Nông sản Việt tăng tốc vào EU nhờ thuế 0%

“Ngay trong tháng 8, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam (VN) - EU (EVFTA) có hiệu lực, hàng loạt đơn hàng nông sản đã được xuất khẩu sang EU để hưởng ưu đãi thuế quan 0%”. Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ với báo chí vào ngày 15-9.

Cơ hội rất tốt cho hàng Việt

. Phóng viên: Ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển khi một loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết, nhất là EVFTA. Theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp phải thay đổi cơ cấu như thế nào để tận dụng được các cơ hội này?

+ Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, ngành nông nghiệp có lợi thế trên ba trụ cột. Đó là thương mại xuất khẩu nông sản; hợp tác tiếp thu công nghệ, nhất là công nghệ chế biến và nâng cao năng lực quản lý thông qua các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như kỹ năng phát triển thị trường.

Với ba trụ cột lợi thế đó, ngành nông nghiệp đã phối hợp, kết hợp với Bộ Công Thương và các bên liên quan tích cực tái cơ cấu các ngành hàng theo hướng tập trung sản xuất hàng hóa, chuỗi liên kết từ khâu nguyên liệu, sản xuất, chế biến đến bao bì... để xuất khẩu.

Cạnh đó, chúng ta xác định một số nhóm ngành hàng có lợi thế như rau quả, thủy sản, cây công nghiệp và tập trung kiểm soát chất lượng. Đặc biệt, chúng ta chuẩn bị rất kỹ về kỹ năng thương mại. Do đó, ngay trong tháng 8 vừa qua, hàng loạt đơn hàng của các nhóm hàng này đã được xuất khẩu sang EU để hưởng lãi suất 0%.

Song song đó, ngành nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi. Trong đó liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân để hình thành quy trình khép kín từ khâu sản xuất, chế biến đến thương mại, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm.

Thông qua thị trường châu Âu, chúng ta không chỉ khai thác giá trị tuyệt đối của xuất khẩu, mà qua đó khẳng định sản xuất nông nghiệp của VN, trình độ liên kết các nhóm hàng VN đã đạt đến mức có thể đi bất cứ thị trường nào trên thế giới.

. Ông đánh giá thế nào về vai trò của các DN tiên phong trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang EU?

+ Rõ ràng trong chuỗi sản xuất, DN là hạt nhân rất quan trọng. Họ không chỉ đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào ứng dụng mà còn tổ chức xuất khẩu thương mại. Do vậy, phải hết sức chăm lo khối này, kể cả DN nhỏ, DN đầu tư nước ngoài, đặc biệt DN dân tộc. Từ đó đảm bảo tốt khâu liên kết với bà con nông dân để hình thành chuỗi khép kín, hình thành một nền nông nghiệp hiện đại.

Đây là phương châm chung để đảm bảo thắng lợi trong hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nông sản.

Gạo, cà phê, tôm, cá, rau quả tươi Việt Nam đang rộng cửa vào EU kể từ ngày 1-8 vừa qua. Ảnh: QUANG HUY

Khánh thành 12 dự án lớn

. Thưa Bộ trưởng, ngành nông nghiệp sẽ đưa ra giải pháp nào để từ nay đến cuối năm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 41 tỉ USD?

+ Năm nay, ngành nông nghiệp cũng như các ngành kinh tế khác đều cố gắng làm sao đạt mục tiêu kép: Vừa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 thắng lợi, vừa đảm bảo mục tiêu của ngành nông nghiệp, trong đó có mục tiêu xuất khẩu.

Để làm tốt mục tiêu này, từ đầu năm đến nay, các chính sách của ta thực hiện rất uyển chuyển. Chẳng hạn, bất kỳ thị trường nào có khe hở đều tập trung vào, vì vậy sau tám tháng kết quả khá tích cực.

Riêng trong tháng 8, chúng ta có cơ hội rất tốt là Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Ngành nông nghiệp xác định đây sẽ là dư địa để tập trung và triển khai ngay các nhóm ngành hàng lợi thế. Ước tính tháng đầu tiên khi hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu tăng trưởng 15%-17% so với tháng trước.

Với đà này, những tháng còn lại, chúng ta tiếp tục đẩy nhanh hơn sản lượng xuất khẩu đi thị trường châu Âu. Cùng với đó, chúng tôi xác định các thị trường truyền thống khác vẫn phải tập trung như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản...

Với một quyết tâm cao nhất, đồng bộ nhất, chúng tôi tin tưởng năm nay sẽ đạt chỉ tiêu tích cực nhất trong hoàn cảnh khó khăn.

Hạn chế lớn nhất của ngành chăn nuôi

Ngày 15-9, tại hội nghị lấy ý kiến về chiến lược phát triển chăn nuôi, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục. “Hạn chế lớn nhất là phát triển chăn nuôi nhiều khi còn tự phát, theo phong trào, không có kế hoạch và chưa được kiểm soát” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng đây là nguyên nhân khiến cung cầu về sản phẩm chăn nuôi thiếu ổn định, lúc thiếu lúc thừa.

Điển hình là mặt hàng thịt heo liên tục biến động. Có lúc thịt heo dư thừa, Chính phủ phải kêu gọi giải cứu nhưng từ cuối năm 2019 đến nay thì cầu cao hơn cung, giá thịt heo lại lên cao kỷ lục khiến Nhà nước phải kêu gọi giảm giá. Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng đánh giá ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều thời cơ và triển vọng lớn. 

. Ngành nông nghiệp cần làm gì để thúc đẩy xuất khẩu và phát triển bền vững trong thời gian tới, thưa ông?

+ Bên cạnh chương trình bao trùm là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp sẽ có các hoạt động thúc đẩy khác. Ví dụ, từ nay đến cuối năm có khoảng 10-12 dự án lớn sẽ được khánh thành và khởi công, tập trung nhiều vào khâu yếu nhất hiện nay là chế biến nông sản.

Đơn cử như khánh thành dự án nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, khánh thành nhà máy lớn nhất về chế biến thịt gà xuất khẩu; nhà máy chế biến xuất khẩu rau củ quả, dược liệu tại Sơn La...

. Xin cám ơn Bộ trưởng.

Nhiều mặt hàng đã biết chớp cơ hội

Theo Bộ NN&PTNT, chỉ sau hơn một tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU trong tháng 8 đạt 350 triệu USD, tăng trưởng 17% so với tháng 7. Gạo, rau quả tươi, cà phê… là những mặt hàng đã tận dụng được cơ hội xuất khẩu vào EU nhờ EVFTA.

Đáng chú ý, giá nhiều mặt hàng Việt tăng sau khi hiệp định có hiệu lực. Chẳng hạn, giá gạo xuất khẩu của VN vào thị trường EU đã tăng phổ biến 80-200 USD/tấn tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Ước tính trị giá xuất khẩu gạo tháng 8 của VN vào thị trường EU đạt hơn 1,2 triệu USD, tăng tới 93,5% so với tháng 7 và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.

“Có thể thấy việc xuất khẩu một số sản phẩm gạo mang thương hiệu VN sang thị trường EU không chỉ là thành công bước đầu của bản thân DN, mà còn đánh dấu mốc sản phẩm gạo mang thương hiệu VN chính thức ghi danh trên thị trường quốc tế” - ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT, đánh giá. 

Cà phê, chanh, bưởi… chuẩn bị sang EU

Tiếp nối sự kiện lô tôm đầu tiên xuất khẩu sang EU theo Hiệp định EVFTA thì vào ngày 16 và 17-9 tới đây, các mặt hàng như cà phê, chanh leo, bưởi, dừa, thanh long… sẽ tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường này với ưu đãi thuế quan 0%.

Cụ thể, dự kiến ngày 16-9, Công ty CP Thực phẩm Đồng Giao sẽ xuất khẩu lô hàng chanh leo, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp 404 xuất khẩu cà phê. Ngày 17-9, Công ty Vina T&T Group xuất khẩu lô trái cây gồm bưởi, dừa, thanh long theo Hiệp định EVFTA.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm