Người trồng mai Tết thấp thỏm vì lo hoa nở sớm

Người trồng mai Tết thấp thỏm vì lo hoa nở sớm ảnh 1
Là huyện thượng nguồn tỉnh Bến Tre với những thế mạnh nổi bật về thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, Chợ Lách từ lâu nổi tiếng khắp cả nước với thương hiệu hoa cảnh và cây giống Cái Mơn. Tuy nhiên nhiều năm gần đây, tình trạng xâm nhập mặn và triều cường dâng cao gây thiệt hại lớn đến ngành nông nghiệp của huyện. Theo thống kê sơ bộ, trong 3 năm 2008-2010, tổng thiệt hại từ những diễn biến thất thường của thời tiết gây ra đối với ngành sản xuất cây giống, hoa cảnh lên đến gần 500 tỷ đồng. Năm ngoái và năm nay, những cơn mưa trái mùa, triều cường dâng cao và khí hậu nắng nóng bất thường lại khiến hàng triệu chậu mai bị rụng lá, ra nụ và nở hoa sớm. Những thiệt hại trên đây phần nào được khắc phục nhờ kinh nghiệm trồng và chăm sóc lâu năm, lại trong điều kiện sản xuất, canh tác tập trung. Người dân đã áp dụng các biện pháp tác động khiến cây mai vàng ra hoa đúng dịp Tết, hạn chế phần nào những tác động xấu của thời tiết. Anh Phan Văn Sáu, một nông dân tại xã Hưng Khánh Trung B, trồng hơn 5.000 chậu mai phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm nay cho biết việc lựa chọn, tính toán liều lượng các loại phân bón, tưới nước, chọn thời điểm nhặt bỏ lá, can thiệp để hạn chế hoặc tăng cường ánh nắng chiếu vào thân cây... là những cách tác động chủ yếu của người trồng nhằm điều chỉnh để cây ra hoa rộ vào đúng dịp Tết. Bởi hoa nở trước hoặc sau thời điểm “vàng” này chừng 1 tuần coi như... để năm sau; vài ba ngày thì giá cũng chỉ còn 2/3. Còn anh Lê Văn Diệt, một nông dân ngụ cùng xã với khoảng 7.000 chậu mai “hai tháng trước Tết đã bắt đầu ra hoa” cho biết các biện pháp can thiệp chỉ tác động được phần nào, đa số người trồng vẫn thấp thỏm và theo dõi chặt những diễn biến của thời tiết để đưa ra những biện pháp xử lý phù hợp. Là một loại cây được đánh giá rất “nhạy cảm” với thời tiết lại chỉ có giá trị cao khi ra hoa vào đúng thời điểm Tết, mai vàng khiến những nhà vườn giàu kinh nghiệm tại Chợ Lách cũng cảm thấy “may rủi” khi trồng trong những năm gần đây. Một cơn mưa trái mùa, nắng nóng bất thường kéo dài chừng một tuần hoặc bị ngập nước (thường do triều cường) trong vài ba ngày đều có thể khiến loại cây này nở rộ vào thời điểm trước hoặc sau Tết. Chính vì vậy, bên cạnh kinh nghiệm canh tác lâu năm và sự chia sẻ giữa những người nông dân với nhau, các nhà khoa học và các cơ quan quản lý cũng cần “chung tay” để hạn chế phần nào những tác động khó cưỡng lại của thời tiết, trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.
Theo Hưng Thịnh (TTXVN/Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm