Người kinh doanh tại miền Tây than khó vay tiền ngân hàng

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, cho biết công ty bà chủ yếu là xuất khẩu lúa gạo nên cần nguồn vốn lưu động lớn để bao tiêu sản phẩm, đầu tư cơ sở vật chất… nhưng vốn từ các ngân hàng về rất chậm, thậm chí không dễ tiếp cận.

Bà Huyền mong muốn các ngân hàng hỗ trợ thêm nguồn vốn, đồng thời cần cơ chế để DN dễ tiếp cận hơn với ngân hàng cũng như có cơ chế xoay vòng nguồn vốn đủ cung ứng cho nhu cầu của các DN.

Chia sẻ những khó khăn về vốn của DN, ông Nguyễn Đăng Thông, Hiệp hội DN nhỏ và vừa khu vực phía Nam, cho biết: Hầu hết DN trong hiệp hội rất cần vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh nhưng họ hoặc không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp; không có khả năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh… nên các ngân hàng khó xem xét cho vay. “Vấn đề ở đây là làm sao ngân hàng và DN gặp nhau để tháo gỡ khó khăn. Ngoài nỗ lực của DN thì các ngân hàng cũng cần có chính sách cụ thể để nguồn vốn đến gần hơn với các DN nhỏ và vừa; cần thiết kế lại điều kiện cho vay, đồng thời cũng chấp nhận một phần rủi ro với DN” - ông Thông nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp để hỗ trợ cho các DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ, DN hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên.

ĐBSCL hiện là vùng kinh tế năng động với nhiều tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch,... Đặc biệt, vùng này đóng góp tới 4/7 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch trên 1 tỉ USD (lúa gạo, tôm, cá tra, rau quả). Hiện vùng này có gần 55.000 DN thành lập và hoạt động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm