Phá sản NH, có thể chi bảo hiểm tiền gửi vượt mức

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khi trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đã khẳng định “Nhà nước sẽ không mua lại ngân hàng quá yếu kém”. Theo đó, một số ý kiến đề nghị trong trường hợp không thực hiện được phương án chuyển giao bắt buộc và phá sản TCTD yếu kém thì cần quy định Nhà nước phải thực hiện vai trò người mua cuối cùng.

Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo luật đã bổ sung phương án chuyển giao bắt buộc và quy định một số biện pháp hỗ trợ khi thực hiện phương án này, thực chất là cho TCTD thêm cơ hội để phục hồi.

“Trường hợp không thể thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc thì thực lực của TCTD đã quá kém, nếu Nhà nước mua lại cũng sẽ tạo gánh nặng và rủi ro, không phù hợp với quy luật thị trường. Do vậy, xin giữ quy định như dự thảo luật” - ông Vũ Hồng Thanh báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết một số ý kiến đề nghị quy định rõ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước được cho vay đặc biệt với lãi suất đặc biệt để hỗ trợ cho các TCTD bị phá sản chi trả cho người gửi tiền sau khi bảo hiểm tiền gửi đã thực hiện chi trả nhưng không đủ. Cho phép hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn lực nhà nước khác để chi trả tiền gửi vượt hạn mức cho người gửi tiền cá nhân; đề nghị tỉ lệ chi trả cho người gửi tiền tương ứng theo số tiền gửi...

Về vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, luật đã giao Chính phủ quyết định áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt. Việc chi trả tiền gửi vượt hạn mức, mức chi trả, nguồn chi trả đối với người gửi tiền là cá nhân trong trường hợp phá sản TCTD sẽ tùy thuộc vào tình hình nguồn lực nhà nước theo từng thời kỳ và theo mức độ tác động của từng trường hợp phá sản cụ thể, do vậy không quy định trong luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm