Nhiều phản đối thu thuế đặc biệt điện thoại di động

UBND TP.HCM vừa có Văn bản số 1499/2019 gửi Bộ Tài chính góp ý về dự thảo “Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước”. Trong đó, TP đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào đối tượng chịu thuế một số hàng hóa, dịch vụ như điện thoại di động (ĐTDĐ), camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và người dân không đồng tình với đề xuất này.

Cần chọn lọc

Lý giải về đề xuất đưa các mặt hàng, dịch vụ trên vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), UBND TP.HCM đánh giá: Nước hoa, dịch vụ thẩm mỹ là loại hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm khá cao cấp. Do vậy, việc áp thuế TTĐB sẽ giúp điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.

Đối với hàng hóa, dịch vụ còn lại trong đề xuất trên tuy không phải là hàng hóa, dịch vụ cao cấp song cũng không phải là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nên cần đưa vào diện chịu thuế TTĐB để hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý.

Riêng đối với ĐTDĐ, trong văn bản, UBND TP.HCM thừa nhận đây là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào diện chịu thuế TTĐB để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.

Trước đề xuất này, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho rằng đối với mặt hàng ĐTDĐ hiện nay đã gần như sử dụng đại trà, mỗi người đều có ĐTDĐ, có cá nhân có 2-3 điện thoại. Mỹ phẩm, nước hoa từ lâu đã trở thành mặt hàng sử dụng thường xuyên của đa số người dân, trong đó gồm cả phụ nữ lẫn đàn ông, chưa kể trẻ em. Vì vậy, không nên đánh thuế những sản phẩm thiết yếu, phục vụ cho cuộc sống, công việc thường nhật của người dân.

Anh Nguyễn Anh Đức (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng cho rằng không nên đề xuất đánh thuế TTĐB lên ĐTDĐ vì đây là thiết bị phục vụ cho việc liên lạc và rất phổ biến, điện thoại không phải là mặt hàng cao cấp hay xa xỉ phẩm. ĐTDĐ đang hỗ trợ thiết thực trong công việc, cuộc sống. Đây là xu hướng phát triển công nghệ tiêu dùng tất yếu, phổ biến trên toàn thế giới.

“Nếu áp dụng thuế ĐTDĐ, giá điện thoại sẽ tăng và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, bao gồm cả người thu nhập thấp và người nghèo chứ không phải doanh nghiệp hay người giàu. Giá xăng, giá nước, giá điện… đều tăng, nay nếu tiếp tục tăng thuế với ĐTDĐ sẽ khiến người dân rất bức xúc. Họ buộc thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu, khi đó doanh nghiệp giảm doanh thu, giảm lợi nhuận, số thuế đóng cho ngân sách sẽ giảm” - anh Đức chia sẻ.

Giá điện thoại di động sẽ tăng nếu bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh: QH

Chỉ nên đánh thuế mặt hàng xa xỉ

Ông Nguyễn Thái Sơn, chuyên gia thuế, nhìn nhận thuế TTĐB là mặt hàng Nhà nước không khuyến khích, các mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu... Vì vậy đề xuất đưa ĐTDĐ vào diện chịu loại thuế này là chưa trúng, không hợp lý. Hiện nay anh xe ôm, chị bán nước vỉa hè, thậm chí những cụ ông, cụ bà cao tuổi cũng sử dụng smartphone.

“Tuy nhiên, với những loại điện thoại thuộc dạng hàng hiệu siêu sang có giá bán cả trăm triệu, thậm chí lên đến cả tỉ đồng thì có thể xem là hàng xa xỉ phẩm và đưa vào diện chịu thuế TTĐB sẽ hợp lý hơn” - ông Sơn góp ý.

Đối với các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa hay dịch vụ làm đẹp cũng vậy, giờ đã khá phổ biến. Nhưng với những mặt hàng nước hoa cao cấp mắc tiền, mỹ phẩm xa xỉ thì có thể xem xét áp thuế TTĐB và không đánh thuế này với nước hoa bình dân.

Luật sư Trần Xoa thì đề xuất TP.HCM với dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ thuộc dạng cao cấp như phẫu thuật thẩm mỹ, chi phí cao cũng có thể đưa vào diện chịu thuế TTĐB. Ngoài ra, TP.HCM có thể tăng thu bằng cách tăng thuế TTĐB vào những mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, sản phẩm gây ô nhiễm môi trường như rượu, bia, thuốc lá… Mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.

“Tôi cũng tán đồng với đề xuất của UBND TP.HCM là cần nghiên cứu, bổ sung vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường đối với pin, ắcquy, các loại thuốc bảo quản thực vật. Vì đây là những mặt hàng trong quá trình sản xuất, sử dụng gây ô nhiễm môi trường, cần đánh thuế bảo vệ môi trường để hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý” - ông Xoa bày tỏ.

Đề nghị xem xét mở rộng cơ sở thuế tài sản

Tại văn bản vừa gửi tới Bộ Tài chính, UBND TP.HCM đề nghị trong thời gian tới cần nghiên cứu thu hẹp đối tượng không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng. Theo đó, chỉ nên giữ lại đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa, dịch vụ bao gồm: Hàng hóa, dịch vụ khó xác định giá trị gia tăng như dịch vụ cấp tín dụng, kinh doanh chứng khoán; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước trả tiền, chẳng hạn như vũ khí, khí tài phục vụ quốc phòng, an ninh,... Tuy vậy, khi thu hẹp đối tượng không chịu thuế cần sử dụng công cụ khác để thực hiện chính sách xã hội và điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

Với thuế tài sản, UBND TP.HCM cho rằng dư địa mở rộng cơ sở sắc thuế này hiện nay ở Việt Nam chủ yếu nằm ở thuế đối với bất động sản. Theo đó, hiện nay Việt Nam mới đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng phi nông nghiệp mà chưa đánh thuế đối với nhà và công trình kiến trúc trên đất (bất động sản).

Do vậy, UBND TP.HCM cho rằng việc nghiên cứu đánh thuế bất động sản với một ngưỡng miễn thuế nhất định để không đánh thuế vào người có thu nhập thấp là một khả năng nên xem xét mở rộng cơ sở thuế tài sản.

Ảnh hưởng đến phát triển ứng dụng công nghệ

Ông Trung Kiên, chủ hệ thống bán lẻ ĐTDĐ và các thiết bị điện tử tại TP.HCM, cho rằng đề xuất thu thuế TTĐB đối với các mặt hàng công nghệ phổ biến và cần thiết như ĐTDĐ, camera thì các đơn vị kinh doanh sẽ giảm doanh số, lợi nhuận. Quan trọng nhất là đề xuất này ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Điều này đi ngược với xu hướng thế giới đang khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, công việc, tác động thúc đẩy nền kinh tế. Vì vậy nên cắt giảm thuế chứ không nên thu thêm với mặt hàng này” - ông Kiên nêu ý kiến. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm