Một thương hiệu du lịch chung cho 13 tỉnh miền Tây

Sáng 5-9, UBND TP.HCM đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành tổ chức hội nghị liên kết phát triển du lịch TP.HCM - đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tiềm năng lớn nhưng chưa biết khai thác

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, cho biết từ năm 2011 đến 2018, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế của toàn vùng ĐBSCL đạt 1,4-3,4 triệu lượt/năm, tăng 13%; lượng khách du lịch nội địa từ 15 triệu lên 37 triệu, tăng 13,5%. Từ con số trên cho thấy so với 14 tỉnh miền Đông thì lượng khách quốc tế đến 13 tỉnh ĐBSCL chỉ bằng 1/3.

“Du lịch ĐBSCL phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Đây là một trong những vùng được xem là phát triển chậm nhất của cả nước. Khách đến lưu trú ngắn, công tác xúc tiến quảng bá còn yếu, nguồn nhân lực lao động còn thiếu… Ví du,̣ nguồn nhân lực qua đào tạo đáp ứng 30%, so với cả nước đạt 45%” - lãnh đạo ngành du lịch nhận xét.

Để khắc phục những điểm yếu trên, Bộ trưởng Thiện đề nghị ĐBSCL và TP.HCM đẩy mạnh hợp tác về du lịch để cùng có lợi, vì muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi tập thể. “Hiện nay sự liên kết hợp tác của các tỉnh miền Trung khá hiệu quả, dù lúc đầu còn chệch choạc nhưng càng ngày càng tốt, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Đề nghị các địa phương nghiên cứu mô hình liên kết của các tỉnh miền Trung và miền Bắc để hình thành mô hình hiệu quả hơn. Trong đó, TP.HCM là một trong những địa bàn trung tâm” - ông Thiện gợi ý.

Về sản phẩm du lịch, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất. “Chúng ta nói là sản phẩm du lịch mang đặc trưng sông nước, miệt vườn, sản phẩm văn hóa… nhưng tỉnh nào sản phẩm cũng na ná nhau thì rất khó phát triển. Do vậy, từng địa phương một nên có sản phẩm đặc thù. Tôi nghĩ đó là các di tích văn hóa, vì mỗi di tích văn hóa mang tính đặc thù vùng, miền” - bộ trưởng đề xuất.

Đặc biệt, Bộ trưởng Thiện cho rằng có khi cơ quan quản lý nhà nước đề ra chính sách về du lịch nhưng khi làm thì chưa chắc đã phù hợp với nhu cầu thị trường, bởi nhu cầu thị trường chỉ có doanh nghiệp (DN) mới hiểu. Do vậy, cơ quan quản lý cần đồng hành cùng DN, thúc đẩy tạo điều kiện cho DN, kêu gọi những DN lớn cùng tham gia phát triển du lịch. “Chúng ta không làm thay DN được, nhất là lãnh đạo các sở đừng chủ quan” - ông Thiện nhấn mạnh.

Du khách về miền Tây được trải nghiệm không gian sông nước với cầu khỉ, trái cây miệt vườn.  Ảnh: TÚ UYÊN

Nhiều sáng kiến mới

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá thời gian qua TP có liên kết với một số địa phương ở miền Tây nhưng chưa tương xứng. Do đó, trong thời gian tới điểm nhấn là tập trung vào giải pháp trọng điểm để thúc đẩy phát triển du lịch.

Bí thư Thành ủy TP.HCM đề xuất một số nội dung có thể hợp tác trong liên kết phát triển bền vững du lịch giữa TP và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Cụ thể, cần có hội đồng phát triển du lịch vùng ĐBSCL và TP.HCM mà đại diện gồm lãnh đạo các địa phương, Sở Du lịch cùng xây dựng một chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025. Các DN cũng nên tham gia hội đồng này để đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp.

“Đề nghị trong tháng 9 này các DN ngồi lại với nhau. Nếu các DN ngồi lại với nhau rồi thì tháng 10 chính quyền 14 tỉnh, thành ngồi với nhau để cụ thể hóa các giải pháp” - ông Nhân nói.

Bí thư Nhân cũng cho rằng ĐBSCL có rất nhiều di tích, di sản văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia có thể hỗ trợ thúc đẩy phát triển du lịch. Do vậy, đề nghị Bộ VH-TT&DL có đề án trong vòng năm năm có thể chuẩn hóa 100 di tích lịch sử văn hóa của vùng. Đồng thời, mỗi địa phương khi giới thiệu, xúc tiến du lịch cũng quảng bá cho 100 di tích này để du khách lựa chọn.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương đồng tình với việc thành lập hội đồng phát triển du lịch, đồng thời đề nghị TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lập ban chỉ đạo phát triển du lịch. Ban này sẽ gồm bí thư thành ủy, bí thư tỉnh ủy 14 tỉnh, thành của khu vực và ban điều phối liên kết du lịch vùng gồm chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành. 

Một giải pháp khác được bí thư Thành ủy TP.HCM đưa ra là ngành du lịch ĐBSCL cần xây dựng, định hướng xây dựng thương hiệu du lịch để quảng bá chung cho cả vùng.

 “TP.HCM sẵn sàng liên kết các tỉnh để hợp tác làm du lịch thông minh, số hóa tài nguyên và chuẩn hóa phương thức tiếp cận... TP.HCM đang chuẩn bị và từ năm 2021 trở đi sẵn sàng liên kết các tỉnh triển khai về du lịch thông minh” - Bí thư Nhân nhấn manh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá sáng kiến thành lập hội đồng là ý tưởng tốt. Ông đề nghị Bộ VH-TT&DL sát cánh cùng hội đồng vùng du lịch giữa TP.HCM và ĐBSCL. Những vấn đề gì hội đồng vùng kiến nghị thuộc thẩm quyền của Nhà nước, liên quan trực tiếp các ngành du lịch và lĩnh vực khác sẽ được Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch, Chính phủ ghi nhận, giải quyết.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng hoan nghênh sáng kiến liên kết của 13 tỉnh, thành và TP.HCM để xây dựng thương hiệu du lịch. Phó Thủ tướng gợi ý cần xây dựng thương hiệu chung, quảng bá và thu hút du khách tới vùng trước rồi mới đến từng địa phương.

“Đây là liên kết, kết nối cần thiết như trước đây ngành du lịch đã xây dựng thương hiệu điểm đến Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tận dụng xu hướng của công nghệ để tăng cường kết nối, làm du lịch thông minh, từ đăng ký, đặt vé, đặt chỗ, đi đâu du khách chỉ cần mang theo điện thoại...” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia và các DN lữ hành cũng cho rằng ĐBSCL có lợi thế về sông ngòi, kênh rạch, vườn cây ăn trái, sân chim..., rất thuận lợi để triển khai các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, giá trị kinh tế mang lại từ du lịch còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân là sản phẩm du lịch còn nghèo nàn; các điểm tham quan, vui chơi không có sự khác biệt rõ nét, sản phẩm bị trùng lặp, sao chép. Cơ sở lưu trú cũng không đồng đều, dịch vụ từ ba sao trở lên còn thiếu.

Từ đó các chuyên gia đề xuất cần xây dựng các resort ven sông để giải quyết vấn đề lưu trú; mở thêm nhiều sản phẩm về đêm để níu chân du khách, nhất là bằng ẩm thực; quy hoạch hạ tầng giao thông và phát triển giao thông đường thủy an toàn… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm