảnh báo là chỉ được mở trong trường hợp khẩn cấp.

Ông Dũng cũng khẳng định hành khách phải làm theo hướng dẫn của tổ bay chứ không được tự ý. Hành khách cần chú ý các hướng dẫn của tiếp viên trước khi bay.

Còn ông Hưng cho biết: “Chính tôi là người viết cái tờ dặn dò ấy nên tôi biết rõ câu dặn hành khách chỉ được mở cửa khi có lệnh của tổ bay và tiếp viên. Trước giờ bay cũng có thông báo hướng dẫn về lối, cửa thoát hiểm. Hành khách phải chú ý”.

Khách thiệt một, hãng thiệt trăm

Ông Nguyễn Khắc Hưng cũng cho biết có hai trường hợp thường gặp. Nếu là Boeing 737 mà mở cửa thoát hiểm ra thì sau đó phải có kỹ thuật đến kiểm tra, lắp trở lại được. Mất chừng 30-60 phút là máy bay có thể hoạt động trở lại bình thường.

Tuy nhiên, với máy bay Airbus thì vất vả hơn nhiều! Vì khi mở cửa thì lập tức một xuồng phao cũng tự động bung ra, phồng lên ngay, giúp hành khách trượt ra khỏi máy bay dễ dàng hơn. Trường hợp này không thể có kỹ thuật đóng lại ngay mà phải dừng bay hoàn toàn, thay một xuồng phao khác hoặc mang ra nước ngoài để gập, gấp phao lại, kiểm tra lại.

Việc tự ý mở cửa thoát hiểm tuy chưa gây thiệt hại về tính mạng nhưng gây tốn kém về chi phí kỹ thuật. Quan trọng hơn, mỗi ngày máy bay “ở không” chờ sửa thì hãng mất trên 10.000 USD kinh doanh. Tính ra hành khách bị phạt không thấm vào đâu so với thiệt hại mà hãng hàng không phải chịu. Do đó, các hãng đều có lưu ý khá rõ ràng rằng hành khách không được tự ý mở cửa trên máy bay.

Có khi nguy hiểm tính mạng

Tôi chưa biết có trường hợp nào mở cửa thoát hiểm mà bị thương hay không. Tuy nhiên, trên máy bay có một số cửa cũng không được mở trong quá trình bay, như cửa buồng lái, cửa buồng tiếp viên… Trên thế giới từng có trường hợp một tiếp viên bị tai nạn vì quên bật chốt hãm cửa buồng, khi mở cửa thì túi khí trong buồng bung ra, vì buồng này rất nhỏ nên túi khí đã ép cô tiếp viên vào buồng, bị các vật trong buồng đâm vào người.

Tại Việt Nam, cách đây bốn năm cũng có trường hợp tương tự, rất may là một anh tiếp viên đã dùng đồ đạc đâm thủng túi khí. Khí bị xì nên cũng không ép, không gây thương tích.

Ông NGUYỄN KHẮC HƯNG, Phó Tổng Giám đốc Jetstar Pacific

Không đơn giản như trình báo

Chắc chắn sẽ xử phạt hành khách Nguyễn Văn Duy (sinh viên năm thứ ba ĐH Tài nguyên Môi trường) vì tự ý mở cửa thoát hiểm trên máy bay. Muốn mở được cửa thoát hiểm, tuy không khó nhưng không đơn giản là nhấn nút Open như hành khách Duy trình báo với nhà chức trách.

Đại diện của Cảng vụ Hàng không miền Nam

QUỲNH NHƯ - QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm